Gọi là bánh đa Kế bởi món bánh này được làm ở làng Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Xưa kia, bánh đa Kế chỉ là món ăn dân dã ở vùng thôn quê. Ngày nay, bánh đá Kế xuất hiện cả trên những bàn tiệc sang trọng, những nhà hàng cao cấp.
Người làng Kế làm bánh đa quanh năm, ngoại trừ những ngày mưa, bánh đa không thể phơi được phải đem sấy khô thì bà con làm ít hơn. Nghề truyền thống này đã có từ lâu đời, thế hệ trước truyền dạy nghề cho thế hệ sau...
Bánh đa kế là một trong những sản phẩm làng nghề tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang, đã được chọn mang đi giới thiệu, triển lãm ở nhiều địa phương trong cả nước. Vị bùi của cơm, khoai lang kết hợp vị béo ngậy của lạc, vừng khiến chiếc bánh đa thơm quyến rũ. Từng miếng bánh đa giòn tan trong miệng khiến người thưởng thức có cảm giác như hương vị quê đang dạt dào. Đặc biệt, bánh đa Kế mà được ăn cùng với chim câu băm nhỏ rang răm thì càng hấp dẫn.

Vừng đen và vừng trắng, những nguyên liệu làm bánh đa làng Kế.

Gạo được cho vào xay nhuyễn sau khi đã ngâm đủ ngày.

Tráng bánh đòi hỏi sự công phu và tỉ mỉ.

Lớp bánh đầu vừa ráo, người làng Kế tiếp tục tráng tiếp một lớp bánh khác, tạo nên một loại bánh đặc trưng chỉ có ở Dĩnh Kế.

Mỗi gia đình có một công thức làm bánh riêng.

Phơi bánh cũng tốn nhiều công sức bởi chiếc bánh sẽ ngon hơn khi phơi dưới trời đứng bóng.

Bánh phơi bên trên thì hạt vừng nguyên liệu phơi ở dưới.

Thế hệ trẻ của làng Dĩnh Kế đã tiếp nối nghề của cha ông để làm bánh.

Bánh đa ngon hơn nhờ nướng trên than hoa, loại than cho một lượng nhiệt vừa đủ, giúp làm bánh đa chín mà không bị cháy.

Chiếc bánh được nướng chín màu vàng đều, béo ngậy.

Mỗi ngày, một lao động của Dĩnh Kế làm ra khoảng 250 tới 300 cái bánh đa.

Rất nhiều người đã chọn bánh đa Kế làm quà mỗi khi có dịp đến Bắc Giang. |
Mỗi ngày, một lao động của Dĩnh Kế làm ra khoảng 250 tới 300 cái bánh đa thương phẩm. Bánh nướng chín thì xuất đi khắp mọi vùng miền, bánh làm ra đến đâu là tiêu thụ hết tới đó. Bánh chưa nướng thường được đóng gói và xuất đi theo đơn đặt hàng. Phần lớn các đơn đặt hàng xuất đi là do các khách sạn và nhà hàng đặt từ trước…
Ngày nay về Dĩnh Kế, người ta không còn nghe thấy tiếng giã gạo bằng sức người nữa mà thay vào đó là những tiếng máy gắn mô tơ hỗ trợ sức lao động của người dân. Làng Kế cũng nhờ bánh đa mà tiếng thơm bay xa khắp vùng./.
Bài: Vy Thảo - Ảnh: Trần Huấn.
Bài: Thục Hiền - Ảnh: Trần Huấn.