Thể thao

Kì bí võ sáo Yên Thế

Vùng rừng núi Yên Thế phía Tây Bắc tỉnh Bắc Giang xưa kia non cao hiểm trở, xa cách kinh thành Thăng Long. Trong sử sách thời Lê (1428 - 1527), qua tác phẩm "Dư địa chí", danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi (1428 - 1527) từng ngợi ca về vùng đất thượng võ Yên Thế. Chính tại nơi đây, vào quãng thời gian từ cuối thế kỉ XIX tới đầu thế kỉ XX, cuộc khởi nghĩa Yên Thế của người anh hùng nông dân áo vải Hoàng Hoa Thám đã lưu danh vào sử sách. Và cũng chính tại mảnh đất này đã sản sinh ra một môn võ bí truyền của dân tộc, đó là võ sáo.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, võ sáo (còn gọi là "thiết địch") thuộc loại võ cổ truyền còn ít người biết tới, đậm đà bản sắc dân tộc, đã có từ hàng trăm năm. Sáo vốn là loại nhạc khí tao nhã nhưng khi được nghĩa quân Yên Thế biến thành binh khí thì vô cùng lợi hại, có tính sát thương cao. Vì vậy nó rất được các nghĩa quân Yên Thế sử dụng làm vũ khí tiêu diệt kẻ thù. Trong khởi nghĩa Yên Thế (1884 - 1923), nghĩa quân xưa dùng võ sáo rộng rãi. Trong tay các nghĩa quân Yên Thế, những cây sáo sắt vừa là binh khí, vừa là vật dùng để báo hiệu và truyền tin kkhi có giặc tới.

Vào năm 1990, ngành văn hóa thể thao Bắc Giang tiến hành sưu tầm lại những bài võ sáo cổ truyền đất Yên Thế. Trên quê hương cuộc khởi nghĩa Yên Thế tại bản Rừng Phe, xã Tam Tiền, huyện Yên Thế, đoàn khảo sát điền dã tìm gặp được cụ Triệu Quốc Úy, người dân tộc Tày, võ sư duy nhất nắm giữ được truyền thống võ sáo của cha ông. Cụ Triệu Quốc Uý được người cậu ruột là võ sư Chẩn Đoàn, một nghĩa quân Yên Thế nổi tiếng có tài võ thuật xuất chúng truyền lại cho bài võ sáo.

Thẹo cụ Triệu Quốc Úy, lúc đầu bài võ sáo có tên là "Thiết địch thần phong ngọc tiêu điện khải", tức có nghĩa là cây sáo sắt mạnh như ngọn gió thần với những tiếng sáo du dương huyền diệu. Sau đó bài võ sáo này được đổi tên thành "Bóng trăng Phồn Xương", gắn với địa danh kháng chiến nổi tiếng của nghĩa quân Yên Thế.
 

Võ sư Trịnh Như Quân thổi bài sáo “Bóng trăng Phồn Xương”
bằng cây sáo sắt ""Rồng giun"  dài hơn 2m, nặng 5kg.


Võ sinh trường tiểu học Phồn Xương – Yên Thế trong trang phục và cây sáo tái hiện hình ảnh nghĩa quân Yên Thế xưa.

Vùng núi non Yên Thế - Bắc Giang xưa trùng điệp âm u hiểm trở, chốn tụ hội nhiều anh hùng xả thân vì đại nghĩa dưới bóng cờ thủ lĩnh áo chàm Hoàng Hoa Thám (1846 - 1923). Hành trang chiến đấu xung trận của họ ngoài vũ khí súng ống thuốc nổ còn có nhiều loại binh khí truyền thống như: cung tên, giáo mác. Đặc biệt còn có thêm nhiều loại binh khí đặc dị khác như: đàn, bút, quân cờ tướng, nan sắt, dải lụa, trâm gài đầu... Và sáo sắt cũng chính là một thứ binh khí như thế.
 

Hai võ sĩ trình diễn kĩ thuật dùng sáo sắt chống siêu đao.

Thế võ sáo “Lão hàn du sơn” (Ông già nghèo đi chơi núi).

Thế võ sáo “Đại khôi tinh” (Ngôi sao lớn).

 Thế võ "Tinh băng thiên vũ” (Sao đối ngôi).

Thế võ sáo “Đầm trên nước” (Đá thế hoa sen quỳ).

Thế võ sáo “Thần điểu nghinh phong” (Đại bàng đón gió).
 
Thế võ sáo “Phượng hoàng hạch đỉnh” (Chim phượng hòa bay trên đỉnh núi).

Võ sáo của nghĩa quân Yên Thế như thứ vũ khí chuyển thể của kiếm. Cách sử dụng các đòn thế tương tự phương thức của đao kiếm và loáng thoáng bóng dáng của đoản côn.

Bài võ sáo biến ảo khó lường với những chiêu thức võ thuật tinh diệu kết hợp cùng tiếng sáo du dương. Tiếng sáo khi trầm bổng lúc khoan thai như suối chảy; lúc lại dồn dập, ào ạt đầy quyền uy và sức mạnh. Qua tiếng sáo người nghe cảm nhận được nội lực, khí lực của người thổi sáo. Người luyện võ sáo đến độ tinh thông có thể điều khiển cây sáo sắt theo ý muốn. Vì vậy mà bài võ sáo khi thi triển có thân pháp uyển chuyển, đón thế có lúc ào ạt mạnh mẽ như vũ bão, có lúc lại mềm mại hư ảo như ánh trăng loang loáng trên mặt hồ khiến cho đối phương không thể đoán định được.

Ngày nay, ở Bắc Giang có một người may mắn được thụ giáo và nắm vững được môn võ bí truyền này, đó chính là võ sư Trịnh Như Quân. Được chính võ sư Trịnh Quốc Úy yêu thương và truyền dạy võ công, sau nhiều năm khổ luyện, võ sư Trịnh Như Quân đã nắm bắt tường tận bài võ sáo "Thiết địch thần phong" và "Bóng trăng Phồn Xương" do cụ Triệu Quốc Uý truyền dạy.

Võ sư Trịnh Như Quân nay 59 tuổi, đã phát triển nâng tầm võ sáo đạt đến mức hoàn chỉnh, nhuần nhuyễn và  tinh diệu cả về âm nhạc và võ thuật. Ông cho biết, sáo sắt thời nghĩa quân Yên Thế xưa dài khoảng 65cm - 70cm, nặng 0,4kg như một cây mã tấu. Sáo sắt có thể dùng để đánh, đỡ, đâm... Bình thường, sáo sắt có thể dùng làm nhạc khí, nhưng khi có biến nó trở thành thứ vũ khí lợi hại lúc cương, lúc nhu, uyển chuyển vô cùng.

Sau quá trình mày mò tìm hiểu nghiên cứu, võ sư Trịnh Như Quân đã chế ra những cây sáo sắt đặc biệt hơn, có kích thước và trọng lượng lớn hơn. Ví dụ như cây sáo "Tiêu Tương" dài 1,6m, nặng 4kg; cây sáo "Cõi Thiên Thai" nặng 3,5kg. Đặc biệt, cây sáo "Rồng giun" dài hơn 2m, nặng 5kg có âm thanh chuẩn, có thể hòa tấu cùng dàn nhạc hiện đại.

Bài võ sáo "Bóng trăng Phồn Xương" do võ sư Trịnh Như Quân tiếp thu vốn cổ, truyền dạy lại cho môn sinh từng có mặt tại nhiều sự kiện quan trọng tầm cỡ quốc gia. Năm 1993, võ sư Trịnh Như Quân bắt đầu biểu diễn bài "Bóng trăng Phồn Xương" và võ sáo chính thức được ghi vào "Sổ tay võ thuật toàn quốc". Tháng 6 năm 2008, bộ phim "Võ sáo Yên Thế" nói về võ sư Trịnh Như Quân và các học trò được trao giải Nhì tại "Liên hoan điện ảnh và truyền hình thể thao Quốc tế FICT Việt Nam lần thứ IV". Gắn bó với võ sáo nhiều năm, ông được mọi người quý mến gọ là "Kì sáo Kinh Bắc".

Với niềm đam mê võ thuật, nhất là những thế võ huyền bí của môn võ sáo Yên Thế, võ sư Trịnh Như Quân đã truyền dạy cho nhiều thế hệ trên quê hương anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám môn võ sáo cổ truyền độc đáo của người Yên Thế anh hùng, thượng võ xưa./.
Bài: Vĩnh Hưng - Ảnh: Trần Thanh Giang

Bài: Vĩnh Hưng - Ảnh: Trần Thanh Giang

Jump Arena - Khu vui chơi vận động hấp dẫn ở Hà Nội

Jump Arena - Khu vui chơi vận động hấp dẫn ở Hà Nội

Jump Arena đang trở thành điểm đến không thể bỏ qua cho những người yêu thích hoạt động thể thao và giải trí tại Hà Nội. Với không gian rộng lớn, thiết kế hiện đại cùng hệ thống trò chơi vận động đa dạng, nơi đây không chỉ mang đến những trải nghiệm thú vị cho giới trẻ mà còn là địa điểm lý tưởng cho các gia đình muốn tìm kiếm khoảng thời gian gắn kết đầy năng lượng giữa cuộc sống bận rộn của thủ đô.

Top