Khám phá

Nơi lưu giữ sự thật về Hoàng Sa và Trường Sa

Từ bao đời nay, Hoàng Sa và Trường Sa luôn là một phần lãnh thổ máu thịt và thiêng liêng của người Việt. Và như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Điều đó đã được minh xác qua rất nhiều nguồn tư liệu hiện có ở trong và ngoài nước. Và Nhà trưng bày Hoàng Sa ở Đà Nẵng chính là một ví dụ sinh động trong việc lưu giữ, trưng bày và giới thiệu những bằng chứng không thể tranh cãi về chủ quyền của Việt Nam đối với hai Quần đảo này.
Nhà trưng bày Hoàng Sa được UBND Huyện đảo Hoàng Sa, Tp. Đà Nẵng tổ chức khởi công xây dựng trên đường Hoàng Sa (Quận Sơn Trà, Tp. Đà Nẵng) vào ngày 07/12/2015 và chính thức đi vào hoạt động vào ngày 28/03/2018. Công trình do công ty kiến trúc WRIGHT (Nhật Bản) tư vấn thiết kế, được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 1.296m², trong đó diện tích xây dựng 412m², gồm 1 trệt, 3 tầng nổi, cao 18m với diện tích sàn 1.824m². Mặt tiền tòa nhà hướng thẳng ra Biển Đông với khối tầng nổi được trang trí lớp hoa văn có khả năng hiển thị hình ảnh cờ đỏ sao vàng dưới tác động phản xạ của ánh sáng mặt trời, mang hàm ý cả đất nước luôn hướng về hai Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.

Nhà trưng bày Hoàng Sa là nơi trưng bày một cách có hệ thống các tư liệu, hình ảnh động và tĩnh về lịch sử, pháp lý, vị trí địa lý tự nhiên, hành chính... của Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dựa trên nền tảng công nghệ trưng bày đa phương tiện, hiện đại.
Nhà trưng bày Hoàng Sa – nơi lưu giữ những sự thật không thể tranh cãi về Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: Thanh Hòa

Du khách bày tỏ niềm tự hào khi được đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử Hoàng Sa của Việt Nam tại Nhà trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: Thanh Hòa

Cột mốc chủ quyền Hoàng Sa được tái hiện trang trọng ngay tại khu vực trung tâm của Nhà trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: Thanh Hòa

Du khách tham quan không gian trưng bày các văn bản pháp lý liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: Thanh Hòa

Du khách tham quan mô hình thuyền buồm đi Hoàng Sa của người Việt Nam hồi thế kỉ 17. Ảnh: Thanh Hòa

Tủ trưng bày bản sao các Châu bảntriều Nguyễn (văn bản hành chính do chính các vua triều Nguyễn phê duyệt) về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Thanh Hòa

Tiêu bản các loại sản vật đánh bắt được tại Hoàng Sa. Ảnh: Thanh Hòa


Một góc không gian trưng bày của Nhà trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: Thanh Hòa
Không gian trưng bày của tòa nhà được chia thành 9 mảng chủ đề chính với hàng nghìn tư liệu và hiện vật sinh động khác nhau, gồm: 1/ Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên; 2/ Hoàng Sa trong thư tịch cổ của Việt Nam trước thời nhà Nguyễn; 3/ Hoàng Sa trong thư tịch cổ Việt Nam thời nhà Nguyễn; 4/ Những tư liệu của Trung Quốc và phương Tây minh chứng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; 5/ Chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa giai đoạn 1858-1954; 6/ Chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa giai đoạn 1954-1974; 7/ Các văn bản quản lý Nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa từ năm 1975 đến nay; 8/ Hoàng Sa với Thế giới - Thế giới với Hoàng Sa; 9/ Hoàng Sa và những nhân chứng lịch sử.

Mỗi bức ảnh, mỗi trang tư liệu, mỗi tấm bản đồ, mỗi hiện vật... được trưng bày ở Nhà trưng bày Hoàng Sa không chỉ có giá trị quý báu về mặt lịch sử, pháp lý, là bằng chứng không thể tranh cãi về chủ quyền của Việt Nam đối với hai Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà còn là những báu vật thiêng liêng có sức mạnh khơi dậy niềm tự hào, ý chí và sức mạnh của hơn 100 triệu đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước đối với việc gìn giữ và bảo vệ biển đảo máu thịt của quê hương.

Ví dụ như hiện vật Mộc bản sách “Đại Nam thực lục tiền biên” (bộ chính sử của triều Nguyễn) tờ số 24, quyển 10 trưng bày tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa có nội dung ghi rõ: “Năm 1754, mùa Thu, tháng 7, dân đội Hoàng Sa ở Quảng Ngãi đi thuyền ra đảo Hoàng Sa, gặp gió dạt vào hải phận Quỳnh Châu nước Thanh. Tổng đốc Thanh hậu cấp cho rồi cho đưa về. Chúa sai viết thư cảm ơn. Ở ngoài biển, về xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi, có hơn 130 bãi cát cách nhau hoặc đi một ngày đường, hoặc vài trống canh, kéo dài không biết mấy nghìn dặm, tục gọi là “Vạn lý Trường Sa”. Trên bãi có giếng nước ngọt. Sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, vích, ba ba,... Buổi quốc sơ đặt đội Hoàng Sa 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hằng năm, đến tháng 3 thì đi thuyền ra, độ ba đêm ngày thì đến bãi, tìm lượm hóa vật, đến tháng 8 thì về nộp. Lại có đội Bắc Hải, mộ người ở thôn Tứ Chánh thuộc Bình Thuận hoặc xã Cảnh Dương sung vào, sai đi thuyền nhỏ đến các xứ Bắc Hải, Côn Lôn để tìm lượm hóa vật; đội này cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản”.

Hay bản dập từ Mộc bản tờ số 6, quyển 50, sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ” (bộ chính sử của triều Nguyễn) cũng có nội dung ghi rõ: “Tháng Hai năm Ất Hợi, Gia Long năm thứ 14 (1815), vua sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển”.

Hình ảnh bản đồ vẽ hình thế phủ Quảng Ngãi trong tập “Thiên hạ bản đồ”, biên soạn vào thời Lê (thế kỷ 18), được trưng bày tại Nhà trưng bày Hoàng Sa. Trong phần chú dẫn phía trên bản đồ này có miêu tả địa danh “Bãi Cát Vàng” (bằng chữ Nôm) ở ngoài khơi tỉnh Quảng Ngãi. Nội dung ghi rõ như sau: “Bãi Cát Vàng dài chừng 400 dặm, rộng 20 dặm, ở giữa biển. Từ cửa Đại Chiêm đến cửa Quyết Mông mỗi khi có gió Tây Nam thì thuyền đi phía trong trôi dạt ở đây, khi có gió Đông Bắc thuyền đi cũng bị trôi dạt ở đây và đều chết đói hết cả, của cải để lại ở đó. Hàng năm vào tháng cuối đông có 18 chiếc thuyền đến đó thu đồ lấy vàng bạc. Đi từ cửa Đại Chiêm đến đây mất một ngày rưỡi, từ cửa Canh Sa đến đây cũng mất một ngày rưỡi”. Ảnh: Thanh Hòa


Không gian trưng bày, giới thiệu nhữnghình ảnh về các hoạt động của Việt Nam tại Quần đảo Hoàng Sa giai đoạn từ 1858-1945. Ảnh: Thanh Hòa


Không gian trưng bày, giới thiệu về quyền hạn và chức năng hoạt động của Hải đội Hoàng Sa do chính quyền Chúa Nguyễn xứ Đàng Trong lập ra từ thế kỷ thứ 17.
Ảnh: Thanh Hòa


Du khách tham quan và nghe giới thiệu về các tài liệu cổ chứng minh chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: Thanh Hòa


Không gian trưng bày, giới thiệu chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam qua các bản đồ và thư tịch cổ thời nhà Nguyễn (1802-1945). Ảnh: Thanh Hòa


Cán bộ Nhà trưng bày Hoàng Sa giới thiệu về các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ảnh: Thanh Hòa
Hoặc ở bản đồ vẽ hình thế phủ Quảng Ngãi trong tập “Thiên hạ bản đồ”, biên soạn vào thời Lê (thế kỷ 18), trong phần chú dẫn không chỉ có việc miêu tả địa danh “Bãi Cát Vàng” (bằng chữ Nôm) ở ngoài khơi tỉnh Quảng Ngãi mà còn ghi rõ rằng: “Bãi Cát Vàng dài chừng 400 dặm, rộng 20 dặm, ở giữa biển. Từ cửa Đại Chiêm đến cửa Quyết Mông mỗi khi có gió Tây Nam thì thuyền đi phía trong trôi dạt ở đây, khi có gió Đông Bắc thuyền đi cũng bị trôi dạt ở đây và đều chết đói hết cả, của cải để lại ở đó. Hàng năm vào tháng cuối đông có 18 chiếc thuyền đến đó thu đồ lấy vàng bạc. Đi từ cửa Đại Chiêm đến đây mất một ngày rưỡi, từ cửa Canh Sa đến đây cũng mất một ngày rưỡi”...

Nhắc lại như vậy để thấy rằng, những ví dụ trên cùng với nhiều tư liệu khác hiện đang được lưu giữ tại Nhà trưng bày Hoàng Sa chính là những bằng chứng lịch sử và pháp lý không thể tranh cãi về chủ quyền của Việt Nam đối với hai Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Có thể nói, Nhà trưng bày Hoàng Sa là một thiết chế văn hóa, lịch sử mang ý nghĩa chính trị đặc biệt. Đây là nơi trưng bày, giới thiệu và tuyên truyền cho đông đảo nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế những thông tin, tư liệu, hình ảnh sinh động, giá trị về quá trình khai phá, xác lập và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa./.
 
Bài, ảnh: Thanh Hòa
 

Nam Xuân Lạc, vẻ đẹp của lịch sử, tài nguyên và thiên nhiên

Nam Xuân Lạc, vẻ đẹp của lịch sử, tài nguyên và thiên nhiên

Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Nam Xuân Lạc rộng hơn 4.100 ha, nằm ở vị trí cao hơn 800 mét so với mực nước biển, trải dài trên địa bàn các xã Đồng Lạc, Xuân Lạc, Bản Thi, Yên Thịnh thuộc huyện Chợ Đồn, có khí hậu quanh năm mát mẻ, thiên nhiên hùng vĩ cùng những dấu ấn lịch sử, văn hoá đặc sắc đang là tiền đề để tỉnh Bắc Kạn phát triển du lịch.

Top