Tiềm năng địa phương

Nước mắm Gành Đỏ

Nhiều thế hệ người dân ở Gành Đỏ (thị xã Sông Cầu, Phú Yên) khi sinh ra, họ đã ngửi thấy mùi nước mắm, ăn cơm với nước mắm mà lớn lên, rồi lấy vợ sinh con, học nghề cha ông truyền lại. Cái nghề theo người vùng thị xã Sông Cầu như định mệnh, như lời nói chân chất của bà Trần Thị Dung, 60 tuổi, chủ hiện tại của cơ sở nước mắm Ông Già: “Khi nào vợ chồng tôi không làm nổi nữa thì con tôi sẽ kế nghiệp nghề làm nước mắm của gia đình.”
Những ngư dân ở thị xã Sông Cầu cho rằng, loại cá cơm (nguyên liệu làm nước mắm) ở vùng biển Phú Yên có một mùi thơm đặc biệt, khi làm ra nước mắm Gành Đỏ cũng mang mùi thơm ngon đặc trưng không thể lẫn vào những loại nước mắm khác.
Cũng theo bà Dung, trước đây nhiều người làm nước mắm không ai chú ý đến tên gọi cả. Nhiều du khách đến đây mua về ăn thấy ngon rồi “truyền tai” nhau, giới thiệu về loại nước mắm ở Gành Đỏ, tên gọi truyền miệng của làng nghề dọc biển làm nước mắm ở thị xã Sông Cầu. Rồi từ sau năm 1975, bà Dung mới cùng những cơ sở khác mới đăng ký nhãn hiệu.

Bà Dung cũng cho biết thêm, ngoài cách làm nước mắm mà những người ở địa phương chỉ cho nhau từ bao đời, thì tùy mỗi gia đình còn có những bí quyết riêng để nước mắm của mình đặc biệt hơn. Bà Dung tiết lộ: “Ngoài nguyên liệu cá cơm và cách chế biến thông thường, thì loại muối hột dùng để ướp cá sau khi mua về phải để một năm sau cho ra hết chất đắng có trong muối mới dùng để muối cá. Như vậy nước mắm làm ra sẽ không có vị chát đắng pha lẫn trong đó. Ngoài ra, những con cá cơm nguyên liệu được đánh bắt tươi ngon tại địa phương trước khi được vào ủ mắm cần phải rửa qua bằng nước biển, cũng là một cách để làm nước mắm ngon”.


Cá cơm ở vùng biển Phú Yên, nguyên liệu chính sử dụng để ủ nước mắm. Ảnh: Thông Hải


Cá cơm được xử lý sạch trước khi mang đi ủ muối. Ảnh: Thông Hải


Cá cơm đã qua sơ chế được đặt trong các thùng nhựa. Ảnh: Thông Hải


Những giọt nước mắm nhĩ thượng hạng chắt ra từ thùng ủ... Ảnh: Thông Hải


... và được chiết xuất vào các chai nhỏ. Ảnh: Thông Hải


Nước mắm Bà Mười, một cơ sở làm nước mắm lâu đời ở ở Gành Đỏ, thị xã Sông Cầu. Ảnh: Dương Thanh Xuân


Nước mắm Gành Đỏ hiện đã được chứng nhận thương hiệu và có mặt ở nhiều thị trường trong nước. Ảnh: Thông Hải


Nước mắm đã trở thành một đặc sản vùng miền không thể thiếu trên đất Phú Yên. Ảnh: Dương Thanh Xuân


Khách du lịch ghé mua nước mắm làm qua tại cơ sở nước mắm Ông Già. Ảnh: Thông Hải

Từ năm 2012, cục Sở hữu công nghệ Viêt Nam đã chứng nhận thương hiệu cho nước mắm Gành Đỏ, đến nay thương hiệu nước mắm Gành Đỏ đã có mặt trên khắp thị trường Việt Nam.
Từ khi đưa cá cơm vào ướp muối, ủ cho đến khi ra được những giọt nước mắm nhỉ đầu tiên phải mất khoảng 1 năm chế biến và theo dõi. Vì vậy, người làm nước mắm phải làm xoay vòng liên tục để có thể cho ra đủ số lượng để cung cấp cho thị trường.

Ông Nguyễn Thành Đông, chủ cơ sở nước mắm Bà Mười cho biết, cơ sở của ông trung bình dùng khoảng 50 tấn cá cơm để làm nước mắm mỗi năm, có năm lên tới cả trăm tấn cá. Vào những lúc cao điểm, nhân công trong xưởng lên tới 15 người, giúp tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Dọc chiều dài hơn 1km dọc quốc lộ 1A thuộc phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên là khoảng chục hộ dân với nghề làm nước mắm lâu đời. Nhiều thương hiệu đã trở nên quen thuộc đối với khách hàng như: Ông Già, Bà Mười, Tân Lập, Thanh Thủy, Vạn Tín,.../.

 
Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Thông Hải, Dương Thanh Xuân


Top