Trong mỗi dịp liên hoan cồng chiêng hay lễ hội mừng lúa mới, trai thanh gái lịch người Churu ở Lâm Đồng lại tự tin qua từng bước nhảy bên ánh lửa rừng khi đeo trên vai những chiếc gùi truyền thống được kết nơ ngũ sắc thật ấn tượng. Đó chỉ là một trong rất nhiều sản phẩm đan lát tinh xảo của người Churu do nghệ nhân nổi tiếng tài hoa ở buôn Pré, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng - già Ya Hiêng tạo nên.
Đã qua hơn 62 "mùa rẫy" rồi, nhưng già Ya Hiêng còn tráng kiện lắm, đôi tay ấy vẫn cứ thoăn thoắt tự làm đủ các công đoạn để tạo ra một sản phẩm đan lát độc đáo.
Chúng tôi biết đến nghề đan lát truyền thống của người Churu qua các dịp lễ hội cồng chiêng, mừng lúa mới ở Lâm Đồng khi vùng đất này có tới 95% đồng bào Churu của Việt Nam đang sinh sống. Người Churu có truyền thống làm lúa nước, sống định canh định cư nên cần nhiều nông cụ để sinh hoạt, sản xuất và cả những vật dụng dùng trong cúng tế, hay trong các lễ hội hàng năm. Hẳn vậy mà theo già Ya Hiêng: “Nghề đan lát của người Churu mình có từ lúc nào không ai nhớ được, chỉ biết là nó đã gắn vào đời sống của bà con từ bao đời nay”.
Nguyên liệu nứa được chẻ ra thành nhiều kích cỡ khác nhau tùy theo sản phẩm để đan.
Chuốt nan.
Mây được chuốt thành từng sợ nhỏ để đan gùi.
Các dụng cụ để đan lát của người Churu.
Đôi bàn tay dẻo dai của già Ya Hiêng trải qua bao mùa rẫy vẫn tiếp tục tạo ra những sản phẩm đan lát độc đáo.
Len đủ màu để làm hoa văn trang trí cho gùi Yoh xala (gùi hoa dùng để đến nhà thông gia, đi cưới hỏi, múa hát).
Đan quai cách điệu cho gùi Yoh xala.
Những bông hoa bằng len đầy tinh tế tô điểm cho vẻ đẹp của gùi Yoh xala.
Trang trí quai đeo gùi Yoh xala đầy ấn tượng.
Chi tiết đan rất tỉ mỉ, đều đặn trên chiếc gùi Yoh xala.
Già Ya Hiêng giới thiệu nghề đan lát truyền thống của người Churu cho du khách. |
Già Ya Hiêng tâm sự: “Vợ chồng mình gắn bó với nghề cả đời, nó còn là niềm đam mê, nếu không làm sẽ buồn lắm! Mình sẵn sàng truyền lại nghề cho lớp trẻ, con mình đứa nào cũng biết đan và chúng nó sau này sẽ dạy cháu mình nghề của ông cha. Mong rằng sẽ có nhiều nghệ nhân tâm huyết với nghề đan lát truyền thống của đồng bào Churu để các sản phẩm ngày càng đẹp, phong phú và đa dạng hơn!”. |
Già Ya Hiêng kể lại: “Từ bé lớn lên trong ngôi nhà mình lúc nào cũng đầy những lồ ô, tre, nứa và các dụng cụ đan lát. Mới được 8 mùa rẫy, mình đã theo cha vào rừng để tìm nguyên liệu về đan. Và mình đã biết chẻ, vót nguyên liệu và đan các sản phẩm từ lúc bấy giờ”. Cùng với việc biết đánh cồng chiêng, biết làm khèn bầu, thổi khèn…, biết đan lát cũng là “tiêu chuẩn” mà các chàng trai Churu cần có, giúp tăng thêm phần “quyến rũ” với các nàng khi đến tuổi “bắt” chồng (phong tục hôn nhân của người Churu theo chế độ mẫu hệ - PV). Ma Bin, vợ già Ya Hiêng năm nay cũng tròn 60 mùa rẫy, trong đôi mắt mơ màng vẫn ánh lên vẻ tự hào: “Ya Hiêng năm ấy khéo tay lắm, cái gì cũng thạo, biết đánh chiêng, làm khèn, và đặc biệt đan rất đẹp, làm ra nhiều sản phẩm đẹp lắm!”.
Vậy là Ya Hiêng đã theo về làm chồng của Ma Bin, 8 đứa con cả trai lẫn gái lần lượt ra đời là kết quả của tình yêu Ya Hiêng - Ma Bin ngần ấy năm mà đến hôm nay, hai người vẫn ngồi bên nhau đan các sản phẩm truyền thống của dân tộc mình. Cả 8 người con và người vợ hiền Ma Bin bao nhiêu năm qua cùng với Ya Hiêng đã tiếp nối nghề truyền thống của ông cha, tạo ra các sản phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt cho bà con Churu trong vùng.
Theo già Ya Hiêng, với người Churu, để làm ra sản phẩm đan lát cần trải qua rất nhiều công đoạn, nhưng quan trọng nhất là phần làm đế của sản phẩm, vì phần đế quyết định đến việc định hình hình dáng và độ bền chắc cho sản phẩm. Đang đan một chiếc gùi, cứ sau vài lần đan, Ya Hiêng lại đập đôi tay chắc khỏe với lực vừa đủ lên phần đế để tạo sự hài hòa, cân đối trong từng mũi đan cho sản phẩm. Thời gian để đan một chiếc gùi, hoặc một sản phẩm bất kỳ thường không quy định một khoảng nào; cũng như các sản phẩm đan lát của đồng bào Churu cũng không theo một khuôn mẫu bất kỳ nào… Đây là các yếu tố nằm trong tính ngẫu hứng suốt quá trình đan theo kinh nghiệm sống, kỹ năng và ý tưởng sáng tạo của nghệ nhân đan lát Churu. Từ đó, mỗi sản phẩm đan lát đều thể hiện một nét độc đáo riêng biệt, mang tính ngẫu hứng và nhờ vào tài năng của nghệ nhân để tạo ra vẻ đẹp của sản phẩm.
Sản phẩm đan lát Churu rất phong phú, đa dạng với đủ kiểu dáng,
kích cỡ thuộc nhiều chủng loại khác nhau:
|
Vì làm theo tính ngẫu hứng, sản phẩm đan lát Churu được tạo ra có đủ kiểu dáng, kích cỡ thuộc nhiều chủng loại, như: Bộ Pàp (đơm, đó dùng bắt các loại cá to, cá nhỏ), Xa drup (đồ dùng bắt mối) được đan hai lớp bằng sợi nan nhỏ như tơ), gùi K’Soh (để lúa), gùi Yoh xala (gùi hoa dùng để đến nhà thông gia, đi cưới hỏi, múa hát)… Sản phẩm đan lát của vợ chồng già Ya Hiêng hiện có giá dao động từ 1,5 đến 3 triệu đồng, tùy theo mục đích sử dụng và độ cầu kỳ về trang trí hoa văn trên mỗi loại sản phẩm. Không chỉ được bà con trong vùng sử dụng, các sản phẩm này còn được nhiều bảo tàng ở Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, bảo tàng các dân tộc Việt Nam mua về trưng bày.
Có thể nói, nghề đan lát của người Churu mà nghệ nhân Ya Hiêng với tài năng, tâm huyết của mình thực sự đã tạo ra những sản phẩm đặc trưng nhất, mang đậm dấu ấn văn hóa trong đời sống sinh hoạt và hoạt động sản xuất của người Churu trên cao nguyên Lâm Đồng./.
Bài và ảnh: Nguyễn Vũ Thành Đạt