Dựa vào lợi thế của sông Thái Bình và sông Kinh Thầy, nghề nuôi cá lồng tại huyện Nam Sách rất phát triển, tập trung các loại cá rô phi, diêu hồng, trắm, chép giòn, cá lăng. Tính đến nay, huyện có 105 hộ nuôi cá lồng với 2.822 lồng cá tại 9 xã: Nam Hưng, Nam Tân, Thanh Quang, An Bình, Cộng Hoà, Hiệp Cát, An Sơn, Thái Tân và Minh Tân. Sản lượng cá lồng của Nam Sách năm 2020 khoảng 7.400 tấn. Riêng 9 tháng đầu năm 2021, ước tính sản lượng cá đạt 3.300 tấn mang lợi nhuận kinh tế cao cho người nuôi.
Hình thức tổ chức sản xuất của người nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh Hải Dương khá phong phú bao gồm các hợp tác xã, doanh nghiệp, nhưng tập trung chính vẫn là các hộ cá thể. Nuôi cá lồng bè đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi truyền thống trong ao đất do giảm được chi phí đầu vào. Tận dụng được dòng chảy của nước nên nuôi cá lồng bè trên cùng 1 đơn vị diện tích sẽ nuôi được mật độ cao hơn gấp 20 lần so với nuôi trong ao đất.
Vào cuối tháng 6/2022, các hộ dân tại địa bàn huyện Nam Sách và TP Hải Dương tập trung vào nuôi các loài bản địa có giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá chiên, cá bỗng, chéᴘ, chép giòn, trắm đen… Hiện tại các hộ nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh Hải Dương ngoài cho cá ăn cám là thức ăn chủ yếu còn bổ sung các loại thức ăn khác như cỏ, chuối…. Theo đánh giá của các hộ dân nuôi cá ở đây, một lồng cá có kích thước là 54m2 sẽ nuôi từ 6-7 tấn cá. Mỗi một lồng cá sẽ tiêu tốn khoảng gần gần 3 bao cám một ngày.
Hiện nay trên địa bàn huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương có gần 3000 lồng nuôi cá trên sông, tập trung nhiều ở các xã
Nam Tân, Thái Tân, Nam Hưng, Thanh Quang, Cộng Hòa, An Bình... Ảnh: Khánh Long/Báo ảnh Việt Nam
Các lồng nuôi cá đều được làm cẩn thận, chắc chắn không khác gì nhà nổi trên sông. Ảnh: Khánh Long/Báo ảnh Việt Nam
Các lồng nuôi cá đều được ngăn riêng biệt cho từng loại cá. Ảnh: Công Đạt/Báo ảnh Việt Nam
Một lồng cá có kích thước tầm 54m2 sẽ nuôi từ 6-7 tấn cá. Ảnh: Khánh Long/Báo ảnh Việt Nam
Các hộ nông dân đã tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, cá ít bị bệnh, năng suất cao, sinh trưởng và phát triển tốt; giá bán cao, thị trường tiêu thụ ổn định đã góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân trong vùng. Ảnh: Khánh Long/Báo ảnh Việt Nam
Tỉnh Hải Dương và các xã, huyện có mô hình cá lồng đã thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các hộ nuôi cá thực hiện nghiêm các quy định về môi trường, đê điều, an ninh trật tự và tập huấn kỹ thuật nuôi cá lồng thương phẩm, các phương pháp phòng trị bệnh cho cá trong quá trình nuôi. Đặc biệt, tỉnh cũng đã nhiều lần phối hợp với các ban, ngành tổ chức nhiều hội nghị, diễn đàn về hỗ trợ kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm, tìm đầu ra cho cá lồng. Tại những hội nghị này, các nông dân được hướng dẫn về các kiến thức cơ bản trong việc nuôi và phát triển cá lồng bè trên sông, từ đó cập nhật nhanh các kiến thức cũng như cách khắc phục để nuôi cá lồng đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân, phát huy được tiềm năng sẵn có về mặt nước các con sông của địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống của người dân, tạo việc làm cho người lao động.
Thời gian trước đây, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc tiêu thụ cá tại Hải Dương gặp khá nhiều khó khăn. Để hỗ trợ người dân, lãnh đạo địa phương đã đẩy mạnh quảng bá thế mạnh và thương hiệu cá lồng của địa phương; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, siêu thị, nhà phân phối liên kết hợp tác, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
Trung bình mỗi ngày người nuôi sẽ phải cho cá ăn hết 12 bao cám cho 5 lồng cá (hơn 400.000 đồng/bao cám). Ảnh: Khánh Long/Báo ảnh Việt Nam
Theo những hộ dân nuôi cá lồng ở đây thì cá diêu hồng là loại cá dễ nuôi và cho sản lượng thu hoạch lớn nhất. Ảnh: Khánh Long/Báo ảnh Việt Nam
Cá diêu hồng được thương lái thu mua đều đặn hơn những loại cá khác. Ảnh: Khánh Long/Báo ảnh Việt Nam
Ngoài ra, một số địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã có kết nối bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử như VOSO, Postmart để sản phẩm có thể đến tay người tiêu dùng một cách thuận tiện và nhanh nhất, tổ chức hội nghị kết nối, tiêu thụ cá lồng với các sàn thương mại điện tử và một số siêu thị. Các đối tượng khách hàng được hướng tới là các sàn thương mại điện tử, các siêu thị, các hiệp hội ngành hàng, các bếp ăn trong các khu công nghiệp, các doanh nghiệp có lượng lớn người tiêu thụ….
Anh Bùi Văn Duy nuôi cá lồng ở xã Thái Tân cho biết: "Mỗi lồng nuôi cá lăng sau khi trừ chi phí, người nuôi lãi khoảng 100 triệu đồng; cá diêu hồng thu lãi hơn 40triệu đồng/lồng. So với nuôi cá ở ao thì nuôi lồng bè mang lại giá trị kinh tế lớn hơn".
Người nuôi đã chú trọng hơn về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng. Công nghệ truy xuất nguồn gốc như gắn tem cho cá thương phẩm cũng đã được áp dụng. Đến nay, cá lồng Nam Sách đã được bán tới nhiều tỉnh thành như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định…/.