Sau nhiều lần thất bại, anh Nguyễn Trần Hiệp với ấp ủ giấc mơ làm giàu bằng chính nghề truyền thống trên quê hương Từ Sơn (Bắc Ninh) đã thành công và trở thành nghệ nhân Quốc gia trẻ nhất Việt Nam khi mới 37 tuổi. Mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, từ cơ sở sản xuất mỹ nghệ Hiệp Thắng, Nguyễn Trần Hiệp tiếp tục mở rộng mô hình sản xuất trở thành HTX đồ gỗ mỹ nghệ Hiệp Thắng, nơi thực sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho nhiều hộ dân trên địa bàn.
Từ một người thợ nghề phá sản…
Năm 2000, sau 8 năm “tầm sư học đạo” từ thầy Nguyễn Kim, một nghệ nhân nổi tiếng ở Bắc Ninh, Nguyễn Trần Hiệp mở cơ sở làm đồ gỗ mỹ nghệ điêu khắc tại gia đình. Khi đó, anh Hiệp đã dùng toàn bộ số vốn tích cóp của gia đình, cùng với tiền vốn vay của Đoàn Thanh niên Tỉnh Bắc Ninh để đầu tư. Do chưa có kinh nghiệm thị trường, hàng của anh làm ra không tiêu thụ được.
Nhiều thanh niên cùng thời với anh, cũng ấp ủ giấc mơ làm giàu bằng chính nghề truyền thống trên quê hương, nhưng đều đã phải bỏ nghề và mưu sinh bằng nghề khác. Thất bại nặng nề, mọi người trong nhà đều khuyên anh tìm nghề khác. Quyết không bỏ cuộc, sau thất bại nặng nề đó, anh Hiệp lại “vác ba lô” lên đường, tiếp tục “tầm sư học đạo”.
Nhiều đêm thức trắng tìm hướng phát triển, cộng với những kiến thức về thị trường sau lần đầu thất bại, anh Hiệp đã tiến hành những cải tiến mẫu mã sản phẩm, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Theo đó, anh Hiệp đã tìm ra hai phân khúc khách hàng chủ đạo. Phân khúc khách hàng thứ nhất là nhóm khách du lịch vào Việt Nam. Với nhóm khách hàng này, anh đã cho sản xuất những sản phẩm mỹ nghệ nhỏ, làm quà lưu niệm như con giống, các bức tranh nhỏ, tràng hạt, khay trà, tượng nhỏ,…
Nghệ nhân Quốc gia Nguyễn Trần Hiệp và một tác phẩm của mình.
Những công cụ chủ yếu sử dụng trong điêu khắc gỗ của Nghệ nhân Nguyễn Trần Hiệp.
Phôi mộc dùng tạc những tác phẩm gỗ của Nghệ nhân Nguyễn Trần Hiệp.
Ngoài các tác phẩm điêu khắc gỗ nghệ thuật, HTX Mỹ nghệ Hiệp Thắng của Nghệ nhân Nguyễn Trần Hiệp
còn nhận làm tượng gỗ chân dung theo mẫu.
Nghệ nhân Nguyễn Trần Hiệp thực hiện việc tạo hình cho một bức tượng chân dung.
Với nghệ nhân Nguyễn Trần Hiệp, mỗi tác phẩm đều là một đứa con tinh thần được anh sáng tác.
Công đoạn đánh giấy ráp để hoàn thiện các tác phẩm gỗ mỹ nghệ
tại HTX Mỹ nghệ Hiệp Thắng của Nghệ nhân Nguyễn Trần Hiệp.
|
Phân khúc khách hàng thứ hai, đồng thời cũng là phân khúc chủ đạo, là nhóm khách buôn đến từ Trung Quốc. Đặc thù của nhóm khách hàng này là đặt hàng làm sản phẩm theo mẫu có sẵn, từ những sản phẩm mỹ nghệ tầm trung, giá vài chục triệu đồng cho đến các dòng sản phẩm cao cấp vài trăm, thậm chí cả tỷ đồng. Đây là lượng khách hàng đều đặn và mang lại nguồn thu nhập chính cho cơ sở của anh Hiệp từ năm 2002 đến năm 2010.
Hiện, cơ sở sản xuất mỹ nghệ Hiệp Thắng, nay đổi tên thành HTX Mỹ nghệ Hiệp Thắng của anh Hiệp đã tạo việc làm ổn định thường xuyên cho 28 lao động với thu nhập bình quân 4 - 10 triệu đồng/tháng.
… đến nghệ nhân quốc gia trẻ nhất Việt Nam.
7 năm về trước, khi thực hiện việc cải tiến sản phẩm lần thứ hai, với việc tập trung vào dòng sản phẩm mỹ nghệ cao cấp, anh Hiệp đã thực sự được công chúng biết đến rộng rãi với tác phẩm điêu khắc gỗ “Âm hưởng Thăng Long” (một trong những tác phẩm xuất sắc nhất mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội).
Tiếp đó là các tác phẩm: “Bát long vọng quang phát”, “tiếng vọng Nhâm Thìn”… hiện đều đang lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội và đều được các chuyên gia đánh giá những tác phẩm “có một không hai”. Sau đó, Hội đồng khoa học Quốc gia đã vinh danh Nguyễn Trần Hiệp là người có “Bàn tay vàng”, đứng thứ 2 trong cuộc thi Nghệ nhân Quốc gia và được Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Quốc gia khi mới 37 tuổi.
Một trong những tác phẩm tâm đắc của nghệ nhân Nguyễn Trần Hiệp là tác phẩm “Bát Long vọng quang phát”. Được lấy ý tưởng từ 8 vị vua nhà Lý, hiện thân chính là 8 con rồng, tọa trên đài sen ngũ sắc. Dưới mặt niết bàn, ở đài sen ngũ sắc là khu nhà thủy đình của Đền Đô (Bắc Ninh)...
Tác phẩm điêu khắc tượng Phật tổ.
Tác phẩm điêu khắc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Mỗi chi tiết trong tác phẩm đều được nghệ nhân Nguyễn Trần Hiệp
gửi gắm trong đó một giá trị tư tưởng tâm linh Á Đông, một triết lý của Đạo phật.
Tác phẩm “Phù dung Di lặc” đang trong quá trình hoàn thiện.
Tác phẩm tranh gỗ “Tứ linh tụ tâm” được Nghệ nhân Nguyễn Trần Hiệp thực hiện trong 6 tháng.
Từng chi tiết nhỏ trong mỗi tác phẩm đều được Nghệ nhân Nguyễn Trần Hiệp xử lý tinh tế. |
Đây là tác phẩm được thực hiện để chào mừng 80 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và đã được ghi vào sách Kỷ lục Việt Nam năm 2011 ở danh mục tác phẩm mỹ nghệ điêu khắc có tính tư tưởng, nghệ thuật,… suất sắc nhất.
Tôi nhớ một câu nói của người Đức “Mỗi thiên bẩm là một trách nhiệm”. Có lẽ điều này đúng với nghệ nhân Nguyễn Trần Hiệp khi nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ nghề truyền thống của quê hương. Nghệ nhân Nguyễn Trần Hiệp đã làm rạng danh nghề bằng những tác phẩm mỹ nghệ điêu khắcđược đánh giá không chỉ có tính nghệ thuật, giá trị tư tưởng mà chứa đựng trong đó cả những giá trị văn hóa, tâm linh đặc biệt của Phương Đông./.
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Tất Sơn &Tư liệu