Chân dung

Nguyễn Thụ: họa sĩ dành cả cuộc đời để vẽ tranh lụa

Có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nhật Bản, tranh lụa cổ khi du nhập vào Việt Nam thông qua sự sáng tạo, phá cách của các họa sỹ trong nước đã tạo nên một dòng tranh mang đậm dấu ấn Việt. Họa sĩ Nguyễn Thụ, một trong 15 học viên khóa 1 (1957-1962) của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam) được biết đến là một trong số ít họa sĩ đã dành cả cuộc đời để vẽ tranh lụa và tạo dấu ấn riêng với thể loại này.
Được ghi nhận là hoạ sĩ thuộc thế hệ đầu tiên phát triển nghệ thuật tranh lụa Việt Nam, họa sĩ Nguyễn Thụ là một trong những họa sĩ nổi danh nhất trong sự phát triển nghệ thuật tranh lụa Việt Nam giai đoạn sau Cách mạng tháng Tám.

Họa sĩ Nguyễn Thụ là giảng viên, Phó Giáo sư đầu tiên của Việt Nam giảng dạy về hội họa, chuyên ngành tranh lụa ở nước ngoài, cụ thể là ĐH Mỹ thuật Quốc gia Paris.
Tranh lụa của Nguyễn Thụ được giới chuyên môn đánh giá là một nghệ sĩ vẽ tranh lụa có phong cách độc đáo, riêng biệt. Điều này được thể hiện qua bố cục tranh của ông đơn giản, nhịp nhàng; màu sắc dịu êm, hiền hòa. Với những nhân vật thân quen, bình dị, nhưng họa sĩ Nguyễn Thụ đã dùng bút pháp phóng khoáng để tạo ra không gian mờ ảo, thơ mộng. Sự tìm tòi sáng tạo trong kỹ thuật vẽ đã giúp họa sĩ Nguyễn Thụ không những hạn chế được nhược điểm của chất liệu tranh lụa mà còn biến nó thành ưu thế nổi trội, khác biệt không tìm thấy ở bất kỳ một chất liệu nào khác.


Họa sĩ Nguyễn Thụ, một trong số ít họa sĩ đã dành cả cuộc đời để vẽ tranh lụa và tạo dấu ấn riêng với thể loại này..


Họa sĩ Nguyễn Thụ cùng học trò người Hàn Quốc tại phòng tranh của mình đặt ở Đại học Mỹ Thuật Hà Nội.


Họa sĩ Nguyễn Thụ hướng dẫn phác họa tranh lụa cho sinh viên bảo vệ lớp Cao học, trường Đại học Mỹ Thuật Hà Nội.


Họa sĩ Nguyễn Thụ phác họa một tác phẩm tranh lụa...


... và hoàn thiện một tác phẩm tranh lụa về đề tài miền núi.

Tại nhà riêng của mình gần khuôn viên Đại học Mỹ thuật Hà Nội, họa sĩ Nguyễn Thụ cho chúng tôi xem toàn bộ những tác phẩm đã vẽ trong suốt 50 năm theo nghiệp tranh lụa của ông. Theo ông, từ một câu chuyện nhỏ tình cờ nhưng lại mở ra cho ông một chân trời mới trong việc tìm tòi kỹ thuật vẽ tranh lụa bởi với thể loại đặc thù như tranh lụa, kỹ thuật đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Họa sĩ Nguyễn Thụ, nguyên Hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật Việt Nam (1985 - 1991); Ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa II (1983 - 1989). Ông đã được nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư; danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.
Đó là vào một buổi tối năm 1976, khi ông đang hoàn thiện bức tranh “Làng ven núi” thì người bạn thân của ông (sau này là NSND Quang Thọ) đến nhà chơi. Nhìn bức tranh đang vẽ dở treo trên tường, trong thứ ánh sáng lờ mờ của ánh đèn, người bạn đó đã góp ý rằng: “Bức tranh vẽ dễ dãi, trông rẻ tiền quá,…”.

Lời nhận xét vô tư của người bạn và là dân ngoại đạo đã có tác động mạnh tới ông. Họa sĩ Nguyễn Thụ sau đó đã mang bức tranh gần hoàn thiện của mình ra bể nước để cọ sạch và vẽ lại. Dùng chiếc chổi nhỏ, cọ đi cọ lại trên bức tranh cho màu trôi hết, ông mang bức tranh vào nhà và soi dưới bóng đèn. Dưới ánh sáng lờ mờ, bỗng ông thấy một hiện tượng rất thú vị đó là những thớ ngang, thớ dọc của chất liệu lụa hiện lên rất rõ nét.

Họa sĩ Nguyễn Thụ sau đó tiếp tục dùng điệp (một chất liệu dùng trong vẽ tranh dân gian Đông Hồ ngày Tết) sửa lại hình núi, mái nhà, đoàn người, rồi thêm bụi tre… Lúc này, màu đen của núi trong bức tranh hiện lên rất rõ nét. Năm 1979, họa sĩ Nguyễn Thụ mang bức tranh “Làng ven núi” dự Triển lãm Hội họa quốc tế hiện thực ở Sophia (Bulgaria). Tác phẩm này của ông được các họa sĩ nước ngoài đánh giá cao. “Họ cứ thắc mắc là họa sỹ này đã xử lý mảng đen như thế nào và tại sao bức tranh lại lên những thớ ngang, dọc được như thế…”, họa sĩ Nguyễn Thụ nhớ lại. Năm đó bức tranh của ông đã đoạt Giải vàng tại Triển lãm.



Tác phẩm “Đại tướng Võ Nguyên Giáp” của họa sĩ Nguyễn Thụ.


Tác phẩm tranh lụa “Quán nước” của họa sĩ Nguyễn Thụ.


Bức tranh lụa “Về chợ” của họa sĩ Nguyễn Thụ.


Bức tranh lụa “Mẹ con” của họa sĩ Nguyễn Thụ.


Bức tranh lụa “Mùa thu trên bản” của họa sĩ Nguyễn Thụ.


Bức tranh lụa “Tuổi thơ” của họa sĩ Nguyễn Thụ.



Bức tranh lụa “Ngôi nhà của dân tộc Tày” của họa sĩ Nguyễn Thụ.

Bức tranh lụa “Mùa thu hoạch” của họa sĩ Nguyễn Thụ.

Với nhiều họa sỹ có tuổi đời trong nghề, tranh lụa vẫn luôn được đánh giá là chất liệu khó thể hiện cảm xúc và khó khiến tác giả thăng hoa trong khi sáng tác. Nhưng họa sĩ Nguyễn Thụ đã chinh phục được nhược điểm này của tranh lụa biến nó thành ưu điểm. Đặc biệt, việc làm chủ được kỹ thuật vẽ tranh lụa đã giúp họa sĩ Nguyễn Thụ thỏa sức thể hiện cảm xúc, ý tưởng muốn truyền tải trong từng bức họa, trở thành người họa sĩ có phong cách riêng biệt nhất trong thể loại tranh lụa của Việt Nam./.

Các tác phẩm đoạt Giải của họa sĩ Nguyễn Thụ: Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc (Giải A năm 1980, Giải B năm 1976, Huy chương Bạc năm 1990 và giải C năm 1960); Giải chính thức Triển lãm Mỹ thuật Quốc tế hội hoạ hiện thực tuần kỳ 3 năm tại Sofia- Bulgaria năm 1979;…
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Trịnh Văn Bộ

Câu chuyện hiện tượng sân khấu Lệ Ngọc  

Câu chuyện “hiện tượng” sân khấu Lệ Ngọc 

Vài năm trở lại đây, có một sân khấu kịch mà ở đó, mỗi khi có vở diễn mới, khán giá luôn chật kín khán phòng, thậm chí còn cháy vé. Đây là một “hiện tượng” hiếm hoi đối với một sản phẩm văn hóa truyền thống vốn đã đánh mất vị thế, chỗ đứng trong lòng khán giả. Sân khấu Lệ Ngọc (do NSND Lệ Ngọc thành lập), sân khấu xã hội hóa đầu tiên của miền Bắc, đã trở thành điểm sáng cho hy vọng khôi phục một sản phẩm văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc Việt.

Top