Trao cơ hội việc làm cho người khuyết tật
Được thành lập bởi cố Hiệp sĩ công nghệ thông tin đầu tiên của Việt Nam Nguyễn Công Hùng, hơn 20 năm qua doanh nghiệp xã hội (DNXH) Nghị lực sống đã mang lại cơ hội học tập, mở ra con đường nghề nghiệp bền vững dể giúp người khuyết tật vững bước trên hành trình tự lập.
Chị Ngô Thị Huyền Minh- Tổng Giám đốc DNXH Nghị lực sống nhớ lại những ngày đầu khi anh Nguyễn Công Hùng ra Hà Nội nhận giải thưởng Hiệp sĩ Công nghệ thông tin đã bày tỏ mong ước muốn trao cơ hội việc làm cho các bạn khuyết tật. Khi đó chị Minh còn là sinh viên đã cùng anh Hùng và một số người chung tay mở lớp học nhỏ.
“Hồi đó, mọi thứ còn rất khó khăn, máy tính là thứ gì đó xa lạ với nhiều người, nhưng chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản thích thì cứ bắt tay vào làm thôi. Thế là mọi người góp tiền thuê một căn chung cư, chia nhau tiền nhà, tận dụng phòng khách làm phòng học. Anh Hùng cũng làm website thêm cho mấy công ty để có thêm thu nhập trang trải cho lớp học. Năm 2009, nhóm xin được 10 chiếc máy tính cũ để làm phương tiện giảng dạy. Vài năm sau, nhờ sự quan tâm của Bộ Thông tin và Truyền thông, đặc biệt là Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng, lớp học được tặng thêm hơn 10 máy tính mới. Đây là dấu mốc quan trọng, lớp học có trang thiết bị ổn định, bắt đầu hoạt động quy củ hơn.”, chị Minh chia sẻ.
Chị Minh cũng chia sẻ thêm đến năm 2010, nhóm quyết định xây dựng website “Nghị lực sống”, đồng thời góp tiền để mua tên miền riêng. Đến năm 2016, Trung tâm Nghị lực sống chính thức được thành lập và trung tâm đã chuyển đổi thành mô hình thành doanh nghiệp xã hội vào năm 2022 để tiếp tục sứ mệnh hỗ trợ người yếu thế hòa nhập cuộc sống thông qua công nghệ và giáo dục.
Từ việc chỉ có thể tổ chức 15 học viên/lớp đến nay DNXH Nghị lực sống đã dạy cho 60 học viên/lớp về công nghệ thông tin với thời gian học 6 tháng. Nội dung học khác nhau trên cơ sở đáp ứng đúng tiêu chí tuyển dụng của các doanh nghiệp về lĩnh vực công nghệ thông tin. Học viên của Nghị lực sống là những người khuyết tật, người có người nhà bị khuyết tật, nhóm yếu thế như con em trong diện chính sách, nạn nhân của bạo lực gia đình, trẻ đường phố, các em nhỏ mồ côi…
Hôm chúng tôi đến Nghị lực sống có gặp thầy giáo đang ngồi xe lăn di chuyển để dạy cho các bạn học viên của lớp học công nghệ thông tin. Anh Vũ Phong Kỳ là học viên theo học ở Nghị lực sống vào năm 2009 và cũng là trường hợp hiếm gặp khi bị khuyết tật cả chân lẫn tay do bệnh căn bệnh loãng xương nhưng sau 3 tháng học, anh Kỳ đã xuất sắc đỗ kỳ thi tuyển của Công ty TNHH Esoftflow thuộc Tập đoàn Esoft Systems – một trong những tập đoàn hàng đầu của Đan Mạch. Sau 4 năm làm việc, tích luỹ nhiều kinh nghiệm, anh Kỳ đã quay lại Nghị lực sống để trở thành giáo viên, dạy nghề cho những người có hoàn cảnh giống mình.
Anh Kỳ cho biết, các học viên theo học sẽ được học kỹ năng cơ bản trên máy tính vì hầu hết các bạn đều không biết gì về máy tính từ việc cầm con chuột hay bật máy tính thế nào. Sau 2 tháng, các bạn sẽ được về chỉnh sửa ảnh bất động sản, xử lý dữ liệu, chỉnh sửa video, làm sản phẩm bằng phần mềm canvas, làm video bằng AI. Sau 6 tháng học chuyên về một môn học, những học viên sẽ có thể tự tin đi làm việc tại một số doanh nghiệp đối tác của Nghị lực sống.
Bên cạnh mở các lớp đào tạo về công nghệ thông tin, doanh nghiệp xã hội Nghị lực sống còn mở thêm lớp đào tạo về nghề làm đậu bạc với sự hướng dẫn của các nghệ nhân làng nghề đậu bạc Định Công (Hà Nội). Học viên sau khi học 1-2 tháng đã có thể làm được sản phẩm và được trả lương từ 1 đến 2 triệu/đồng. Sau 6 tháng học nghề thành thạo sẽ được xuống làm việc tại các xưởng sản xuất của làng nghề đậu bạc Định Công với mức lương 6 triệu đồng/tháng.
Không chỉ trao cơ hội nghề và việc làm cho những khuyết tật, doanh nghiệp xã hội Nghị lực sống còn giúp các học viên tự tin vào bản thân hơn bằng việc tham gia vào lớp học kỹ năng sống.
Chị Đặng Nguyễn Hồng Hạnh- tình nguyện viên lớp kỹ năng sống cho biết: “Các em sẽ được học về tư duy tích cực, tư duy phát triển là lên kế hoạch cho mục tiêu cụ thể và cách làm thế nào để bám sát mục tiêu đấy. Qua đó các em sẽ vượt được qua vùng an toàn để dám trải nghiệm mà trước đây bản thân không dám trải nghiệm để tự tin học những kiến thức, kỹ năng mới và truyền cảm hứng cho những người khác”.
Nói về chiến lược dài hạn của DNXH Nghị lực sống, chị Minh cho biết Nghị lực sống sẽ phối hợp với Omicare (Nhật Bản) mở điểm bán hàng kiểu mẫu và phát triển điểm bán siêu nhỏ bằng việc đầu tư về cơ sở và hàng hóa để cho những người yếu thế được tham gia làm việc và có thể tạo ra thu nhập cho bản thân./
Bài: Ngân Hà- Ảnh: Tất Sơn/Báo ảnh Việt Nam và Tư liệu Nghị lực sống