Văn hóa

Năng lượng sạch trên đảo Phan Vinh

Tại huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, đường điện quốc gia không thể nối tới, nhưng Trường Sa đã được thắp sáng bằng năng lượng sạch như gió, mặt trời. Hệ thống năng lượng sạch trên đảo Phan Vinh đã đã phát huy vai trò, giúp quân và dân trên đảo nâng cao đời sống vật chất và văn hóa, yên tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quốc gia. 
Trước đây, trong điều kiện ở xa đất liền đảo Phan Vinh chủ yếu sử dụng máy nổ chạy dầu để phát điện phục vụ sinh hoạt, thắp sáng và làm việc của bộ đội và nhân dân trên đảo. Việc sử dụng nguồn năng lượng dầu chạy máy phát điện khá tốn kém, lại phát ra tiếng nổ ồn, gây ô nhiễm môi trường, nên việc duy trì nguồn điện ổn định là rất khó khăn, thường chỉ dùng vài giờ vào buổi tối và trong trường hợp thật cần thiết.

Nhằm cải thiện tình hình này, năm 2009, đảo Phan Vinh đã được Nhà nước đầu tư lắp đặt hệ thống điện năng lượng sạch, tận dụng nguồn năng lượng gió và bức xạ mặt trời với nền nhiệt cao. Hiện đảo Phan Vinh có hơn 300 tấm pin năng lượng mặt trời 
và tubin điện gió, được bố trí lắp đặt trên các mái nhà và các vị trí theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn. Trong điều kiện thời tiết ở đảo là mùa hè trời nắng ít gió, vào mùa mưa ít nắng thừa gió, có hai hệ thống tuabin gió và pin năng lượng mặt trời đã bổ trợ cho nhau, đảm bảo duy trì nguồn điện sử dụng thường xuyên trên đảo.


Toàn cảnh đảo Phan Vinh. Ảnh: Thông Hải/VNP


Tuabin điện gió được lắp đặt trên đảo Phan Vinh. Ảnh: Thông Hải/VNP



Các chiến sĩ thường xuyên bảo quản những tấm pin năng lượng mặt trời. Ảnh: Thông Hải/VNP


Những tấm pin mặt trời được lắp đặt xung quanh đảo Phan Vinh. Ảnh: Thông Hải/VNP


Hệ thống ắc quy để dự trữ nguồn điện năng. Ảnh: Thông Hải/VNP
 

Nguồn điện năng được chia ra nhằm sử dụng đúng mục đích và tiết kiệm. Ảnh: Thông Hải/VNP



 Sử dụng điện năng để lọc nước. Ảnh: Thông Hải/ VNP

Trong thời gian qua, hệ thống điện năng lượng này đã phát huy hiệu quả. Cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo đề cao tinh thần tự học để sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng và thực hành tiết kiệm điện, góp phần tăng cường tuổi thọ cho hệ thống quạt gió, pin năng lượng cũng như hệ thống ắc quy để phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của bộ đội.

Có điện năng lượng sạch, các sinh hoạt trên đảo đã thuận lợi so với trước. Nếu trước đây, việc bảo quản thực phẩm trên đảo gặp nhiều khó khăn do nguồn điện không ổn định, thì từ khi có hệ thống điện năng lượng, đảo đã sử dụng tủ cấp đông để bảo quản, góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho cán bộ và chiến sỹ, cũng như phục vụ công tác huấn luyện có sử dụng thiết bị điện và phục vụ việc chiếu sáng vào ban đêm, đáp ứng được yêu cầu thiết thực với điều kiện tác chiến ở biển đảo.

Vậy nhưng, đi dưới những hàng quạt gió cao ngạo nghễ quay tít, những mái nhà phủ kín tấm pin mặt trời trong xanh như màu đại dương ấy, là những trăn trở, những nỗ lực không ngừng nghỉ của những “người lính” làm nhiệm vụ bảo dưỡng thiết bị. Ngay cả trong mùa mưa bão, họ cũng luôn phải có mặt để khắc phục sự cố, đảm bảo các điểm đảo không bị “tắt” nguồn sáng, ảnh hưởng đến nhiệm vụ.

Có điện, có nước, hoạt động phối hợp của các lực lượng trên các đảo diễn ra chặt chẽ và hiệu quả hơn, từ công tác tuyên truyền, dân vận, hậu cần, văn hóa văn nghệ đến hỗ trợ tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, giúp đỡ ngư dân trên biển… đều thuận lợi. Có điện, có trạm thu phát sóng truyền hình, các đảo có điều kiện cập nhật tin tức, tình hình đất nước, đất liền và thế giới thông qua các loại hình báo chí. Có điện và mạng Viettel, đảo tuy xa đấy mà lại rất gần với đất liền, người thân, gia đình kết nối dễ dàng với nhau./.


Đảo Phan Vinh trước đây có tên gọi là Hòn Sập, nằm ở tọa độ 8 độ 58 phút vĩ Bắc, 113 độ 41 phút kinh Đông, cách TP.HCM khoảng 430 hải lý, cách cảng Cam Ranh 300 hải lý (khoảng gần 600 km) về phía Đông. Tháng 5/1978, trong 1 lần đi kiểm tra công tác tại đây, đô đốc Giáp Văn Cương, Tư lệnh quân chủng Hải quân đã đề nghị đổi tên đảo Hòn Sập thành hòn đảo mang tên người thuyền trưởng anh hùng Nguyễn Phan Vinh hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Bài và ảnh: Thông Hải

Dấu ấn Triển lãm Quốc tế quốc phòng Việt Nam 2024

Dấu ấn Triển lãm Quốc tế quốc phòng Việt Nam 2024

Nhằm tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, đồng thời chia sẻ chính sách, chủ trương xây dựng quân đội và phát triển nền công nghiệp quốc phòng giữa Việt Nam và các nước, Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 từ ngày 19-22/12/2024 tại Sân bay Gia Lâm (đường Nguyễn Sơn, phường Phúc Đồng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội).

Top