Khám phá

Lễ cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô

Phong tục thờ cúng tổ tiên của người Lô Lô có từ rất lâu. Đó là một phong tục đẹp, giàu bản sắc, có tính chất giáo dục truyền thống cho các thế hệ. Cũng như nhiều dân tộc khác, người Lô Lô tin rằng mọi vật đều có linh hồn, và họ có niềm tin về sự tồn tại của linh hồn, về mối liên hệ giữa người đã chết và người sống cùng chung huyết thống. Cùng ý thức tôn trọng cội nguồn, đức tính hiếu thảo của người Lô Lô cũng góp phần hình thành nên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

Người Lô Lô quan niệm tổ tiên, ông bà, cha mẹ…những người đã sinh ra mình có công tạo dựng nên cuộc sống hiện tại. Không những thế, tổ tiên còn có công bảo vệ làng xóm, phù hộ quê hương để bản làng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Theo phong tục, khi gia đình có người chết từ 3 đến 4 năm, người con trưởng trong gia đình sẽ lập bàn thờ tổ tiên và rước hồn lên bàn thờ, lập bài vị hình người để thờ cúng. Bàn thờ tổ tiên được đặt ở sát vách của gian giữa nhà, đối diện cửa chính. Trên đó có những hình nhân bằng gỗ để tượng trưng cho linh hồn tổ tiên. Người Lô Lô thường cúng tổ tiên vào tháng chạp hằng năm. Người ta có thể cúng tại nhà trong phạm vi gia đình.  Còn khi làm lễ cúng tại miếu làng thì tất cả các gia đình trong bản sẽ đóng góp lễ và cùng tổ chức.

Thầy cúng Lò Sì Páo và bà con dân tộc Lô Lô tại thôn Sảng Pả A, thị Trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang thực hiện một lễ cúng tổ tiên.
 Trống đồng của người Lô Lô được dùng trong những dịp lễ đặc biệt quan trọng.
 Hoa văn đặc sắc trên trống đồng của người Lô Lô.
Người Lô Lô mặc những bộ quần áo đẹp nhất trong ngày lễ trọng đại.
Mọi người trong thôn đứng trước bàn thờ tổ tiên để thày cúng thực hiện nghi thức tiễn ông bà trong lễ cúng tổ tiên.
Sau nghi thức cúng trước bàn thờ tổ tiên, dân làng cùng hòa mình trong những điệu múa, khúc hát của người Lô Lô.

Cùng với trống đồng, điệu nhảy, điệu múa, trang phục... tất cả đều đặc sắc, độc đáo đầy chất nghệ thuật của riêng người dân tộc Lô Lô, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang mà không nơi nào có được.

Thông thường Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô có 3 phần chính là lễ hiến tế, lễ tưởng nhớ và lễ tiễn tổ tiên. Vào lễ cúng, thầy cúng sẽ tiến hành nghi lễ hiến tế, rồi đọc bài khấn để mời tổ tiên về dự lễ trước sự chứng kiến của tất cả mọi người trong dòng họ và cộng đồng. Sau đó, người Lô Lô sẽ thực hiện nghi thức đánh trống đồng để mọi người múa theo nhịp trống, tưởng nhớ những người đã khuất trước bàn thờ tổ tiên. Vào cuối buổi, người Lô Lô sẽ làm lễ đưa tiễn. Người ta cũng sẽ nổi trống đồng rồi đốt một đống lửa giữa sân để thầy cúng đọc bài khấn thưa với tổ tiên về việc gia chủ dâng lễ vật để tiễn đưa tổ tiên trở về trời. Bài khấn cũng có những lời cầu khấn, xin tổ tiên nhận lễ vật và xin tổ tiên phù hộ cho con cháu ở trần gian. Sau đó, họ đốt tiền, vàng mã và lễ cúng sẽ kết thúc vào lúc rạng sáng.

Sau buổi lễ, gia chủ sẽ mời mọi người đến dự lễ ăn cơm, uống rượu với gia đình. Tất cả các lễ vật sẽ được chia đều cho mọi người như lời cảm ơn của gia chủ đến tất cả vì đã đến giúp gia đình làm lễ.

Trong đời sống tâm linh người Lô Lô xếp Lễ cúng tổ tiên thuộc các nghi lễ vòng đời. Ngoài mang ý nghĩa giáo dục cộng đồng hướng về nguồn cội, biết ơn tổ tiên, giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, lễ cúng tổ tiên còn kết nối cộng đồng, gia đình, dòng họ, làng bản. Với cách thực hành tín ngưỡng vô cùng độc đáo, mang giá trị văn hoá dân gian đặc sắc, người Lô Lô đã góp phần tô điểm cho nền văn hoá Việt Nam thêm đa dạng, phong phú và độc đáo./.

Thực hiện : Việt Cường/Báo ảnh Việt Nam

Nam Xuân Lạc, vẻ đẹp của lịch sử, tài nguyên và thiên nhiên

Nam Xuân Lạc, vẻ đẹp của lịch sử, tài nguyên và thiên nhiên

Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Nam Xuân Lạc rộng hơn 4.100 ha, nằm ở vị trí cao hơn 800 mét so với mực nước biển, trải dài trên địa bàn các xã Đồng Lạc, Xuân Lạc, Bản Thi, Yên Thịnh thuộc huyện Chợ Đồn, có khí hậu quanh năm mát mẻ, thiên nhiên hùng vĩ cùng những dấu ấn lịch sử, văn hoá đặc sắc đang là tiền đề để tỉnh Bắc Kạn phát triển du lịch.

Top