Tái hiện huyền tích Linh Lang Đại Vương

Tái hiện huyền tích Linh Lang Đại Vương

Với mong muốn tái hiện lịch sử huyền tích về Linh Lang Đại vương là vị thần có công lớn trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm và trị thủy cho người dân Việt, UBND Quận Long Biên đã tổ chức chương trình nghệ thuật giao lưu trình diễn di sản văn hóa phi vật thể “Linh Lang- Khí thiêng hội tụ- Long Biên tỏa sáng” tại Cụm di tích đình, chùa Trường Lâm (Hà Nội).

Theo lịch sử để lại, Đức thánh Linh Lang Đại vương là hoàng tử Hoàng Lang, con của Vua Lý Thánh Tông và Vương phi Hạo Nương. Ngài đã góp công đánh thắng giặc Tống xâm lược nước ta vào cuối thế kỷ 11. Để nhớ công ơn, nhà vua sắc phong ngài là “Linh Lang Đại vương thượng đẳng phúc thần” cho xây đền trên gò Long Thủ, nay là đền Voi Phục để thờ phụng. Để nhớ công ơn của Linh Lang Đại vương, nhiều nơi trên cả nước đã lập đền thờ ngài.

Đức thánh Linh Lang Đại vương là hoàng tử Hoàng Lang, con của Vua Lý Thánh Tông và Vương phi Hạo Nương.

Chủ tịch UBND Quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà cho biết trong số 269 nơi thờ Linh Lang Đại Vương trên cả nước, quận Long Biên có 13 nơi thờ. Khi các lễ hội truyền thống tại nhiều di tích thờ Linh Lang Đại vương đang diễn ra trên cả nước, UBND Quận Long Biên tổ chức chương trình nghệ thuật giao lưu trình diễn di sản văn hóa phi vật thể “Linh Lang- Khí thiêng hội tụ- Long Biên tỏa sáng” nhằm tôn vinh giá trị lịch sử văn hóa, thể hiện nguyện vọng của người dân trong không gian và thời gian linh thiêng gắn với truyền thống hào hùng Thăng Long- Hà Nội.

Không khí trang nghiêm và thành kính trong lễ hội Linh Lang.

Với việc chứa đựng thông điệp sâu sắc, kết nối giữa quá khứ- hiện tại- tương lai, chương trình gồm 3 chương: “Linh Lang Đại vương- Thượng đẳng phúc thần”, “Hào khí ngàn năm- Mạch nguồn di sản”, “Kỷ nguyên vươn mình- Khát vọng bứt phá” được thể hiện theo hình thức bán thực cảnh, hòa quyện giữa âm nhạc dân gian, hiện đại và công nghệ ánh sáng. Tất cả thể hiện theo dòng chảy xuyên suốt của lịch sử qua nhiều giai đoạn.

 
Nghi thức rước và tế trong lễ hội Linh Lang, tái hiện không gian linh thiêng và truyền thống hào hùng.

Trong chương 1 có tên gọi “Linh Lang Đại vương- Thượng đẳng phúc thần” với những tiết mục được dàn dựng công phu như “huyền tích Linh Lang”, “Linh Lang Đại Vương- Uy danh vang vọng”, “Long Biên- Khí thiêng hội tụ”… đã thể hiện rõ lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc đã ghi dấu ấn đậm nét trên vùng đất Long Biên, đã cho nơi đất những tài sản vô giá với các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống đặc sắc, nhiều loại hình nghệ thuật dân gian đầy giá trị. Dù qua sự thăng trầm của lịch sử, sự phá hủy của chiến tranh và thiên nhiên hà khắc, nhân dân Long Biên đã đang và sẽ nỗ lực gìn giữ, bảo tồn và phát huy những di sản ấy, coi đó là vốn quý mà các bậc tiền nhân đã để lại vùng đất này.

Các cảnh diễn nối tiếp, được chuyển biến tinh tế bằng kỹ xảo được đầu tư công phu, âm nhạc hấp dẫn và đa dạng hình thức như hát, múa, đồng diễn trống… đã gây ấn tượng với người xem trong việc tái hiện huyền tích Linh Lang Đại vương. Điểm nhấn của chương trình là nghi thức tái hiện rước và tế trong lễ hội Linh Lang với sự tham gia của nhiều người dân ở nhiều thế hệ sinh sống trên địa bàn quận Long Biên. Đặc biệt nghi lễ múa rắn kết hợp trình diễn công nghệ 3D mapping đầy tính nghệ thuật cũng đem lại trải nghiệm thú vị cho người xem.

Chương trình nghệ thuật giao lưu trình diễn di sản văn hóa phi vật thể “Linh Lang- Khí thiêng hội tụ- Long Biên tỏa sáng” tại Cụm di tích đình, chùa Trường Lâm (Hà Nội).

Không chỉ chứa đựng thông điệp về việc tôn vinh giá trị văn hóa lịch sử và ôn lại truyền thống lịch sử, văn hoá trên mảnh đất Long Biên, chương trình còn khẳng định cho sức mạnh tinh thần và nỗ lực phát triển bứt phá trong thời đại mới, thể hiện niềm tự hào về một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, luôn tiến về phía trước với tinh thần yêu nước và khát vọng vươn lên. Điều này được thể hiện rất rõ qua chương 2 và chương 3 với việc tái hiện sự kiện Bác Hồ về thăm địa phương qua tiết mục “Bác Hồ một tình yêu bao la”, cũng như kể câu chuyện của Long Biên hôm nay và trong tương lai qua việc trình diễn áo dài “Nhớ về Hà Nội”, “Long Biên rạng rỡ đón bình minh”…


Có thể nói, chương trình nghệ thuật hóa sân khấu di sản văn hóa “Linh lang- Khí thiên hội tụ- Long Biên tỏa sáng”đã thể hiện sự tôn vinh niềm tự hào giá trị lịch sử văn hóa dân tộc của người dân cũng như sự quyết tâm bảo tồn giá trị văn hóa bằng cách áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong thời gian sắp tới của quận Long Biên nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung./.

Bài: Ngân Hà- Ảnh: Trần Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam

 

 

 

 


Top