Chân dung

Mẹ Việt Nam anh hùng giả trai đi đánh giặc

Thiếu tá Trần Thị Quang Mẫn (còn gọi Trần Thị Sáu, Trần Thị Quang Mẫn, Mười Mẫn) - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, bà mẹ Việt Nam anh hùng vừa bước sang tuổi 90. Dẫu thời gian có hằn lên da những vết đồi mồi, ánh mắt tinh anh cùng giọng nói hào sảng của người con gốc miền Tây dường như vẫn còn đó khi bà kể về câu chuyện cải trang thành nam giới đi bộ đội của mình.
Ngày đó, sống trong hoàn cảnh đất nước bị chiến tranh nên từ nhỏ bà Mẫn đã có ý thức và trách nhiệm muốn đóng góp công sức cho nước nhà. Dù bị gia đình ngăn cấm nhưng bà Mẫn rủ em gái cùng tham gia hoạt động cách mạng. Vốn được học võ từ nhỏ, lại thêm tính cách gan dạ, muốn trực tiếp cầm súng tham gia đánh giặc nên bà xin gia nhập Vệ Quốc đoàn. Tuy nhiên, đơn vị này chỉ nhân nam quân nhân nên bà phải tìm cách giả trai. Bằng nhiều cách, từ cắt tóc ngắn, quấn chặt ngực, tập thay đổi dáng đi, giọng nói, rèn luyện thể lực, bà Mẫn “biến” mình giống con trai nhất có thể. Cái tên Trần Thị Sáu nhường cho cái tên Trần Quang Mẫn ra đời từ đó. Đầu năm 1946, bà Mẫn trở thành tân binh của Trung đội 1, Đại đội 70, Chi đội 124 của Bộ đội Huỳnh Thủ hoạt động ở Vĩnh Thuận (Kiên Giang).


Tấm hình chân dung mà bà Trần Thị Quang Mẫn được một người yêu mến tặng và treo trên tường nhà. Ảnh: Tư liệu


Bức tranh vẽ lại sự kiện chiến sĩ Trần Thị Quang Mẫn được Chính phủ cách mạng lâm thời 
tặng thưởng Huân chương Anh hùng quân giải phóng. Ảnh: Tư liệu



Một trong số các bài báo viết về bà cũng được giữ gìn cẩn thận làm kỉ niệm. Ảnh: Tư liệu


Di ảnh thờ người chồng và người con quá cố của bà Mẫn. Ảnh: Tư liệu

Được giao nhiệm vụ đi trinh sát, bà Mẫn dẫn bộ đội đánh đồn, rồi trực tiếp cầm súng cùng đồng đội ra chiến trường. Bà nhớ lại: “Hầu hết những công việc mà đàn ông làm được thì tôi cũng phải cố gắng làm cho bằng được, có như vậy mới được đi đánh giặc, mới được ra chiến trường”. Năm 1947, bà Mẫn trở thành chỉ huy đại đội 70 (đại đội cảnh vệ - sau này là trung đoàn 124 thuộc Quân khu 9), lúc bà mới 21 tuổi.

Đến một ngày, anh bộ đội Nguyễn Văn Bé, Tiểu đoàn 401, bộ đội địa phương huyện Phú Quốc tìm đến đơn vị để xin cưới “anh” Trần Quang Mẫn do đã được gia đình đính hôn từ nhỏ. Đầu năm 1952, đám cưới “lạ lùng” giữa hai “anh” bộ đội đã diễn ra sau đó, lúc này mọi người mới biết được “bí mật” không thể ngờ này.

Sống với nhau mới vài ngày thì anh Bé phải về đơn vị, rồi cứ phải đến 4, 5 hôm vợ chồng mới gặp nhau một lần. Khi đứa con thành hình được gần hai tháng, đôi vợ chồng trẻ lại được gặp nhau một lần nữa, và đó cũng là lần cuối bà Mẫn gặp lại người chồng của mình. Cuối năm 1952, chồng của bà hi sinh trong khi làm nhiệm vụ, khi mới 25 tuổi.  

Đêm 20-7-1958, bà Mẫn bị quân địch bắt nhốt và tra tấn, sau đó đưa đi giam cầm ở nhiều nơi rồi bị đày ra nhà tù Côn Đảo (Phú Quốc) với án 8 năm biệt giam. Cuối năm 1966, bà Mẫn được trả tự do về quê thì biết được đứa con trai duy nhất của mình là Nguyễn Quốc Hưng cũng theo mẹ tham gia kháng chiến, làm trinh sát ở Đại đội U Minh 10, Rạch Giá. Trong một trận đánh năm 1967, bị giặc phục kích, đơn vị của Quốc Hưng hy sinh hết, trong đó có Hưng khi đó mới 15 tuổi.



Chân dung bà Trần Thị Quang Mẫn trong bộ quân phục và những huân, huy hiệu được phong tặng. Ảnh: Tư liệu


Những dịp đặc biệt, Thiếu tá Trần Thị Quang Mẫn khoác lên bộ quân phục cùng những tấm huân, huy chương
ghi lại những chiến công của mình. Ảnh: Đặng Kim Phương



Bà Mẫn vui đùa bên con cháu. Ảnh: Tư liệu


Bà Trần Thị Quang Mẫn lần giở lại những trang báo viết về bà trong chiến tranh. Ảnh: Đặng Kim Phương

 

Những kỷ niệm xưa còn lại với bà là hai bức hình của người chồng, người con trai yêu quý cùng với những tấm huân chương treo kín trên tường. Bà vẫn ở vậy từ đó đến nay, cùng với người con nuôi, còn rể và những đứa cháu ngoan trong ngôi nhà nhỏ ở quận Bình Tân, Tp. Hồ Chí Minh. Hằng ngày, bà vẫn tự pha sữa, nấu cháo, tự vệ sinh cá nhân của mình. Những lúc cao hứng, bà còn sáng tác và đọc thơ, chia sẻ với mọi người như một thú vui của tuổi già.

Giờ đây, mỗi khi gặp lại bạn bè, con cháu, được nhắc và kể về những kỉ niệm đã trải qua, Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Quang Mẫn như lại được sống lại một lần nữa những ký ức không thể phai mờ trong cuộc đời hoạt động cách mạng. Trong những câu chuyện hào hùng và có thật của bà, câu chuyện bà Mẫn giả trai tham gia kháng chiến luôn để lại ấn tượng sâu đậm và sự ngưỡng mộ của nhiều người./.

 
Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Đặng Kim Phương & Tư liệu

UNESCO và Thành phố Di sản Hà Nội

UNESCO và Thành phố Di sản Hà Nội

Nhân dịp 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024),  ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo ảnh Việt Nam về thành phố Di sản Hà Nội.

Top