Tiềm năng địa phương

Nghề chằm nón lá Hòa Bình

Bao đời nay, nghề chằm nón lá ở xã Hòa Bình (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) đã nổi danh khắp miền Tây Nam Bộ. Tuy là nghề phụ tranh thủ làm lúc nông nhàn nhưng lại giúp nhiều gia đình nơi đây có thêm thu nhập, giúp thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.
Là vật dụng thân thuộc, gần gũi với cuộc sống thường nhật, chiếc nón lá từ lâu gắn bó với người dân vùng sông nước, thôn quê khắp các vùng miền nước Việt.

Theo chị Thùy Dương, cán bộ văn hóa xã Hòa Bình và cũng là người đại diện của làng nón thì nghề này có từ khoảng năm 1930. Ban đầu, nón lá được sản xuất phục vụ nhu cầu sử dụng của các gia đình. Về sau, theo nhu cầu lớn của người dân quanh vùng mà nghề làm nón được mở rộng, ngày càng có nhiều người học nghề. Đến nay, nghề làm nón ngày càng hưng thịnh và tiếng thơm vang xa. Năm 2006, làng nón Hòa Bình được UBND tỉnh An Giang công nhận là làng nghề truyền thống của tỉnh.



Lá buông phơi khô, nguyên liệu chính để làm nón ở Hòa Bình.


Tre nguyên liệu sử dụng đan vành nón...


... có độ mềm và dẻo cao để làm vành nón


...sau đó được trang trí màu sắc và bắt mắt.


Lá buông sau khi được hơ nóng các lá đều nhau và thẳng tăm tắp.


Khâu lá buông ở vành nón cuối cùng làm cho chiếc nón thêm chắc chắn và gọn nhẹ...


...sau đó thoa dầu bóng cho nón lá.


Một hộ dân làm nón lá ở xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.


Nón lá thành phẩm của làng nón Hòa Bình được tiêu thụ rộng khắp An Giang
và các tỉnh trong vùng như: Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Cà Mau…

Chiếc nón lá được làm ra với nhiều công đoạn, trong đó làm khung, lựa chọn lá và chằm nón là những khâu chính. Khung nón được làm từ loại gỗ nhẹ, mái cong đều hình chóp. Vành nón làm bằng tre, gồm 16 vòng tròn lớn nhỏ được chuốt tròn trịa, cân xứng. Lá nón trước khi lợp được luộc chín, vuốt thẳng và đem phơi rồi ủ khô sao cho luôn giữ màu xanh-trắng tự nhiên.

Theo bà Lê Thị Bé Em, 53 tuổi, người đã có gần 20 năm làm nghề nón thì: “Nghề làm nón không khó nhưng đòi hỏi phải tỉ mỉ và lâu công. Công đoạn làm nón là quan trọng nhất. Lá được lợp dọc theo khuôn vào vòng nón, một lớp giấy ở giữa và một lớp khác ở ngoài cùng rồi bắt đầu chằm. Người thợ phải khéo léo trong từng đường nét mới có được chiếc nón ưng ý”. Bà Bé Em cũng cho biết thêm, với những thợ khâu nón lành nghề thì từng mối chỉ khâu lên xuống phải đều đặn, cân đối và giấu đi được những mối chỉ nối. Khi chiếc nón hoàn chỉnh, soi lên ánh sáng thấy kín đều, nhìn vào thấy đẹp, chắc chắn là đúng chuẩn. Cuối cùng, nón được quét 1 lớp dầu bóng pha với xăng nhằm chống thấm nước, tăng độ bóng và độ bền cho sản phẩm.

Hiện nghề chằm nón lá tại Hòa Bình phát triển khi sản phẩm đáp ứng được thị hiếu của người sử dụng. Trung bình, ở làng nghề có thể chằm được 4 đến 7 cái nón. Tùy loại nón và độ dày mỏng khác nhau mà có giá từ 20 ngàn đến 50 ngàn/cái. Tính đến hết năm 2016, nghề làm nón đã thu hút được 460 hộ với hơn 1200 lao động tham gia, cung cấp cho thị trường khoảng 2500 chiếc nón.


Hàng năm, sản lượng sản xuất hơn 900.000 chiếc, thị trường tiêu thụ rộng khắp ở An Giang và các tỉnh như: Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Cà Mau…. và còn xuất qua Campuchia. Để phát triển làng nón hơn nữa, chị Thuỳ Dương chia sẻ thêm: “Nhu cầu phát triển nghề làm nón rất lớn nên rất cần hỗ trợ về vốn ưu đãi. Chúng tôi mong muốn ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ vốn để bà con mở rộng sản xuất, tiếp tục giữ gìn và mở rộng nghề làm nón ở Hòa Bình hơn nữa”../.

 
Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Thông Hải


Top