Chân dung

Nghệ nhân đàn tính tẩu

Hình ảnh lão nghệ nhân tài hoa Nông Văn Nhay, người dân tộc Thái, với cây đàn tính tẩu truyền thống đã trở thành một hình ảnh quen thuộc từ hàng chục năm nay trong các đêm hội xòe của người Thái ở Mường So, Phong Thổ, Lai Châu
Từ năm 13 tuổi, ông Nhay đã được xem những điệu xoè uyển chuyển như dòng nước bên con suối Mường So. Tiếng tính tẩu véo von đã hút hồn chàng trai đa cảm. Từ đấy, những buổi lên nương, hay đi chăn trâu ông đều mang theo cây tính tẩu để mò mẫm so dây học đàn. Vào những đêm hội xoè, bất kể xa hay gần, và dù có phải vượt suối, vượt núi ông cũng tìm đến để nghe tiếng tính tẩu...
Từ mê mẩn tiếng đàn khi còn thơ trẻ đến khi trở thành một nghệ nhân làm đàn tính tẩu có một không hai ở đất Lai Châu này, ông đã phải trải qua gần 60 năm tìm tòi, nghiền ngẫm, cầm cưa, cầm đục gọt giũa, lên dây chỉnh âm hàng trăm, hàng nghìn cây đàn tính tẩu.
 

Nghệ nhân Nông Văn Nhay với cây đàn tính tẩu.

“Ở Lai Châu, không khó để tìm một cây đàn tính tẩu, nhưng cây tính tẩu của nghệ nhân Nông Văn Nhay
đích thị là một vật quý”- Bà Đỗ Thị Tấc, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lai Châu.



Để có được một chiếc đàn tính tẩu có chất lượng tốt, người nghệ nhân phải tỉ mỉ làm từ việc lên dây,
thử dây và đặc biệt là việc thử âm của chiếc đàn.

Nghệ nhân Nông Văn Nhay đệm đàn cho điệu múa nón của các thiếu nữ dân tộc Thái.

Nghệ nhân Nông Văn Nhay đang truyền dạy các điệu tính tẩu cổ của người Thái cho trẻ em bản Nà Cũng (Mường So - Lai Châu).

Và cuộc đời cũng như chiều lòng người, giúp ông kết duyên bền vững với cây đàn truyền thống. Năm 1961, ông được học Trường VHNT Khu tự trị Thái Mèo, sau đó về công tác ở đoàn văn công tỉnh Lai Châu. Chính trong thời gian này, một sự kiện đã đánh dấu sự nghiệp của ông, đó là năm 1962 khi đang học tại trường VHNT, ông đã được cử đi Hội diễn văn nghệ toàn miền Bắc tại Nhà hát lớn Hà Nội. Tại đây, tiếng đàn tính tẩu của ông đã mê hoặc khán phòng và giám khảo. Ông Nhay được trao giải Vàng nhờ tiếng đàn tính tẩu đặc sắc của mình. Tiếp đó, Liên hoan tiếng hát then đàn tính tẩu lần thứ I ở Thái Nguyên, và lần II ở Cao Bằng, tiếng đàn tính tẩu của ông Nhay lại tiếp tục giành giải “độc đắc”.
Ông cho biết, những vật liệu làm nên chiếc đàn tính tẩu rất đơn giản, dễ kiếm bởi đó là những thứ quanh năm gắn bó với cuộc sống của đồng bào Thái. Bầu đàn làm bằng nửa quả bầu khô, cần đàn thường làm bằng gỗ dâu, dây đàn thì làm bằng tơ xe. Làm đàn tính tẩu khó nhất là tìm quả bầu. Phải chọn được quả bầu không quá to, cũng không quá nhỏ, phải già, hình dáng bên ngoài phải tròn đẹp, vỏ dày, gõ vào phải kêu đanh, như thế đàn mới có âm sắc chuẩn. Cần đàn trơn, không có phím bấm, người chơi tính tẩu phải có khả năng diễn tấu linh hoạt. Người nghệ nhân như gửi vào đó cả tâm hồn, cả tình yêu bản làng, núi rừng quê hương mình. Tiếng lành đồn xa, cộng đồng người Thái ở khắp Lai Châu, thậm chí ở các tỉnh xa khác như Sơn La, Điện Biên đều biết tiếng ông, mời ông về đệm đàn trong các đêm hội xòe.
Ông tâm sự, bây giờ cuộc sống đã đổi thay nhiều, thanh niên nam nữ Thái bây giờ hầu như chẳng có mấy người biết múa được các điệu xòe cổ, và cây đàn tính tẩu giờ cũng chẳng mấy ai biết làm, biết chơi, họa chăng chỉ còn số ít những người đã già trong bản.
Với mong ước không để mai một hình ảnh cây đàn trong tâm thức thế hệ trẻ, ông không ngại ngần truyền đạt lại cho các thế hệ sau những bí quyết chế tác đàn. Những lúc thư nhàn ông lại mang đàn ra bên dòng Mường So dạy các thanh niên, trẻ nhỏ tập chơi. Mỗi tháng ông vẫn lên rừng kiếm gỗ chế tác đàn tính tẩu.
Những hôm phố núi trời đổ cơn mưa, ông lại ngồi so dây, tiếng tính tẩu cứ thế véo von, du dương len lỏi khắp thị trấn nhỏ phố núi. Tiếng đàn như tiếng lòng của người nghệ nhân già hơn 70 tuổi luôn mong mỏi tiếng tính tẩu quê mình sẽ còn vang mãi, vang xa, và vang dài lâu hơn nữa./.
 
Bài: Hữu Tuấn - Ảnh: Thông Thiện

UNESCO và Thành phố Di sản Hà Nội

UNESCO và Thành phố Di sản Hà Nội

Nhân dịp 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024),  ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo ảnh Việt Nam về thành phố Di sản Hà Nội.

Top