Bất chấp tình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp vụ cà phê năm nay ở Kon Tum vẫn được mùa cao giá. Cuối năm, những rẫy cà phê chín đỏ bạt ngàn khắp các xã vùng biên như Đăk Long (huyện Đăk Glei), Sa Loong (huyện Ngọc Hồi) báo hiệu niềm vui cho thấy cuộc sống của đồng bào vùng cao biên giới Kon Tum sẽ bớt đi bao nỗi khó khăn trong mùa đại dịch khi mà một cái Tết nữa đang cận kề.
Cuối năm, hai bên đường lên các xã Đăk Long và Sa Loong những rẫy cà phê đương vào vụ thu hoạch chín đỏ trĩu cành. Làng xóm vắng hoe chỉ còn người già và trẻ nhỏ ở nhà vì mọi người đều lên rẫy hái cà (cách người dân địa phương gọi cà phê). Rẫy thì xa nên đa phần người dân phải đi từ sớm đến chiều muộn mới về, thành ra cả ngày ở thôn Pêng Bloong, xã Đăk Long chỉ có mấy bà mế già bế cháu ngồi chơi, thi thoảng mới có mấy chiến sĩ trẻ bên đồn biên phòng 673 đóng quân gần đó chạy qua giúp dân đảo mấy đống cà phê đang phơi trước sân nhà rông cho kịp khô giữa cái nắng cuối năm hanh vàng.
Chúng tôi lân la hỏi chuyện mấy chiến sĩ trẻ mới biết mấy hôm nay cả đồn cũng đang tỏa đi giúp dân hái cà vì năm nay dịch dã liên miên các hộ không tìm thuê được nhân công hái nên bộ đội phải tăng cường xuống giúp dân để thu hoạch cho kịp vụ cà đang vào kì chín rộ.
Theo hướng chỉ của mấy chiến sĩ trẻ, chúng tôi lần mò tìm đường lên rẫy. Lên đến nơi đã thấy đại úy Xiêng Văn Bức, người dân tộc Giẻ Triêng đang phụ trách nhóm anh em chiến sĩ trẻ phụ giúp dân hái cà phê ở đó. Những tưởng người lính chỉ giỏi cầm súng không ngờ họ hái cà phê cũng khá ra trò. Những cánh tay rắn chắc rám nắng thoăn thoắt vít cành tuốt trái, cà phê rụng xuống tấm bạt hứng dưới gốc rào rào như mưa. Tiếng cười đùa của đám lính trẻ lẩn khuất dưới tán cây che khuất mặt người vang khắp rẫy vui như ngày hội tưởng chừng như lan tận sang cả dãy núi xanh thẫm mờ xa.
Vẻ đẹp bình yên và trù phú của những rẫy cà phê nơi miền biên giới xa xôi
ở xã Đăk Long, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum.
Những cây cà phê chín đỏ trĩu cành báo hiệu niềm vui được mùa. Chiều muộn, khi ánh mặt trời bắt đầu khuất bóng sau mái nhà rông cao vút thì cũng là lúc thôn Pêng Bloong rộn lên tiếng xe máy của đám thanh niên chở cà phê trên rẫy về. Những chiếc xe máy tự chế cho phù hợp với đường đồi núi chở tới 3-4 bao cà phê tươi nặng chừng đôi ba tạ tấp nập đổ về khoảng sân trước nhà rông, nơi có điểm thu mua đang chờ sẵn. Những khuôn mặt nhem nhuốc, quần áo nhuốm bẩn nhựa cà phê tươi và đất đỏ nhưng đều ánh lên nụ cười tươi rói. Mọi người thoăn thoắt dở những bao cà phê xuống xe, đặt lên cân rồi nhanh chóng tính tiền. “Cà năm nay được mùa giá lại cao. Vui lắm nhà báo ơi!”, tiếng chàng trai nào đó phấn khởi nói to khiến cho mọi người cười vui như quên hết nỗi nhọc nhằn của một ngày vất vả hái cà trên rẫy xa.
Không chỉ bà con ở thôn Pêng Bloong vui vì được mùa cà mà nhiều thôn khác ở Đăk Long cũng thế. Hôm ở dưới xuôi lên, dọc đường ngang qua thôn Đăk Ak, chúng tôi tình cờ gặp cha con anh A Nhất người dân tộc Giẻ Triêng đang cặm cụi phơi cà phê trước mảnh sân sát bên đường lộ. Hỏi chuyện, A Nhất cười nói: “Nhà chỉ có mấy sào cà thôi nhưng năm nay giá cao lắm, Tết không phải lo đói nữa rồi!”. Nhìn ánh mắt lấp lánh niềm vui của A Nhất mới biết cây cà phê đang đem lại niềm hi vọng lớn cho cuộc sống vốn còn nhiều khó khăn của đồng bào các dân tộc đang bám trụ nơi miền biên giới xa xôi.
Một thôn làng bình yên trên đường lên biên giới huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.
Niềm vui của các thanh niên thôn Pêng Bloong, xã Đăk Long
sau khi vất vả chở được những bao cà phê tươi nặng hàng tạ vừa hái từ rẫy về. Cà phê tươi hái về đến đâu được thu mua
và thanh toán tiền luôn đến đấy với giá cao nên ai cũng phấn khởi.
Một điểm thu mùa cà phê tươi ở xã biên giới Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.
Cà phê được sơ chế xay tách vỏ tươi trước khi đem phơi.
Các điểm sơ chế cà phê đóng bao chuyển đến nơi phơi, sấy. Niềm vui được mùa của người trồng cà phê Kon Tum.
Cha con anh A Nhất người dân tộc Giẻ Triêng ở thôn Đăk Ak, xã Đăk Long
tranh thủ phơi cà phê khi có nắng to. Chiến sĩ đồn biên phòng 673 giúp dân làng thôn Pêng Bloong, xã Đăk Long
phơi cà phê khi người dân trong thôn bận lên rẫy.
Năm nay tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến cho đời sống của người dân rơi vào tình cảnh khó khăn nhưng may mắn cuối năm cà phê lại được mùa và giá cũng tăng cao hơn so với năm trước. Nếu như năm 2020 giá cà phê Robusta tươi chỉ khoảng 5-6 nghìn đồng/kg thì năm nay được 7-8 nghìn đồng/kg, sức mua của thương lái cũng lớn, dân hái đến đâu thu mua hết đến đấy nên người trồng cà phê, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng biên của Kon Tum như Đăk Long, Sa Loong... rất phấn khởi.
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp Kon Tum, ngoài giống cà phê Robusta đang trồng, tỉnh còn triển khai đề án trồng thêm giống cà phê Arabia với nhiều dòng lai mới nhằm hướng tới xây dựng thương hiệu cà phê xứ lạnh làm đặc sản của địa phương để phục vụ xuất khẩu. Bởi theo đánh giá của giới chuyên môn cà phê Arabica trồng ở Kon Tum phát triển tốt, cho chất lượng, sản lượng và năng suất cũng như giá trị kinh tế cao hơn hẳn giống Robusta cũ. Và cà phê Arabica lại rất hợp với khẩu vị của người dân châu Âu.
Hiện nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Quy chế quản lí và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cà phê xứ lạnh Kon Tum. Cây cà phê Arabica trên địa bàn cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Đây là cơ sở để ngành nông nghiệp tỉnh xây dựng thương hiệu cà phê xứ lạnh Kon Tum, góp phần đưa cà phê trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực, và quan trọng hơn là tạo sinh kế giúp đồng bào các dân tộc vùng biên phát triển kinh tế, ổn định đời sống nơi vùng phên giậu của quốc gia./.
Bài, ảnh: Bích Vân