Chân dung

Nhà hải dương học Lê Đức Tố

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú (GS.TS.NGƯT) Lê Đức Tố là chuyên gia đầu ngành của ngành Hải dương học Việt Nam. Ông có công lớn trong việc nghiên cứu và đưa ra những luận cứ khoa học quan trọng giúp Nhà nước thực hiện các chính sách bảo tồn và phát triển kinh tế, sinh thái, du lịch... trên vùng Biển Đông của Việt Nam.
Năm 1962, Lê Đức Tố được Nhà nước gửi đi học ngành Hải dương học tại Trường Đại học Tổng hợp Leningrat (Liên Xô cũ). Mùa hè năm 1967, sau khi bảo vệ xuất sắc luận văn tốt nghiệp đại học chuyên ngành Hải dương học - Vật lí, Lê Đức Tố và một số sinh viên mới tốt nghiệp khác được Giáo sư, Anh hùng Lao động Liên Xô Buinhiski và Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô cử tham gia chuyến khảo sát Ấn Độ Dương trong 3 tháng trên tàu nghiên cứu khoa học biển mang tên Viện sĩ Kurchatov.

Ba tháng lăn lộn trên Ấn Độ Dương cùng các thầy đã thổi vào tâm hồn chàng thanh niên trẻ một hoài bão lớn, đó là ước mơ khám phá và chinh phục đại dương. Năm 1967 Lê Đức Tố về nước nhận công tác tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội) và được giao nhiệm vụ xây dựng ngành Khí tượng - Hải dương tại trường. Đến năm 1970, bộ môn Hải dương học của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội chính thức được thành lập với 5 cán bộ và ông chính là vị Chủ nhiệm Khoa đầu tiên.

Từ đó cho đến nay, nhiều thế hệ sinh viên với hàng trăm cử nhân hải dương học do ông cùng đồng nghiệp đào tạo đã lần lượt ra trường. Nhiều người trong số đó tiếp tục được ông đào tạo nâng cao trở thành thạc sĩ, tiến sĩ, rồi trở thành phó giáo sư, giáo sư, và được cử giữ nhiều vị trí quan trọng tại các Viện, Cơ quan liên quan đến lĩnh vực hải dương học ở Việt Nam.
 

GS.TS.NGƯT Lê Đức Tố (tháng 3/2012). (Ảnh: An Thành Đạt)

Một công trình nghiên cứu về biển của GS Lê Đức Tố. (Ảnh: An Thành Đạt)

GS Lê Đức Tố (thứ 2 bên trái sang) tại Hội thảo quốc tế về biển được tổ chức ở Philipines. (Ảnh: Tư liệu)

GS Lê Đức Tố thuyết trình tại một hội thảo về biển ở Hà Nội. (Ảnh: Tư liệu)

GS. Lê Đức Tố (giữa) trong một chuyến đi khảo sát kinh tế biển tại miền Trung. (Ảnh: Tư liệu)

Hệ sinh thái biển Việt Nam là mối quan tâm hàng đầu của GS. Lê Đức Tố. (Ảnh: Tư liệu)

Sau ngày đất nước giải phóng (1975), trước yêu cầu đẩy mạnh việc điều tra, nghiên cứu các vấn đề về biển để phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, GS Lê Đức Tố cùng các nhà khoa học đã khẩn trương bắt tay triển khai xây dựng nhiều chương trình điều tra nghiên cứu biển quốc gia cũng như các chương trình hợp tác quốc tế khác. Bản thân ông cũng đã đích thân chủ trì thực hiện thành công nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước như: Nghiên cứu hệ sinh thái cửa sông ven biển Thái Bình, Nghiên cứu về điều kiện tự nhiên và môi trường vùng biển ven bờ các tỉnh giáp biển miền Trung, Nghiên cứu dự báo sự biến động trữ lượng và sản lượng nguồn lợi cá khai thác vùng biển Nam Trung Bộ, Luận chứng khoa học về các mô hình phát triển kinh tế - sinh thái trên các đảo... Trong đó đáng chú ý có Chương trình hợp tác Việt Nam - CHLB Nga điều tra nghiên cứu vùng biển ven bờ Việt Nam; và Chương trình hợp tác Việt Nam - Philippines điều tra nghiên cứu Biển Đông, một chương trình hợp tác song phương điều tra nghiên cứu Biển Đông do nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh và nguyên Tổng thống Philippines Phidel Ramos đề xuất.

Từ năm 1991 đến năm 1996, để tăng cường khả năng phát triển kinh tế biển, nhất là ngành khai thác và đánh bắt hải sản, GS Lê Đức Tố cùng Ban chủ nhiệm Chương trình Nghiên cứu biển Quốc gia đề xuất chương trình nghiên cứu dự báo biến động sản lượng cá khai thác ở vùng biển Việt Nam, lấy vùng biển Nam Trung Bộ làm trọng điểm nghiên cứu. Dưới sự chủ trì của ông, lần đầu tiên các nhà khoa học đã phát hiện ra sự liên quan trực tiếp giữa hiện tượng nước trồi (hiện tượng lớp nước biển ở dưới sâu nổi lên mặt) đối với việc phân bố các bãi cá ở vùng biển Nam Trung Bộ. Đặc biệt, đề tài còn phát hiện ra sự biến động của các đàn cá phụ thuộc chặt chẽ vào cấu trúc khối nước, một vấn đề cho đến nay vẫn còn khá mới mẻ đối với giới khoa học biển Việt Nam và thế giới.

Bên cạnh những công trình khoa học phục vụ cho ngành đánh bắt thủy hải sản, GS Lê Đức Tố còn dày công nghiên cứu nhiều công trình khoa học có tính ứng dụng cao trong đời sống. Điển hình như các mô hình kinh tế - sinh thái đã được triển khai thành công trên đảo Ngọc Vừng ở vịnh Bắc Bộ, Cù Lao Chàm ở Trung Bộ và Hòn Khoai ở Nam Bộ. Thành công của mảng đề tài này đã mở ra một hướng mới trong nghiên cứu kinh tế - sinh thái - môi trường giúp phát triển bền vững các vùng biển ven bờ và hải đảo của Việt Nam. Và đây cũng chính là hướng đi mà nhiều nhà khoa học hiện nay đang theo đuổi để phục vụ công cuộc phát triển kinh tế biển của Việt Nam.

Sau hơn 40 năm nghiên cứu, năm 2003, GS Lê Đức Tố cùng với các nhà khoa học Việt Nam đã cho ra đời bộ chuyên khảo Biển Đông (4 tập) dày hàng nghìn trang. Bộ sách được đánh giá là một công trình khoa học đồ sộ, một “tập đại thành” về ngành khoa học biển của Việt Nam.

Suốt gần nửa thế kỉ cống hiến cho ngành Hải dương học nước nhà, tên tuổi và sự nghiệp khoa học của GS.TS.NGƯT Lê Đức Tố đã in đậm trong giới khoa học biển Việt Nam./.
Bài: Hữu Tuấn - Ảnh: An Thành Đạt & Tư liệu

Bài: Hữu Tuấn - Ảnh: An Thành Đạt & Tư liệu

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Nhà kiến tạo và vun đắp quan hệ Việt - Mỹ

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Nhà kiến tạo và vun đắp quan hệ Việt - Mỹ

Với phong thái ngoại giao chuyên nghiệp, tư duy chiến lược sắc bén và khả năng kết nối sâu rộng, Đại sứ Phạm Quang Vinh được biết đến là một trong những nhà ngoại giao xuất sắc của Việt Nam - người để lại dấu ấn đậm nét cũng như đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ. Nhiệm kỳ của ông với vai trò là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Hoa Kỳ (11/2014 - 6/2018) không chỉ chứng kiến những bước tiến lịch sử của quan hệ hai nước mà còn khắc họa rõ nét những nỗ lực bền bỉ và tầm nhìn xa của nhà ngoại giao kỳ cựu này nhằm kiến tạo những cơ hội cũng như xây cầu nối vững chắc giữa hai nền văn hóa, hai hệ thống chính trị khác biệt.

Top