Kinh tế

Làm giàu từ cây lúa

Từ chỗ quanh năm “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, trồng lúa chỉ đủ ăn, nhờ những tiến bộ về khoa học và đặc biệt là sự mạnh dạn đổi mới trong tư duy nông nghiệp, nhiều nông dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giờ đã biết vươn lên làm giàu và trở thành những “ông chủ” lớn về lúa gạo.

Theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, nông dân Nam bộ muốn vươn lên làm giàu từ tiềm năng lúa gạo dứt khoát phải áp dụng khoa học kĩ thuật trong thâm canh như chọn lựa và cải tạo giống, cơ giới hóa đồng ruộng và đặc biệt là phải có điều kiện tích tụ ruộng đất để tập trung sản xuất lớn theo hướng hàng hóa.
Những năm gần đây, đặc biệt là khi chính sách “tam nông” (nông nghiệp, nông dân và nông thôn) bắt đầu đi vào cuộc sống thì tư duy trồng lúa của người nông dân ĐBSCL cũng đã có nhiều thay đổi. Nhiều tỉnh như An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu… bắt đầu xuất hiện những mô hình sản xuất lúa hàng hóa theo hướng tập trung, có sự đầu tư lớn về vốn, công nghệ, và đặc biệt là việc mở rộng diện tích canh tác bằng nhiều hình thức khác nhau như mua lại ruộng đất của người khác hoặc cùng nhau góp vốn để làm ăn...


Thu hoạch lúa bằng máy gặt hiện đại. Ảnh: Kim Sơn

Cánh đồng lúa trên vùng đất đã cải tạo phèn của Sáu Đức. Ảnh: Hữu Thành

Nhộn nhịp mùa thu hoạch lúa. Ảnh: Kim Sơn

Vận chuyển lúa sau thu hoạch bằng thuyền. Ảnh: Hữu Thành

Kho gạo xuất khẩu của gia đình Sáu Đức. Ảnh: Hữu Thành

Nói đến chuyện nông dân làm giàu từ cây lúa chúng tôi lại nhớ tới câu chuyện anh Sáu Đức, người được mệnh danh là “chúa đất” ở An Giang, một nông dân nổi tiếng khắp vùng Tứ giác Long Xuyên. Anh Sáu Đức tên thật là Nguyễn Lợi Đức, người ở ấp Ninh Phước, xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

“Nhờ chủ trương giao đất, cho phép nông dân được khai hoang mở rộng diện tích sản xuất và chính sách miễn thuế của nhà nước nên cơ ngơi đồng lúa của tôi mới được như ngày hôm nay”
Anh Nguyễn Lợi Đức (tức Sáu Đức).

Hôm gặp nhau, anh Sáu Đức kể rằng: ”Hồi còn ở quê (xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang - PV), đang làm nghề nuôi cá bè ngon lành tôi bỗng đổi ý muốn quay qua làm ruộng. Nhiều người hay tin tôi bỏ vốn đầu tư vô vùng đất hoang hóa nhiễm phèn này đều bảo tôi bị khùng, khác nào đem tiền đi đốt. Nhưng ai nói cứ nói, tôi cứ đi theo con đường của mình…”. Thế rồi Sáu Đức đem hết vốn liếng, đùm túm vợ con kéo nhau vô vùng phèn chua nước mặn, nơi nổi tiếng là “muỗi kêu như sáo, đỉa lội tựa bánh canh” để thực hiện giấc mơ làm giàu của mình.
Sáu Đức bắt đầu cơ nghiệp bằng việc cải tạo vùng đất phèn đỏ quạch, mặt nước đóng váng phèn cứng tới nỗi con kiến bò qua còn được. Không theo cách làm cũ của những người đi trước, Sáu Đức cất công lên Phòng nông nghiệp huyện, rồi tìm tới tận Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long để xin tài liệu và nhờ các kĩ sư, chuyên gia nông nghiệp tư vấn cách canh tác lúa trên đất phèn. Kiên trì thi gan với đất trong mấy năm liền, cuối cùng Sáu Đức cũng thuần hóa được vùng đất phèn để trồng lúa.
Trồng được lúa rồi, Sáu Đức lại tính tới chuyện mở rộng diện tích để canh tác, nhưng ngặt một nỗi là hồi đó nhà nước chỉ cho phép mỗi hộ chỉ được canh tác 3ha. Không chịu bó tay, anh tìm cách “lách luật” bằng cách mua thêm đất rồi nhờ anh em, bà con họ hàng đứng tên giùm. Sáu Đức nghĩ rằng, sau này thế nào nhà nước cũng mở rộng hạn điền, tạo điều kiện cho nông dân phát huy hết khả năng mở rộng sản xuất. Nghĩ vậy nên anh mạnh dạn đầu tư, ai bán thì mua, miễn đất liền canh liền cư đặng dễ bề làm bờ bọng, xẻ kênh mương. Thời đó, nhiều người sợ đất phèn “bỏ của chạy lấy người” nên nhờ đó anh mua được khá nhiều đất rẻ.
Năm 1988, tỉnh An Giang là tỉnh đi đầu ở đầu bằng Sông Cửu Long thực hiện chính sách “hút dân” với nội dung: Giao đất ruộng và đất núi hoang hóa cho gia đình và tập thể, xóa khái niệm “xâm canh”, cho phép nông dân trong tỉnh được khai hoang, phục hóa và miễn thuế theo chính sách. Ai có vốn, lao động thì cho nhận đất để sản xuất với diện tích rộng và thời gian dài”. Được đà, anh tiếp tục mua thêm đất, mở rộng diện tích canh tác. Cứ mỗi năm anh có thêm 15 đến 20ha. Thậm chí anh còn mua luôn cả một khu đất của nhà nước bán đấu giá rộng tới 30ha để tiếp tục chương trình làm giàu trên đất phèn của mình.
Khi có đất ruộng thênh thang gần cả trăm ha, Sáu Đức bước tiếp chương trình “sản xuất lớn” bằng việc vay thêm vốn mua sắm máy cày, máy ủi, máy suốt lúa và đủ thứ đồ cơ khí dùng làm ruộng như lưỡi cày, trang đất, dàn xới... Cho đến hôm nay, ai vô trang trại lúa của Sáu Đức cũng thấy một màu xanh bát ngát, kênh mương thẳng tắp như tranh vẽ. Nghe tiếng ếch nhái kêu khắp đồng, nhìn cá vẫy đuôi tóe nước trên mặt ruộng, ai cũng cảm thấy thèm cái không khí trong lành, trù phú của đồng ruộng. Còn ông chủ Sáu Đức giờ đã có ôtô riêng để đi thăm lúa và giao dịch mần ăn. Thế mới biết, nếu có chí và chịu khó tư duy, người nông dân cũng có thể trở thành tỉ phú nhờ nghề trồng lúa./.

Bài: Hữu Thành - Ảnh: Kim Sơn, Hữu Thành.

Bài: Hữu Thành - Ảnh: Kim Sơn, Hữu Thành.

Hơn 5 tỷ USD xuất khẩu cà phê và bài học về chuỗi cung ứng

Hơn 5 tỷ USD xuất khẩu cà phê và bài học về chuỗi cung ứng

Việt Nam được biết đến là một trong những quốc gia có sản lượng sản xuất, xuất khẩu cà phê Top đầu thế giới. Tuy nhiên, phải mất gần 1 thế kỷ với nhiều chu kỳ tăng trưởng, năm 2024 lần đầu tiên xuất khẩu cà phê vượt mốc 5 tỷ USD. Làm gì để duy trì đà tăng trưởng đó một cách bền vững trong bối cảnh thị trường nhiều biến động khó lường là đề bài mà nhiều doanh nghiệp, ngành hàng trăn trở tìm lời giải cho năm 2025 và những năm tiếp theo.

Top