Chân dung

Người “giữ hồn” trò Xuân Phả

Dành cả cuộc đời với từng trò diễn, nghệ nhân Bùi Văn Hùng là người duy nhất ở nơi phát tích Trò diễn Xuân Phả (xã Xuân Trường, Thọ Xuân, Thanh Hóa) còn nắm giữ đầy đủ nhất những kiến thức về Trò Xuân Phả qua từng nhịp trống, điệu múa.
Lục soát lại ký ức, nghệ nhân Bùi Văn Hùng chia sẻ: “Nếu có sự liên hệ nào đó, tôi nghĩ đó là tình yêu và lòng chắc ẩn với di sản của quê hương”. Cậu bé Hùng, khi đó mới đang tập đọc, tập viết, đã theo chân người lớn trong làng đến sân kho Hợp tác xã để xem biểu diễn Xuân Phả. Có lần hội diễn đông quá, bị chen đau cổ cả tháng, thế nhưng mỗi khi có buổi biểu diễn, cậu bé Hùng vẫn luôn có mặt.

Đến năm 1990, nhà nước có chính sách phục hưng văn hoá dân tộc, làng Xuân Trường khi này mới bắt đầu khôi phục trò diễn Xuân Phả. “Tôi là một trong số nhóm 20 thanh niên đầu tiên được các cụ lựa chọn để truyền dạy”, nghệ nhân Hùng nhớ lại.

Khó khăn xảy ra, khi làng lúc này chỉ còn 4- 5 cụ có đủ sức khoẻ để truyền dạy lại các trò trong Xuân Phả. Khi đó, khác với mọi người, chỉ lắng nghe bằng miệng, nghệ nhân Hùng đã ghi chép tỉ mỉ. Những ghi chép đó lại có dịp so sánh, bổ sung sau mỗi dịp lễ hội làng diễn ra, hay có một dịp nào đó được đi lưu diễn ngoài tỉnh.

Cứ thế, trong tay nghệ nhân Hùng đã có một quyển tư liệu hoàn chỉnh về Xuân Phả. Trong cuốn tư liệu ấy, ông không chỉ miêu tả bằng lời các câu hát, động tác, mà còn minh hoạ các tư thế múa bằng hình ảnh, để đảm bảo những người dân làng ít học nhất của xã ông khi xem cuốn sách cũng có thể hiểu và múa được theo các động tác.

Khi các cụ cao niên trong làng, những người thầy dạy nghệ nhân Hùng lần lượt ra đi, thì cuốn sách của nghệ nhân Hùng lại là cuốn tư liệu duy nhất về Xuân Phả. Nghệ nhân Hùng khi đó đã chính thức bước sang một vai trò mới, một người thầy, người đạo diễn của dân làng Xuân Phả.

 

Nghệ nhân Bùi Văn Hùng (xã Xuân Trường, Thọ Xuân, Thanh Hóa) - người dành cả cuộc đời với từng trò diễn Xuân Phả.


Những lúc rảnh rỗi, nghệ nhân Bùi Văn Hùng còn vẽ phác họa lại những điệu múa
trong các trò của Xuân Phả để truyền dạy cho những thế hệ kế cận.


Nghệ nhân Bùi Văn Hùng cùng anh Đỗ Văn Hào, một người thợ mộc trong xã,
đã làm ra những chiếc mặt nạ để phục vụ cho việc diễn trò Xuân Phả.


Nghệ nhân múa Xuân Phả Bùi Văn Hùng đang truyền dạy những điệu múa trong trò Xuân Phả cho các em học sinh trong xã.


Nghệ nhân Bùi Văn Hùng cùng đoàn múa trong điệu múa Tú Huần, một trong 5 trò của Xuân Phả.


Trong các buổi tập và những buổi biểu diễn Xuân Phả, nghệ nhân Bùi Văn Hùng
thường đánh trống cái để người diễn múa theo đúng nhịp.


Nghệ nhân Bùi Văn Hùng chỉnh đốn trang phục cho người múa điệu Ngô Quốc
trong lần biểu diễn ở Lễ hội Lam Kinh năm 2018.


Tập dượt lại các động tác gõ sênh trong điệu múa Tú Huần trước khi biểu diễn tại Lễ hội Lam Kinh năm 2018.
Nghệ nhân Hùng là chủ nhiệm Câu lạc bộ Xuân Phả duy nhất tại xã Xuân Trường, đồng thời là người đứng ra tổ chức các cuộc diễn Trò Xuân Phả tại hội làng, cũng như đưa đoàn đi diễn trong các sự kiện lưu diễn trong và ngoài tỉnh...

Điều khiến nghệ nhân Hùng luôn lạc quan vào sự trường tồn của Xuân Phả đó là “Người dân quê tôi mặc dù rất vất vả nhưng họ luôn vui vẻ khi được múa Trò Xuân Phả trong mọi hoàn cảnh”. Thực tế, điệu múa trong Xuân Phả chính là những gửi gắm về tình đoàn kết, ý chí và sự hăng say trong lao động sản xuất của người dân Xuân Trường.

Điển hình, như trong điệu múa Hoa Lang, người múa dùng những cái quạt, múa những động tác như là tung hoa, thể hiện niềm vui, tinh thần lạc quan. Cùng với đó, người múa sử dụng những bài chèo thể hiện sự mưu sinh hàng ngày của người dân nơi đây đó là kiếm sống bằng đường sông nước.

Hay như điệu Lục Hồn Nhung thể hiện cuộc sống sinh hoạt trong một gia đình, có nhiều thế hệ gồm bà cố, có mẹ và có con... nhằm bảo ban con cháu phải biết sống kính trên, nhường dưới, thể hiện tinh thần đoàn kết trong một gia đình.

Năm 2017, người dân Xuân Trường nói riêng và người đân Thanh Hóa nói chung đã có một niềm vui trọn vẹn khi Trò Xuân Phả được nằm trong Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Mọi người vui nhưng nghệ nhân Hùng lại càng trăn trở, lo lắng. Bởi người cầm trống duy nhất trong làng là cụ Đỗ Đình Tạ đã bước sang tuổi 82. Mà người đánh trống là 1 trong 2 yếu tố quan trọng cấu thành trò diễn.

Để đánh được trống thì người đó phải thuộc được các điệu múa. Đồng thời phải là người có năng khiếu chưa kể phải có cả đam mê, tâm huyết mới gõ được điệu trống có hồn. Và như thế người múa mới bắt được nhịp.



Nghệ nhân Bùi Văn Hùng hướng dẫn động tác cầm đại đao cho người múa điệu Ngô Quốc.


 Nghệ nhân Bùi Văn Hùng đang nắn lại động tác gõ sênh cho người múa
 trò Tú Huần.


Nghệ nhân Bùi Văn Hùng hướng dẫn cách thức đi, chống ba toong cho vai bà cố trong trò Tú Huần.


Nghệ nhân Bùi Văn Hùng hướng dẫn người múa trò Chiêm Thành thực hiện động tác tung hoa.


Nghệ nhân Bùi Văn Hùng uốn nắn các động tác múa của trò Chiêm Thành, sao cho 10 người múa đều nhau tăm tắp.


Nghệ nhân Bùi Văn Hùng múa làm mẫu các động tác của trò Chiêm Thành trong một buổi tập múa.


Trò Chiêm Thành gồm khá nhiều động tác khó, đòi hỏi Nghệ nhân Bùi Văn Hùng
phải hướng dẫn rất tỉ mỉ cho những người múa.


Như có năng khiếu đặc biệt, các em nhỏ ở xã Xuân Trường tiếp xúc
và múa những động tác Xuân Phả rất thuần thục dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân Bùi Văn Hùng.
Được chứng kiến những giờ truyền dạy đầy tâm huyết nhưng cũng rất quyết liệt, nghiêm khắc của nghệ nhân Hùng với các cô bé, cậu bé học trò, chúng tôi mới hiểu được, Nghệ nhân Hùng vẫn trên hành trình tìm ra những “mầm non di sản” có năng khiếu thực sự để Xuân Phả có thể tồn tại trường tồn với thời gian./.
 
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Trần Công Đạt, Trần Thanh Giang
 

Nữ sĩ quan hai lần tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Châu Phi

Nữ sĩ quan hai lần tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Châu Phi

Trong số khoảng 100 nữ quân nhân được Việt Nam cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Thượng tá Nguyễn Thị Liên là người hai lần được cử đến Châu Phi. Không chỉ giỏi về chuyên môn, chị còn nhiệt tình, sáng tạo trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người dân nên đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng các đồng nghiệp quốc tế và người dân địa phương.

Top