Mới đây, kỷ niệm 21 năm ngày lần đầu công diễn, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh đã cho công diễn chương trình nghệ thuật đặc biệt “Việt Nam non nước ngàn dặm”. Chương trình bao gồm những tác phẩm giá trị nhất của nền âm nhạc và múa Việt Nam trong thời gian gần đây.
Chương trình gồm hai phần, được thể hiện dưới dạng thính âm nhạc phòng và vũ kịch. Phần 1 là tổ khúc dân ca Việt Nam mang chủ đề “Dòng chảy”. Trong phần này khán giả được thưởng thức những giai điệu du dương, nhẹ nhàng, bay bổng của 20 bài dân ca nổi tiếng của Việt Nam từ Bắc vào Nam, từ miền núi xuống đồng bằng và ra tới miền biển, do nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng chuyển soạn cho dàn nhạc giao hưởng, lĩnh xướng, dàn hợp xướng, hợp xướng thiếu nhi.
Tổ khúc “Dòng chảy” được nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng hoàn thành và công diễn lần đầu vào tháng 8/2013, rất được khán giả trong và ngoài nước yêu thích. Những làn điệu dân ca mộc mạc nhưng thấm đẫm tình người của nhiều vùng miền đất nước như Ru em (dân ca Xê Đăng); Bắc kim thang, Lý kéo chài, Cò lả (dân ca Nam Bộ); Cây trúc xinh, Người ở đừng về, Bèo dạt mây trôi (quan họ Bắc Ninh); Hò khiêng xe nước (dân ca Bình Định); Xuân phong long hổ (dân ca Trị Thiên), Gà gáy le te (dân ca Cống Khao)... như đưa khán giả quay trở về với cội nguồn văn hóa của dân tộc và với quá khứ tuổi thơ của mình.
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cho biết, để hoàn thành tổ khúc này là một sự thử thách lớn, bởi trước đó chúng ta chưa từng thể hiện các bài hát dân ca dưới dạng âm nhạc thính phòng và sân khấu kịch. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực cả ê kíp, ý tưởng này đã được thực hiện thành công, góp phần tạo dựng nên một hướng phát triển mới cho dòng chảy dân ca Việt Nam.
Bài dân ca “Bắc kim thang” (dân ca Nam Bộ).
![](https://imagevietnam.vnanet.vn/Upload/2015/9/18/4.jpg)
Làn điệu "Người ở đừng về" (dân ca Quan họ Bắc Ninh).
![](https://imagevietnam.vnanet.vn/Upload/2015/9/18/10.jpg)
Điệu "Lý kéo chài" (dân ca Nam Bộ).
![](https://imagevietnam.vnanet.vn/Upload/2015/9/18/8.jpg)
Các làn điệu dân ca được thể hiện một cách độc đáo và đầy mới lạ dưới hình thức âm nhạc thính phòng.
![](https://imagevietnam.vnanet.vn/Upload/2015/9/18/7.jpg)
Khúc "Xuân phong long hổ" (dân ca Bình Trị Thiên).
Nếu “Dòng chảy” thể hiện một đất nước Việt Nam yên bình, tươi đẹp mang âm hưởng của nghệ thuật thính phòng và sân khấu kịch, thì ở phần hai, chủ đề “Còn mãi bản hùng ca” lại được thể hiện dưới dạng một vở vũ kịch (do Nghệ sĩ Nhân dân Vũ Việt Cường và Nghệ sĩ Nhân dân Kim Quy làm biên đạo múa) với nội dung xoay quanh đề tài cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc. Ở đó có đau thương, mất mát và có cả những tấm gương kiên trung, bất khuất đứng lên vì nền độc lập, tự do của nước nhà. Thông qua sự biểu cảm từ ngôn ngữ hình thể của các nghệ sĩ, những hình ảnh về cuộc chiến tranh giữ nước cứ thế hiện ra sinh động như một thước phim quay chậm làm rung động lòng người xem, khiến cho ai cũng thấy tự hào về tổ quốc mình.
Vũ điệu thể hiện niềm hạnh phúc và hòa mình trong vở vũ kịch “Còn mãi bản hùng ca”.
![](https://imagevietnam.vnanet.vn/Upload/2015/9/18/19.jpg)
Hình ảnh thanh niên miền Nam hừng hực khí thế đứng lên theo lời kêu gọi "Dậy mà đi!"
trong những năm chống Mỹ cứu nước.
![](https://imagevietnam.vnanet.vn/Upload/2015/9/18/21.jpg)
Hình ảnh nhân dân miền Nam nâng niu lá cờ giải phóng với niềm tin ngày thống nhất.
![](https://imagevietnam.vnanet.vn/Upload/2015/9/18/11.jpg)
Vũ khúc thể hiện cuộc sống tăm tối của những năm tháng chiến tranh đau thương, tàn khốc.
![](https://imagevietnam.vnanet.vn/Upload/2015/9/18/16.jpg)
Vũ khúc thể hiện trong đau thương nhân dân vẫn một lòng trung trinh theo Đảng, theo Cách mạng.
![](https://imagevietnam.vnanet.vn/Upload/2015/9/18/13.jpg)
Và luôn khát khao tự do, hòa bình...
![](https://imagevietnam.vnanet.vn/Upload/2015/9/18/15.jpg)
Vũ khúc thể hiện hình ảnh nhân dân miền Nam kiên cường, bất khuất
vượt qua đau thương và sự tàn khốc của cuộc chiến tranh.
![](https://imagevietnam.vnanet.vn/Upload/2015/9/18/17.jpg)
Và ngọn lửa Cách mạng luôn bùng cháy mãnh liệt.
Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Ban Tổ chức