Tiềm năng địa phương

Nâng cao giá trị kinh tế cho khóm Tân Phước

Là vùng đất nhiễm phèn, Tân Phước có ưu thế trồng cây khóm (thơm, dứa) cho sản lượng cao cũng như hương vị đặc trưng. Các sản phẩm được chế biến từ khóm Tân Phước như nước ép tươi, mứt, bánh kẹo hay đóng hộp xuất khẩu đều có vị ngọt thanh, thơm ngon đặc biệt, hiện đang được doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang các siêu thị của người Việt tại Mỹ.
Huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang) là khu vực trồng khóm lớn nhất vùng Đồng Tháp Mười với hơn 15.000ha, sản lượng đạt 200.000 tấn trái tươi mỗi năm. Về đất Tân Phước vào những dịp thu hoạch khóm, đi trên con đường thuộc các xã Tân Hòa Tây, Tân Hòa Đông, Hưng Thạnh, Thạnh Mỹ, thị trấn Mỹ Phước… rất dễ dàng bắt gặp nông dân đang nhộn nhịp thu hoạch ở các ruộng khóm dọc hai bên đường. Mùi khóm chín ngọt thơm đặc trưng bay khắp các nẻo đường. Người thì thu hái khóm ngoài vườn, người thì cho vào ghe chèo chở khóm lên bờ dọc theo tuyến đường chính để cho thương lái dễ thu mua, người thì cắt gọt cho trái khóm được gọn gàng, người khuân vác từng giỏ khóm lên xe cho thương lái, khung cảnh rất nhộn nhịp vui tươi của chốn làng quê trong mùa thu hoạch khóm.

Chúng tôi vào thăm ruộng khóm đang lúc thu hoạch của lão nông Đặng Văn Hòa, một nông dân đi đầu trong nghề trồng khóm ở địa phương. Đang cùng các nông dân thu hoạch khóm dưới ruộng, thấy có khách tới tham quan ông nghỉ tay một lúc, ông Hòa cho biết, ông đã gắn bó với nghề trồng khóm hơn 40 năm nay. Từ vài công đất khóm ban đầu giờ đây trong tay ông có hơn 20ha đất khóm, luân phiên nhau thu hoạch quanh năm.

Ông Đặng Văn Hòa ngụ tại thị trấn Mỹ Phước huyện Tân Phước đang chăm sóc ruộng khóm của mình.


Công đoạn phân loại khóm, cắt gọt cuống khóm cho gọn gàng trước khi vận chuyển đến điểm thu mua.



Vào mùa thu hoạch khóm cao điểm, đặc biệt vào dịp gần Tết, đi về các tuyến đường thuộc các xã của huyện Tân Phước
sẽ rất hay gặp nông dân đang thu hoạch khóm ở các ruộng dọc hai bên đường.

 Khóm được gọt bớt phần ngọn và tỉa bớt lá trước khi vận chuyển đến điểm thu mua.

Ông Hòa cũng chia sẻ thêm: "Nơi đây là vùng trồng khóm bởi Tân Phước thuộc vùng khu vực Đồng Tháp Mười với đặc trưng diện tích đất nhiễm phèn rất lớn, cây khóm rất thích hợp để canh tác trên vùng đất này, lại cho sản lượng cao cũng như hương vị đặc trưng riêng, khác với những vùng trồng khóm khác ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Một năm khóm cho thu hoạch được ba vụ, 1ha thu được trung bình từ 15-18 tấn".

Mấy năm nay, giá khóm cũng ở mức ổn định từ giá 6-10 nghìn/kg nên bà con trồng khóm cũng phấn khởi. Riêng đối với lão nông Đặng Văn Hòa, do có kinh nghiệm trong nghề trồng khóm nên sản lượng khóm của ông trồng năm nào cũng cao hơn một chút so với các nông dân khác. Trung bình một ha khóm ông thu hoạch được tầm 17-18 tấn, với 20ha khóm lão nông Đặng Văn Hòa thu tiền tỉ mỗi năm là điều hiển nhiên. Danh xưng “tỉ phú đồng phèn”, “vua khóm” là những mỹ từ mà nhiều nông dân mến phục gọi ông. Ông là tấm gương cho nhiều nông dân trồng khóm học tập, noi theo.

Nhiều cơ sở sản xuất bánh mứt từ khóm cũng được hình thành trên quê hương vùng đất khóm Tân Phước. Các loại mứt khóm, bánh kẹo khóm, nước ép tươi với nhiều mẫu mã, thương hiệu và đảm bảo chất lượng thơm ngon đã có mặt ở nhiều địa phương trong cả nước. Một số cơ sở sản xuất bánh kẹo khóm có tiếng ở địa phương như: Tài Linh, Ngọc Lợi, Tân Phước… đã nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng.



Khóm được làm sạch vỏ trước khi chế biến làm kẹo khóm.


Vỏ tắc cắt sợi để làm gia vị cho món kẹo khóm.



Đậu phộng rang dùng để làm món kẹo khóm đậu phộng.



Công đoạn rắc mè để làm kẹo mè khóm.



Công đoạn cắt khúc kẹo khóm thành từng miếng vừa ăn.



Ở huyện Tân Phước có khoảng chục cơ sở làm kẹo khóm, họ tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào,
chất lượng cao sẵn có ở địa phương để làm ra món kẹo khóm ngon lành.



Một số sản phẩm kẹo khóm Tân Phước.

Đặc biệt, một sản lượng khóm loại tốt nhất của địa phương được công ty Quốc Bảo ở tỉnh Vĩnh Long xuống tận vườn thu mua và chế biến dưới dạng đồ hộp, xuất khẩu sang các siêu thị Việt Nam tại Mỹ, mở ra những giá trị kinh tế cao cho trái khóm trên vùng đất phèn Tân Phước.
 
Bài: Sơn Nghĩa   Ảnh: Nguyễn Luân

Hà Nội xuất khẩu nông sản

Hà Nội xuất khẩu nông sản

Thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ thị trường xuất khẩu, Hà Nội phát triển các vùng trồng đạt tiêu chuẩn chất lượng, có mã vùng trồng để đảm bảo nguồn gốc và xuất xứ sản phẩm. Bên cạnh đó, Hà Nội còn xây dựng những chuỗi liên kết các mặt hàng nông sản chủ lực nhằm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu…

Top