Chân dung

Meyer Zollitsch - người kết nối hợp tác văn hóa Việt Nam - Đức

Viện Goethe là một tổ chức văn hoá của Cộng hoà Liên bang Đức, hoạt động trên phạm vi toàn thế giới. Trên cương vị là Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội (thành lập năm 1997) bà Almuth Meyer Zollitsch đã có nhiều đóng góp tăng cường giao lưu văn hóa và giáo dục giữa hai nước Việt Nam-Đức. Mới đây, phóng viên Báo ảnh Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn với bà Almuth Meyer Zollitsch.
PV: Bà có thể cho biết những thành tựu nổi bật về giao lưu văn hóa của Viện Goethe trong việc thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam- Đức?

Bà Almuth Meyer Zollitsch: Tại Viện Goethe Hà Nội, chúng tôi đã tổ chức nhiều chương trình văn hóa ở những lĩnh vực khác nhau. Một trong những lĩnh vực được tổ chức nhiều là âm nhạc. Đến nay, chúng tôi đã có nhiều dự án âm nhạc hợp tác với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam. Trong đó có thể kể đến chương trình hợp tác công diễn tác phẩm “Cây sáo thần”, các buổi hòa nhạc Jazz giữa các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế trong khuôn khổ Những ngày Châu Âu tại Việt Nam. Bên cạnh lĩnh vực âm nhạc, Viện Goethe Hà Nội còn tổ chức nhiều chương trình ở lĩnh vực kịch. Điển hình có thể kể đến sự hợp tác giữa đạo diễn Dominik Günther với Nhà hát tuổi trẻ Việt Nam qua vở kịch “Ông lão đánh cá và con cá vàng”. Sau khi biểu diễn rất thành công ở Việt Nam, vào tháng 3/2016 vở kịch đã được đưa biểu diễn tại Đức và nhận được nhiều phản hồi tốt từ khán giả.


Chân dung bà Almuth Meyer Zollitsch- Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội (Tháng 10/2016).


 Bà Almuth Meyer Zollitsch tham dự buổi ra mắt cuốn sách ảnh về thành phố Hà Nội
của Tiến sĩ  Michael Waibel của Đại học Tổng hợp Hamburg diễn ra tại Viện Goethe.


Bà Almuth Meyer Zollitsch tham dự triển lãm Kim sách triều Nguyễn tại Hà Nội.


Bà Almuth Meyer Zollitsch tham dự một họat động văn hóa tại Bảo tang lịch sử Việt Nam.


Các họat động văn hóa và nghệ thuật luôn được bà Almuth Meyer Zollitsch quan tâm.

Đặc biệt, ở cương vị Viện trưởng, tôi đã cùng một số đại sứ quán khác tại Việt Nam tổ chức nhiều dự án văn hóa mang tính giao lưu quốc tế. Một trong những dự án cần kể đến là Liên hoan Múa đương đại “Sự gặp gỡ Á- Âu”. Đây là dịp để các nghệ sĩ Việt Nam, Đức và các nước khác có cơ hội giao lưu và có những góc nhìn mới hơn về xu hướng nghệ thuật múa đương đại.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã tổ chức nhiều chương trình giao lưu giữa nghệ sĩ hai nước ở lĩnh vực phim, trình chiếu video… Hiện tại, trang facebook của Viện Goethe Hà Nội có hơn 20.000 người theo dõi. Các đồng nghiệp của tôi thường đưa thông tin những sự kiện được tổ chức tại Viện Goethe để mời khán giả đến tham gia và trải nghiệm. Chúng tôi coi đó như là cánh cửa mở ra sự hiểu biết và giao lưu về văn hóa nhiều hơn giữa hai đất nước Đức và Việt Nam.

PV: Là cầu nối giữa hai chính phủ Đức và Việt Nam về lĩnh vực giáo dục- đào tạo, Viện Goethe Hà Nội đã có những chương trình như nào trong việc thúc đẩy sự hợp tác về giáo dục- đào tạo giữa hai nước?

Bà Almuth Meyer Zollitsch: Hiện nay số lượng người quan tâm đến các chương trình giáo dục ở Đức cũng như có nhu cầu học tiếng Đức ngày càng nhiều. Vì vậy, ở viện  Goethe có nhiều khóa học tiếng Đức dành cho những người có nhu cầu học khác nhau. Bên cạnh đó, để hỗ trợ dành cho người học, chúng tôi có chương trình dành cho thực tập sinh của Đức ở Việt Nam. Một trong những nhiệm vụ của thực tập sinh là hỗ trợ các học viên làm bài tập và giải đáp các thắc mắc, trao đổi thông tin của người học. Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức buổi chiều vui chơi tại thư viện như thi hát, viết và thi ảnh bằng tiếng Đức để các học viên có khả năng trao dồi tiếng Đức theo tiếng nguyên bản.

Đặc biệt, một trong những thành công của Viện Goethe ở lĩnh vực giáo dục đào tạo, phải kể đến những chương trình đào tạo chuyên ngành. Viện Goethe Hà Nội đã đào tạo được rất nhiều học viên có chứng chỉ quốc tế để theo học các chương trình chuyên ngành đào tạo tại Đức, đặc biệt là chuyên ngành y tế sức khỏe.

Hiện tại, Viện Goethe Hà Nội còn hợp tác với các trường học ở Việt Nam để đưa tiếng Đức trở thành một trong những ngoại ngữ được dạy phổ thông. Chúng tôi không chỉ là hỗ trợ họ trong việc lên chương trình dạy học, mà còn hỗ trợ trong việc đào tạo giáo viên.



Bà Almuth Meyer Zollitsch cùng các nhân viên chuẩn bị chu đáo trước một cuộc triển lãm tại Viện Goeth.


Bà Almuth Meyer Zollitsch chiêm ngưỡng các tác phẩm của các nghệ sĩ.


Bà Almuth Meyer Zollitsch tìm hiểu về các tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam.


Nhân viên tại viện Goeth luôn trao đổi ý kiến cùng bà Almuth Meyer Zollitsch.


Các sinh viên người Việt Nam luôn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình mỗi khi gặp bà Almuth Meyer Zollitsch tại thư viện của Viện Goeth.


Bà Almuth Meyer Zollitsch trao đổi cùng giáo viên tại viện.


Bà Almuth Meyer Zollitsch trong không gian làm việc tại Viện.


Bà Almuth Meyer Zollitsch tham gia giờ giảng tại Viện.

PV: Bà có thể chia sẻ kế hoạch mở rộng và tăng cường các hoạt động giao lưu về văn hóa và giáo dục- đào tạo mà Viện Goethe sẽ tổ chức trong thời gian sắp tới?

Bà Almuth Meyer Zollitsch: Trong những năm tới, viện Goethe vẫn tiếp tục duy trì các dự án văn hóa dựa trên thực tế bối cảnh ở Việt Nam hiện nay. Đặc biệt chúng tôi sẽ có những dự án dài hơi về lĩnh vực phim tài liệu. Qua đó cung cấp các kỹ năng và kiến thức chuyên sâu cho các nhà làm phim trẻ của Việt Nam.

Về hợp tác giáo dục, chúng tôi có kế hoạch dài hơi trong đào tạo giáo viên nguồn cho các trường tại Việt Nam. Họ sẽ được tham gia vào các khóa phương pháp dạy học hiện đại của những chuyên gia giáo dục từ Đức. Sau khi tham gia vào các khóa này, các giáo viên nguồn không chỉ có thể đạt tiêu chuẩn dạy ở Viện Goethe mà còn đạt tiêu chuẩn dạy ở các trường đại học ở Việt Nam. Thậm chí còn có cơ hội được đào tạo chuyên sâu hơn tại nước Đức.

PV: Trân trọng cảm ơn bà./.
 
Bài: Ngân Hà - Ảnh: Trần Thanh Giang


Top