Từ 16/8 đến 15/10, tại Nhà truyền thống Tổng Giáo phận số 6 Tôn Đức Thắng, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh diễn ra Triển lãm Chum chóe cổ với mục đích tôn vinh nét văn hóa xưa thông qua những chiếc chum, chóe cổ được sử dụng làm đồ đựng trong sinh hoạt thường ngày của con người.
Hơn 100 chiếc chum, chóe cổ từ những chum đất văn hóa Ðông Sơn hay các chum đất Sa Huỳnh thế kỷ (TK) 5 trước Công nguyên đến chum đất thời Lý, thời Trần, thời Hậu Lê trưng bày tại Triển lãm đã cho thấy sự tài hoa, tinh xảo của con người từ hàng trăm năm trước, như: Chum đời Lý - cao 30cm (TK14), chum đời Trần - cao 30cm (TK16-17), chum đời Lê - cao 40cm (TK16-17); chum đất Khmer (TK13), gốm Bàu Trúc của người Chăm (TK18), chóe rượu của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên (TK19)...
Trong đó, xét về niên đại, món xưa nhất là những mộ chum Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) sản xuất từ cách nay 2.500 năm bằng chất liệu đất đỏ pha nhiều cát và bã thực vật, nhiệt độ nung không cao vì chưa có lò nung, trong khi cách nung truyền thống của người tiền Chăm và người Chăm là để lộ thiên rồi chất rơm, cỏ, trấu đốt để nung. Ngoài ra, mộ chum Sa Huỳnh cũng không có men phủ ngoài, công năng của nó là dùng làm quan tài chôn người chết ở thế ngồi xổm. Tương đương niên đại với những hiện vật thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh là những chum đất nung thuộc nền văn hóa Đông Sơn (Thanh Hóa) với độ nung già hơn, thường có hoa văn hình quả trám (mắt võng). Những chum này thường dùng chứa ngũ cốc hoặc đựng nước uống.
Một góc không gian Triển lãm Chum chóe cổ tại Nhà truyền thống
Tổng Giáo phận số 6 Tôn Đức Thắng, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh.
Triển lãm trưng bày hơn 100 chiếc chum, chóe cổ có niên đại từ thế kỷ 5 trước Công nguyên đến thế kỷ 19.
Từ nền văn hóa Sa Huỳnh, Đông Sơn trải dài theo dòng lịch sử là những hiện vật thuộc nền văn hóa Giao Chỉ (hay Hán Việt) TK1-3, rồi tới thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn… Món chum, chóe cổ có niên đại gần đây nhất được trưng bày là chiếc độc bình lớn thuộc dòng gốm Biên Hòa, men xanh, cốt cứng với niên đại từ 1930 - 1940.
Về nghệ thuật tạo hình, trang trí, chum chóe cổ trưng bày có đủ màu sắc, đường nét, và cả chữ nghĩa… Các hiện vật bằng gốm gồm nhiều loại: có men độc sắc, đa sắc; gốm không men, đất nung… - mỗi cái một hình dáng, kích thước khác nhau, rất hấp dẫn người xem. Qua cách tạo hình và men phủ, các nhà nghiên cứu có thể biết được nguồn gốc, xuất xứ, như: bình có dáng con tiện, men đen, cốt sành là đồ gốm Campuchia từ TK13; những chum đất nung, khối cầu, hoa văn quả trám hay khắc vạch là những sản phẩm thuộc văn hóa Đông Sơn từ TK5 trước Công Nguyên về sau; những chóe rượu cần có nhiều quai, nhiều trang trí hoa lá cành, các hình nổi thú vật là sản phẩm của các lò người Hoa làm bán cho đồng bào Tây Nguyên.
Một số hiện vật chum, chóe cổ trưng bày tại Triển lãm:
Chóe gốm cây mai (TK 19 – 20).
Chum Khmer (TK 13).
Bình gốm gò sành (TK 15).
Chum gốm đời Lê (TK 16 – 17).
Chum gốm đời Lê (TK 16 – 17).
Chum đất Sa Huỳnh dùng làm mộ táng (TK thứ 5 trước Công nguyên).
Chum đất Sa Huỳnh dùng làm mộ táng (TK thứ 5 trước Công nguyên).
Chum đất nung Đông Sơn (TK thứ 5 trước Công nguyên).
Bình gốm men vàng Châu Ổ (TK 19).
Bình gốm Bàu Trúc (TK 18).
Ấm đồng Champa (TK 13).
Thông qua các loại chum chóe cổ, công chúng cũng biết được thành phần xã hội sở hữu nó. Thường những chum chóe đẹp, trang trí công phu là của những người giàu có trong xã hội. Ngược lại, giới bình dân thường dùng những loại đơn giản, bình dị hơn. Ở một số nơi như Tây Nguyên, người ta đánh giá địa vị xã hội qua chum chóe, ví như nhà nào có nhiều chum chóe thì nhà đó là nhà giàu, quyền quý. Có những chóe rượu đổi được 3-4 con trâu, hay sính lễ đám cưới cũng phải có chum chóe, chum chóe đẹp chứng tỏ đám cưới sang trọng…
Với các hiện vật là những chum, chóe cổ đa dạng về mẫu mã, niên đại, công chúng đã có cơ hội được thưởng thức những giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo qua nhiều thời đại khác nhau. Không những thế, chum chóe cổ trưng bày tại Triển lãm còn thể hiện những kỹ thuật về gốm, màu men, hoa văn... của văn hóa xưa, mang đến cho công chúng nhiều khám phá thú vị. Sau khi tham quan các cổ vật là các chum, chóe cổ, bà Phùng Thị Xuân (quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh) nói: “Mong các nhà sưu tập cổ vật ngày càng sưu tầm được thêm nhiều cổ vật hơn nữa để những giá trị văn hóa Việt Nam luôn được bảo tồn và phát huy…”./.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Lê Minh