Khám phá

Lễ cúng bến nước của người Gia Rai

Người Gia Rai coi nước là nguồn sống và vị thần cai quản sông, nước được gọi là thần Yang Ia được tôn sùng bậc nhất, được thờ cúng theo cách thức rất long trọng. Với họ bến nước nơi có nguồn nước chính phục vụ sinh hoạt cho cả cộng đồng là không gian gần gũi nhưng cũng đặc biệt linh thiêng. Hàng năm, khi mùa màng thu hoạch xong họ phải tổ chức Lễ cúng bến nước để tạ ơn vị thần đã mang những điều tốt đẹp đến cho dân làng.
Không ấn định vào một ngày nhất định, Lễ cúng bến nước của người Gia Rai thường diễn ra vào tháng 4 hoặc tháng 5. Địa điểm tổ chức nằm ngay tại bến nước của làng. Trước ngày lễ, dân làng sẽ chọn ra một chủ lễ có uy tín, am hiểu tập tục để điều hành. Già làng cũng phân công mọi người vào rừng lấy lồ ô làm cây nêu, thanh niên khỏe mạnh phát quang cỏ dại đường xuống bến nước. Đặc biệt họ sẽ làm một hàng rào bằng tre bao quanh nguồn nước tạo một không gian rất nghiêm trang cho buổi lễ.

Vào ngày diễn ra Lễ cúng bến nước, ngay khi mặt trời vừa mọc dân làng sẽ đi thành hàng dọc từ nhà rông ra bến nước. Người ta mang theo những lễ vật để dâng lên thần Yang Ia. Lễ vật gồm một con heo, một con gà và một ghè rượu cúng.


Người Gia Rai mang lễ vật ra bến nước để làm Lễ cúng hay còn được gọi là Lễ cúng giọt nước đầu tiên.


Những lễ vật dâng lên thần bến nước nhất định phải có heo và gà.


Người trong buôn tùy theo khả năng sẽ góp đồ cho buổi lễ nhưng gà và heo
phải do già làng lựa chọn cẩn thận để dâng lên cho thần.


Những người phụ nữ Gia Rai sẽ đi ở cuối đoàn rước lễ vật ra bến nước.


Theo tục lệ, heo và gà lễ được thui trên lửa và tuyệt đối không dùng nước để rửa dọn dẹp khu vực bến nước để làm lễ.


Chỉ những người đàn ông trong làng mới được tiến hành các công việc trong phần lễ cúng ngay tại bên nước.


Chủ lễ sau khi khấn cầu sẽ dâng lễ vật lên cho thần Yang Ia là gan gà, gan lợn để cầu mong thần che chở cho buôn làng.


Sau phần lễ với những nghi thức cúng khá đơn giản, chủ lễ sẽ hứng những giọt nước đầu tiên tại bến nước.


Già làng, người dân trong buôn lần lượt hứng những giọt nước đầu mùa mới.


Những Gia Rai vui mừng vì lễ cúng bến nước diễn ra suôn sẻ.


Người dân trong buôn sẽ hứng và mang nước mới đầu mùa về nhà sau lễ cúng.


Sau phần lễ người Gia Rai sẽ hòa chung vào điệu múa truyền thống trong tiếng cồng chiêng rộn ràng.

Ngay trước nghi thức cúng thần, người ta sẽ mổ lợn, giết gà để làm lễ dâng thần Yang Ia. Theo tập quán, trong quá trình chuẩn bị này người Gia Rai tuyệt đối không dùng nước mà chỉ thui những con vật trên lửa. Lễ vật dâng lên thần được bài trí trên lá chuối gồm: thịt heo, gà, gan được cắt nhỏ. Ghè rượu, ly rượu được làm bằng lồ ô được đặt bên cạnh.

Bài trí lễ vật xong, thầy cúng bắt đầu khấn. Bài khấn của thầy cúng gồm hai phần. Phần đầu là mời các vị thần băng rừng, vượt suối về với bến nước của làng và thụ hưởng lễ vật. Phần sau là những lời cầu khấn của dân làng mong cho có một nguồn nước trong lành, dân làng được ấm no, sức khỏe dồi dào, mọi người không bị bệnh tật, đau ốm.

Sau lời khấn cầu, chủ lễ dùng một que nhỏ khơi thông nguồn nước. Tiếp đến ông lấy một quả bầu khô hứng nước đổ vào ghè rượu và mời mọi người uống những giọt nước mát đầu tiên. Già làng sẽ là người uống trước, sau đó mới đến mọi người.

Khi kết thúc phần lễ linh thiêng, người Gia Rai sẽ đắm mình vào những điệu múa trong tiếng cồng chiêng rộn rã. Mọi người tin thần Yang Ia sẽ mang đến nguồn nước mát lành, sức khỏe và bình an cho dân làng./.

Bài và ảnh: Việt Cường - Khánh Long

Nam Xuân Lạc, vẻ đẹp của lịch sử, tài nguyên và thiên nhiên

Nam Xuân Lạc, vẻ đẹp của lịch sử, tài nguyên và thiên nhiên

Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Nam Xuân Lạc rộng hơn 4.100 ha, nằm ở vị trí cao hơn 800 mét so với mực nước biển, trải dài trên địa bàn các xã Đồng Lạc, Xuân Lạc, Bản Thi, Yên Thịnh thuộc huyện Chợ Đồn, có khí hậu quanh năm mát mẻ, thiên nhiên hùng vĩ cùng những dấu ấn lịch sử, văn hoá đặc sắc đang là tiền đề để tỉnh Bắc Kạn phát triển du lịch.

Top