Hơn 100 năm qua, bên dòng sông Tiền ngập tràn nắng gió và đỏ nặng phù sa, làng hoa Sa Đéc đã tồn tại và phát triển như xứ sở của hàng nghìn loài “kỳ hoa dị thảo” ở đất phương Nam.
Về làng hoa Sa Đéc (phường Tân Quy Đông, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp), người dân cho biết hoa được trồng quanh năm nên vào bất cứ thời gian nào trong năm du khách cũng có thể đến tham quan, thưởng ngoạn.
Đi giữa làng hoa, du khách sẽ dễ dàng có được cảm giác như đang đắm mình trong không gian thanh bình của vô vàn hương thơm quyến rũ từ hàng ngàn loài hoa, nào là thược dược, tú cầu, lan, cau bình rượu, rồi mai chiếu thủy, tùng Nhật, vạn thọ Pháp…, nào là dâm bụt, ớt kiểng mãn đình hồng, cúc kim… trải rộng khắp nơi và cùng nhau đua sắc, khoe hương. Không những thế, làng hoa Sa Đéc còn như một thế giới của hoa hồng khi có trên 50 giống hoa hồng như: hồng nhung đỏ thắm, hồng Grada tím sen, hồng Cleopatre màu hồng phấn, hồng Masseille màu trắng, hồng Elizabet phơn phớt hồng, hồng Maccasa màu cam… Đặc biệt, một điều khác biệt của làng hoa Sa Đéc là hoa ở đây được trồng trên giàn cao, không phải trồng chậu như những nơi khác, phía dưới là nước từ rạch chảy vào. Anh Trần Văn Tâm, chủ một vựa hoa giải thích, thường hoa Tết ở đây xuống giống từ giữa năm, vào mùa nước nổi, nên nhà vườn phải lập giàn để đưa hoa lên cao. Lâu rồi thành lệ, những giống hoa gieo vào vụ tiếp sau đó cũng được cho lên giàn. Và hình ảnh người trồng hoa đứng trên thuyền nhẹ lướt đi chăm sóc hay thu hoạch bên những giàn hoa trên cao đã trở thành hình ảnh độc đáo chỉ có ở làng hoa Sa Đéc.
Làng hoa Sa Đéc đã có hơn 100 năm.
Cúc mâm xôi, một "đặc sản" của làng hoa Sa Đéc.
Tưới nước cho hoa.
Hoa mào gà được trồng trong những chiếc sọt tre nhỏ.
Hoa đến kỳ thu hoạch.
Hoa Sa Đéc được chuyển đi bán ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Thương lái các tỉnh đến thu mua hoa.
Du khách tham quan làng hoa Sa Đéc. |
Hoa Sa Đéc được chia làm hai loại: hoa Tết và đồ lỡ. Hoa Tết thì quá phổ biến với mọi người nhưng cái tên còn lại là “đồ lỡ” thì nghe thật lạ. Anh Nguyễn Đức Thọ, Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Quy Đông cho biết, thời gian trước, làng hoa thường trồng những loài hoa phục vụ Tết như cúc mâm xôi, cúc Đài Loan, cúc Tiger, hoa hồng, thược dược... Sau mùa Tết, người nông dân còn trồng xen những loại ngắn ngày như dừa cạn, mười giờ, trâm ổi, bông trang, diễm châu, cỏ nhung, quỳnh anh, vạn thọ Pháp... Vì vậy cái tên “đồ lỡ” ra đời với ý nghĩa là hàng hoa lúc lỡ mùa lỡ vụ.
Hơn một thế kỷ trôi qua, niềm đam mê lẫn tình yêu hoa kiểng của con người Sa Đéc đã kết tinh với khí hậu, thổ nhưỡng vùng đồng bằng châu thổ khiến cho làng hoa nơi đây trở thành vựa hoa kiểng lớn nhất vùng đất Nam bộ. Quanh năm hoa nở, làng hoa Sa Đéc dường như có cả 4 mùa xuân trong năm với mô hình trồng hoa, cây kiểng tập trung và đã thu hút hàng chục nghìn lượt khách du lịch về đây thăm thú. Điều quan trọng là việc trồng hoa đã mang lại lợi nhuận và góp phần đáng kể trong việc nâng cao đời sống cho người dân khi 1ha hoa kiểng có thể mang lại thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng một năm. Hiện tại, làng hoa Sa Đéc còn là một thương hiệu du lịch, một điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước mỗi dịp về với đồng bằng sông Cửu Long.
Dạo quanh làng hoa Sa Đéc trong dịp Tết đến xuân về, chúng tôi cảm nhận dưới bàn tay điêu luyện qua nhiều thế hệ người trồng hoa nơi đây, làng hoa như trở thành một kỳ tích của thiên nhiên mang sắc thái độc đáo trên vùng sông nước Nam bộ. Theo anh Thọ, với chỉ khoảng 100 hộ trồng hoa kiểng vào năm 1975, sau gần 40 năm, làng hoa Sa Đéc đã có hơn 1.200 hộ trồng hoa kiểng trên tổng diện tích 212,4ha gồm khoảng 1.000 chủng loài hoa. Ngày ngày, người dân vẫn cần mẫn làm đất, chăm sóc từng chậu hoa, luống hoa, rồi tưới tắm cho hoa, để hàng triệu, hàng triệu bông hoa cứ thế sinh sôi và khoe sắc. Từ con rạch Sa Nhiên chảy qua làng hoa thông ra sông Tiền, hoa Sa Đéc lại theo xe, thuyền tỏa đi khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, rồi lên Tp. Hồ Chí Minh ra miền Trung, Tây Nguyên, miền Bắc… hoặc xuất sang tận các nước bạn láng giềng như: Lào, Campuchia, Trung Quốc…, mang theo hương sắc của đất trời phương Nam./.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Lê Minh