Bà Dương Phương Hạnh – Người sáng lập kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người khiếm thính (CED) là người luôn thấu hiểu được sự mặc cảm, thiệt thòi mà những người khiếm thính phải gánh chịu. Bản thân bà cũng bị khiếm thính từ nhỏ nhưng bằng nỗ lực phi thường, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, bà không chỉ đã khẳng định bản thân mình trong xã hội mà còn “truyền lửa” cho nhiều người khiếm thính, giúp họ có nghị lực để vượt lên số phận.
Bà Dương Phương Hạnh quê ở Đồng Tháp, lúc lên 6 tuổi do trải qua một cơn bạo bệnh nhưng không được chữa trị đúng cách nên bà bị giảm thính lực, không thể nghe được mọi người nói chuyện. Cuộc sống sau đó của bà là những tháng ngày khổ sở, vất vả. Nhờ sự động viên của người thân trong gia đình, và trên hết là sự nỗ lực, quyết tâm học tập đã giúp bà lần lượt vượt qua những thử thách. Bà đã tự học tín hiệu môi, học ký hiệu ngôn ngữ rồi thực hành và giao tiếp bình đẳng với người bình thường.
Tốt nghiệp Khoa Hóa trường Đại học Bách Khoa Tp. Hồ Chí Minh vào năm 1993, với vốn tiếng Anh khá tốt, bà Hạnh từng làm việc cho nhiều nơi như một công ty hóa dầu ở Vĩnh Long, rồi làm công việc dịch thuật cho công ty Tư vấn Du học DRD ở Tp.Hồ Chí Minh.
Cảm nhận được những khó khăn, thiệt thòi của chính bản thân mình nên bà càng cảm thông sâu sắc với những bất hạnh của cộng đồng người khiếm thính. Nhận thấy ở nhiều địa phương trong nước vẫn còn thiếu nhiều trung tâm, cơ sở hỗ trợ về văn hóa, hòa nhập cho người khiếm thính, bà đã nhiều lần suy nghĩ và quyết tâm thành lập một tổ chức tổng hợp để có thể giúp đỡ họ.
|
Bà Dương Phương Hạnh, người sáng lập kiêm Giám đốc
Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người khiếm thính (CED). Ảnh: Lê Minh |
|
Bà Dương Phương Hạnh trong một lần nhận chứng nhận tài trợ của một tổ chức từ thiện trong nước. Ảnh: Tư liệu |
|
Với khả năng đọc tín hiệu môi và vốn tiếng Anh rất tốt,
bà Hạnh có thể giao tiếp thoải mái với nhiều người, kể cả người nước ngoài. Ảnh: Tư liệu |
|
Bà Dương Phương Hạnh phát biểu tại một cuộc hội thảo trong nước. Ảnh: Tư liệu |
|
Các học viên khiếm thính của Trung tâm CED trong lần đi tham quan Bảo tàng Lịch sử Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Lê Minh |
|
Bà Dương Phương Hạnh trong một buổi sinh hoạt ngoại khóa với các học viên Trung tâm CED
tại Thảo Cầm Viên (Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh). Ảnh: Lê Minh |
|
Bà Dương Phương Hạnh chăm sóc một em nhỏ bị khiếm thính trong chuyến đi thực tế. Ảnh: Lê Minh |
|
Bà Dương Phương Hạnh tại lớp học tín hiệu môi ở Trung tâm CED (quận Phú Nhuận, Tp. Hồ Chí Minh). Ảnh: Lê Minh |
|
Bà Dương Phương Hạnh trong giờ lên lớp giảng về ngôn ngữ ký hiệu. Ảnh: Tư liệu |
|
Bà Dương Phương Hạnh trao đổi với người bị khiếm thính bằng ngôn ngữ ký hiệu. Ảnh: Tư liệu |
|
Bà Hạnh giao lưu với các thành viên CLB Khiếm thính Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu |
|
Bà Dương Phương Hạnh trò chuyện với các học viên khiếm thính bằng ngôn ngữ ký hiệu. Ảnh: Tư liệu |
|
Các em nhỏ khiếm thính luôn cảm thấy CED như ngôi nhà thứ hai của mình. Ảnh: Tư liệu |
Ngoài đảm nhận nhiệm vụ là Giám đốc Trung tâm CED, bà Dương Phương Hạnh còn là Ủy viên Ban chấp hành Liên hiệp Hội về người khuyết tật, Chủ tịch CLB Khiếm thính Tp. Hồ Chí Minh, Tổng thư ký Liên đoàn nghe kém quốc tế, Chủ tịch Liên đoàn nghe kém Châu Á - Thái Bình Dương. |
Năm 2010, bà nộp đơn đến Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) và nhận được sự ủng hộ của những người cùng tâm huyết. Đến tháng 01/2011, bà Hạnh đã sáng lập ra Trung tâm CED với sứ mệnh giúp đỡ người khiếm thính hòa nhập cộng đồng. Có thể nói CED là trung tâm đầu tiên trong cả nước do người khiếm thính thành lập nhằm cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp để hỗ trợ người khiếm thính. CED đưa ra một chuỗi các hoạt động liên kết nhau từ giáo dục cho tới giúp người khiếm thính hòa nhập cộng đồng. CED còn giới thiệu học nghề và tìm việc làm miễn phí cho người khiếm thính.
Dưới sự chèo lái của bà Dương Phương Hạnh, CED dần dần trở thành địa điểm tin cậy, được nhiều phụ huynh tin tưởng gửi gắm con em theo học. Mỗi tháng, có khoảng trên dưới 30 học viên khiếm thính theo học tại Trung tâm này. Đến nay, Trung tâm đã hỗ trợ được 600 máy trợ thính đến các trẻ khiếm thính.
Hôm gặp chúng tôi, bà Hạnh mừng rỡ cho biết, sắp tới một tổ chức từ thiện của Đức sẽ dành tặng cho CED 2.000 máy trợ thính để giúp các hoạt động từ thiện. Tâm sự về những hoạt động mà mình đang dấn bước, bà Hạnh chia sẻ: “Việc giúp đỡ được những trẻ khiếm thính chính là "lợi nhuận" của Trung tâm, đó cũng là động lực, niềm vui đối với và tất cả giáo viên, nhân viên tình nguyện ở đây”./.
Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Lê Minh & Tư liệu