Văn hóa

Lễ Cầu an tại Miếu Bà Ngũ hành Tân Nhơn

Vào ngày 20/3 âm lịch hàng năm, Lễ Cầu an diễn ra linh đình tại Miếu Bà Ngũ hành Tân Nhơn khu vực quận 9, TP.HCM. Đây không những là dịp để người dân trong địa phương gửi gắm khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt… mà còn bày tỏ sự biết ơn của nhân dân đối với các vị phúc thần đã luôn chở che cho con người.
Tương truyền, các ngôi miếu Bà là những ngôi thờ tự đầu tiên ở thôn, làng từ lúc khai thiên lập địa, cho nên lịch sử hình thành của miếu cũng từ rất lâu đời. 5 vị phúc thần Ngũ Hành tại đây được tôn thờ trong dân gian tin rằng các Bà có những quyền năng phù hộ độ trì cho chúng sinh đối với nhiều nghành nghề liên quan đến đất đai, củi lửa, kim khí, nước nôi và cây,gỗ…

Tại Miếu Bà Ngũ hành Tân Nhơn, bài vị thờ cúng được người dân đúc bằng xi măng, mỗi vị phúc thần đều có màu sơn riêng biệt từ thân tượng cho đến y áo, khăn choàng khoác ngoài…

Dịp lễ Cầu an này, người dân cúng Bà có thể đặt Lễ với Miếu hoặc Lễ tuỳ theo tâm của mỗi người. Lễ bao gồm lễ mặn hoặc lễ chay, cỗ cúng cũng vì thế mà khác nhau. Lễ chay thường đi kèm đồ cúng sẽ là hương, hoa tươi, quả chín, phẩm oản, xôi chè còn Lễ mặn thì đồ cúng gồm gà, giò, trầu cau, rượu… Trước vài ngày diễn ra lễ hội, bà con thường chung tay, góp sức để lau chùi, sơn sửa, thay áo, mũ mới cho các pho tượng Bà.



Miếu Bà Ngũ hành Tân Nhơn thờ  kim, mộc, thủy, hỏa, thổ luôn vận động, chuyển dịch.
Theo thuyết âm dương ngũ hành, 5 yếu tố trên thuộc âm nên trong dân gian gọi chung là Bà.


Các vị cao niên thắp nhang khai lễ.


Các sản vật, cống phẩm mà người dân dâng lên Bà.


Các Miếu khác đến giao lưu cúng bái tại Miếu Bà Ngũ hành Tân Nhơn.


Vị cao niên đánh trống báo cáo vật phẩm của người dân dâng lên Miếu Bà.


Người dân vào thắp nhang trong Miếu Bà Tân Nhơn.


Người dân dâng mâm vàng lên Miếu Bà để múa bóng rỗi.

Lễ cầu an tại miếu Bà phải mời người múa bóng rỗi, hát Địa nàng, hát tuồng cổ… để mua vui cho Bà. Người hát rỗi mặc lễ phục đứng trước bàn thờ miếu Bà, tay cầm trống nhỏ, gọi là trống rỗi, vừa gõ làm nhịp cho hát mời nữ thần về dự nghi lễ. Lời hát tha thiết ca ngợi các vị nữ thần, mời các vị về ngôi đền để chứng kiến cảnh mọi người đang trông chờ và phù hộ, độ trì cho họ. Tùy vào các cô bóng, cậu bóng mà có cách “rỗi” khác nhau, kể đến là rỗi theo thể loại tuồng tích hoặc chỉ là những điệu thức riêng biệt. Còn múa bóng là những động tác tạo hình biểu hiện sự kính dâng lễ vật lên thần linh. Người múa bóng rỗi trình diễn những động tác múa được đánh giá là khá điêu luyện và khéo léo. Ngoài tài nghệ múa, người biểu diễn tại Lễ cầu an còn có khả năng sáng tác lời ca theo yêu cầu của dân chúng trên nền nhạc đệm có sẵn. Trang phục của các người diễn xướng cũng được chuẩn bị rất cầu kỳ, đầy đủ áo, mũ, váy, khăn choàng cổ, ngạch quan.
  
Ngoài hát bóng rỗi, để góp phần “làm vui” cho Bà còn có phần hội hát Địa Nàng. Với lối diễn vừa theo bài bản vừa ứng tác; hát, nói, kể kết hợp với nhạc và vũ đạo tuồng, các bài hát chắt lọc từ tuồng và các làn điệu dân ca quen thuộc, ứng đối giữa Địa và Nàng theo phong cách vui nhộn, dẫn dắt câu chuyện tài tình khiến cho cốt truyện đơn giản trở nên thú vị. Sau phần hát Địa nàng chính sẽ chuyển sang đối đáp bằng những câu vè, dân ca, bằng thơ lục bát, song thất, đôi khi dùng cả tục ngữ, ca dao. Riêng về lời văn đối thoại, thì gần như đều là ngôn ngữ bình dân thông thường của người dân quê.

Địa và Nàng chỉ diễn trên một manh chiếu trước điện Bà, xung quanh là dân làng không phân thứ bậc, Địa bộc đùa giỡn với tiên nữ, châm biếm cả chư tiên, chư phật. Địa còn mang ý nghĩa đại diện cho khát vọng thịnh vượng, bình đẳng, có tính nhân bản của dân làng.
  


Đặt các sản vật lên đầu cô bóng rỗi.


Các nghệ nhân hát Địa nàng mua vui cho miếu bà để cầu được mưa thuận gió hòa.


Hát Địa nàng chỉ có hai người một người thủ vai ông Địa và một người thủ vai Nàng tiên.


Các vị cao niên trong làng dâng tiền ủng hộ ông Địa.


Cái độc đáo của Địa Nàng là ứng diễn, tự chế ra lời diễn chớ không có kịch bản chính thức.


Múa bóng rỗi để mua vui cho Miếu Bà.


Đưa mâm vàng để cô bóng múa trước khi dâng lên Miếu Bà.


Nghệ thuật hát tuồng cổ ba ông Phúc Lộc Thọ.


Rất nhiều vở tuồng cổ được trình diễn để mua vui cho Miếu Bà.


Các vở tuồng cổ được dàn dựng công phu và kĩ lưỡng.

Trong lễ Cầu an, ngoài phần tế lễ, dâng hương, còn có múa đội rồng, đội lân… rất đặc sắc và hấp dẫn. Tất cả đều thể hiện nét đẹp văn hóa theo hình thức diễn xướng nghi lễ dân gian và làm nổi bật giá trị văn hóa nghệ thuật cao.

Lễ Cầu an Miếu Bà Ngũ hành Tân Nhơn được duy trì từ năm này qua năm khác, thể hiện truyền thống tri ân, uống nước nhớ nguồn của con người đối với các vi thần linh đối với tổ tiên và những người đã khuất. Ngày nay tục cúng vía Bà đã trở thành một hoạt động văn hóa không thể thiếu tại địa phương này./.

 
Bài và ảnh: Thông Hải

Múa bát của người Tày ở Bắc Kạn

Múa bát của người Tày ở Bắc Kạn

Múa bát là điệu múa cổ của người Tày được hình thành trong quá trình lao động sản xuất từ lâu đời. Điệu múa bát có liên quan đến nghề dệt vải truyền thống của người Tày. Đây là nghệ thuật trình diễn dân gian quan trọng trong dịp Tết, lễ hội truyền thống hằng năm.

Top