Chân dung

Nguyễn Thị Liên Thương: nữ “Tiến sĩ của nhà nông”

Được ví như “Tiến sĩ của nhà nông”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Thương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Thực nghiệm Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã cùng nhóm nghiên cứu đưa các kết quả mang tính ứng dụng cao vào mô hình sản xuất nông nghiệp, giúp tăng giá trị chuỗi giá trị nông sản cho nông dân.
Sinh ra và lớn lên tại Bình Dương, Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Thương, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu - Thực nghiệm Đại học Thủ Dầu Một ấp ủ ước mơ trở thành nhà khoa học từ khi còn nhỏ. Tốt nghiệp Tiến sĩ chuyên ngành Công nghệ Sinh học tại Đại học Ulsan (Hàn Quốc) năm 2012, chị Liên Thương về công tác, giảng dạy tại trường Đại học Thủ Dầu Một với vị trí Phó trưởng khoa Tài nguyên Môi trường (2014 - 2016); Phó trưởng Khoa Công nghệ Sinh học (2016 - 2017) và hiện là Giám đốc trung tâm Nghiên cứu - Thực nghiệm.

Trong suốt quá trình công tác, nghiên cứu, Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Thương đã khẳng định mình qua rất nhiều sản phẩm mang tính ứng dụng thực tế. Đặc biệt, chị đã phát triển thành công quy trình trồng nấm đông trùng hạ thảo Cordyceps molitaris từ kết quả đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu quy trình nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo tại Đại học Thủ Dầu Một” và "Quy trình trồng nấm linh chi đỏ Ganoderma lucidum". Kết quả của các công trình này là đã  hỗ trợ người nông dân ứng dụng công nghệ nuôi trồng nấm dược liệu có giá trị cao như công nghệ sạch tăng chất lượng thương phẩm nấm, công nghệ tự động hóa trong trồng nấm giảm công lao động và kiểm soát chất lượng ở quy mô sản xuất lớn.

Theo Tiến sĩ Liên Thương: “tôi nghiên cứu các công nghệ trồng nấm dược liệu sạch để áp dụng tại Bình Dương và các tỉnh thành phía nam. Nấm đông trùng hạ thảo và nấm linh chi là hai đối tượng được tôi ưu tiên hướng dẫn, tư vấn và chuyển giao công nghệ cho bà con nông dân, do có giá trị kinh tế cao và nhu cầu thu mua lớn từ các công ty dược và thực phẩm để tạo ra các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng trong và ngoài nước, và ổn định thu nhập của người dân”. Có thể nói, đây là bước khởi đầu ấn tượng trong chuỗi nghiên cứu về các loại nấm dược liệu trong các nghiên cứu kế tiếp về mảng sinh học ứng dụng của Tiến sĩ Liên Thương.



Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Thương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Thực nghiệm Đại học Thủ Dầu Một đánh giá tác động bảo vệ tế bào gan
của sản phẩm cao nấm đông trùng hạ thảo Cordy X do Viện Nghiên cứu ứng dụng phát triển.



... và theo dõi nguyên liệu nấm dược liệu phát triển trong ống nghiệm.


Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Thương và nhóm nghiên cứu đánh giá các chiết xuất dược liệu.


Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Thương theo dõi sự phát triển của cây dược liệu quý có tiềm năng khai thác phát triển đang được nhân giống trong phòng thí nghiệm.


Giống nấm đông trùng hạ thảo, ký sinh trên nhộng côn trùng có hàm lượng dược chất cao, phù hợp sản xuất dược liệu.


Nấm linh chi đỏ Ganoderma lucidum phục vụ sản xuất dược liệu.


Sản phẩm xà bông thiên nhiên của 
Trung tâm Nghiên cứu - Thực nghiệm Đại học Thủ Dầu Một .


Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Thương nhận Giải thưởng Nhà khoa học của nhà nông do Trung ương Hội nông dân trao tặng năm 2019
vì các đóng góp trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Đam mê, trăn trở và mong muốn được cống hiến hết mình cho khoa học những sản phẩm mang tính ứng dụng vào cuộc sống, Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Thương cho biết: “do nhu cầu sử dụng dược liệu trong các nhà máy dược liệu, việc áp dụng công nghệ trồng nấm dược liệu có vai trò vô cùng quan trọng trong tăng uy tín, chất lượng và tiêu thụ đầu ra cho người nông dân. Công nghệ sạch sẽ tạo ra nấm dược liệu sạch không sử dụng chất tăng trưởng, chất chống sâu bệnh và do đó tránh tạo ra các dư lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong nấm, chất lượng và độ tin tưởng từ các nhà thu mua nấm”.

“Linh chi là loại nấm quý, được sử dụng để chế biến thành thuốc và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Nấm linh chi mọc tự nhiên trên thân gỗ và sản xuất nhỏ lẻ không ổn định chất và lượng nên tôi nghiên cứu quy trình trồng nấm linh chi đỏ Ganoderma lucidum theo hướng hữu cơ và quy mô công nghiệp...”.
(Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Thương,
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Thực nghiệm
Đại học Thủ Dầu Một).
Cụ thể, Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Thương phối hợp cùng nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Thủ Dầu Một nâng cao chất lượng nấm và giống nấm đông trùng hạ thảo cho người dân. Quy trình trồng nấm đông trùng hạ thảo Cordyceos militars này dùng công nghê tự động, theo hướng hữu cơ khi sử dụng dinh dưỡng, nguyên liệu đầu vào đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tối ưu hóa về các chu trình nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng. Quy trình này hiện đã chuyển giao đến người dân và nhiều cơ sở sản xuất nấm trên nhiều tỉnh thành của cả nước...

Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Thương cũng đã chuyển giao công nghệ chiết xuất nấm dược liệu đến doanh nghiệp, nhằm đưa sản phẩm đến người tiêu dùng với giá thành hợp lý nhất.

“Sự thành công của các mô hình sản xuất nấm dược liệu trong các hoạt động hỗ trợ từ Đại học Thủ Dầu Một mà tôi phụ trách giúp người dân nắm được kỹ thuật tốt, bán ra được sản phẩm đã chứng minh tính hiệu quả của sự phối hợp giữa các chính sách khuyến khích nông nghiệp, vay vốn từ nhà nước, khoa học công nghệ từ trường đại học, và các doanh nghiệp trồng, tiêu thụ nấm.", Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Thương cho hay./.

 
Thực hiện: Thông Hải

Câu chuyện hiện tượng sân khấu Lệ Ngọc  

Câu chuyện “hiện tượng” sân khấu Lệ Ngọc 

Vài năm trở lại đây, có một sân khấu kịch mà ở đó, mỗi khi có vở diễn mới, khán giá luôn chật kín khán phòng, thậm chí còn cháy vé. Đây là một “hiện tượng” hiếm hoi đối với một sản phẩm văn hóa truyền thống vốn đã đánh mất vị thế, chỗ đứng trong lòng khán giả. Sân khấu Lệ Ngọc (do NSND Lệ Ngọc thành lập), sân khấu xã hội hóa đầu tiên của miền Bắc, đã trở thành điểm sáng cho hy vọng khôi phục một sản phẩm văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc Việt.

Top