Bạn bè với Việt Nam

Joachim Heintz đồng hành với nghệ sĩ Việt trình diễn các nhạc cụ truyền thống

Joachim Heintz, một nhạc sĩ người Đức có nhiều sáng tác kết hợp giữa nhạc cụ truyền thống và nhạc điện tử nổi tiếng trên thế giới và được công chúng yêu thích. Mới đây để chuẩn bị thực hiện dự án TRAIECT (Nhạc cụ và điện tử truyền thống châu Á), ông đã kết hợp cùng một số nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn một số chương trình hòa nhạc nhằm giao lưu văn hóa giữa các quốc gia và tôn vinh ý nghĩa của nhạc cụ truyền thống Việt Nam.

Sinh năm 1961, Joachim Heintz vừa dạy sáng tác nhạc điện tử vừa là trưởng phòng thu âm điện tử tại Viện Âm nhạc Mới Incontri thuộc Đại học Âm nhạc, Kịch nghệ và Truyền thông Hanover. Ông là chủ tịch của Hiệp hội Âm nhạc Mới Hannoversche và cứ hai năm một lần ông tổ chức dự án TRAIECT, đây là loại hình kết hợp âm nhạc mới cho nhạc cụ và điện tử truyền thống châu Á được viết bởi các quốc gia và vùng lãnh thổ có nguồn gốc khác nhau (2017 Hàn Quốc, 2018 Iran, 2020 Đài Loan). Năm 2022, ông sang Việt Nam chuẩn bị dự án TRAIECT cho các nhạc cụ Việt Nam.

Nghệ sĩ Lương Huệ Trinh đã mời nhạc sĩ Joachim Heintz  tham gia đêm hòa nhạc "Tích tịch tình tang". Từ đây cũng là cơ duyên để ông tìm hiểu về âm nhạc, các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam, qua đó lựa chọn một số nghệ sỹ biểu diễn nhạc cụ truyền thống cũng như nhạc sỹ Việt Nam tham gia vào dự án TRAIECT. Theo Dự án này, nghệ sĩ Việt Nam sẽ được mời sang Đức diễn những bản nhạc sáng tạo mà hai bên sẽ cùng nhau sáng tác cho nhạc cụ truyền thống Việt Nam kết hợp âm nhạc điện tử Đức.

Nhạc sĩ Joachim Heintz có nhiều sáng tác kết hợp giữa nhạc cụ và điện tử. Ảnh: Trần Thanh Giang
Hai năm một lần, Joachim Heintz thực hiện dự án TRAIECT kết hợp nhạc cụ và điện tử.
Hiện ông đang chuẩn bị dự án TRAIECT cho nhạc cụ Việt Nam. Ảnh: Trần Thanh Giang
Buổi nói chuyện là những chia sẻ của nhạc sĩ Joachim Heintz xoay quanh việc kết hợp giữa nhạc cụ và điện tử.
Ảnh: Trần Thanh Giang

Đêm Hòa nhạc ứng tác “Tích tịch tình tang” vừa diễn ra tại Viện Goethe (Hà Nội) là một chương trình tuyệt vời, nơi thăng hoa cảm xúc biểu diễn của nhạc sĩ Joachim Heintz với các nghệ sĩ Việt Nam như: Hà Thúy Hằng (nhạc sĩ), Nguyễn Thị Thùy Linh (ca trù), Lương Huệ Trinh ((nhà soạn nhạc đa phương tiện và nghệ sĩ biểu diễn ứng tác), Ngô Trà My (hoạt động ở nhiều lĩnh vực như giảng dạy, biểu diễn, nghiên cứu âm nhạc truyền thống, đương đại và thể nghiệm). Ông đánh giá cao tài năng của các nghệ sĩ Việt Nam khi cùng tương tác với nhạc sĩ trên sân khấu.

Các tiết mục mà nghệ sỹ Joachim Heintz tham gia đều là ứng tác. Âm nhạc ứng tác là sự kết hợp của kinh nghiệm và kỹ năng, của sự tĩnh lặng và nhạy cảm, nghĩa là các nghệ sỹ có thể chuẩn bị một số mẫu âm thanh cơ bản trên nhạc cụ hoặc máy tính nhưng không ai tiên đoán được việc khi nào sẽ chơi âm thanh cụ thể gì và trong khoảnh khắc nào. Ngày nay, nhiều nhạc sỹ sáng tác đồng thời là nghệ sỹ biểu diễn và ngược lại. Những khúc nhạc ứng tác thể hiện chân thật nhất cá tính âm nhạc của người nghệ sỹ bởi thời gian không cho phép họ chỉnh sửa tác phẩm như khi làm việc trong studio. Âm nhạc ứng tác là một chuyến đi đầy háo hức bởi cả nghệ sỹ lẫn thính giả đều khó có thể tiên đoán một cách chính xác điều gì sẽ diễn ra tiếp theo. Joachim viết ra một phần mềm có tên "Alma", được sử dụng trên máy cho việc chơi nhạc ứng tác. Ông thu nhận tín hiệu âm thanh từ các nhạc cụ và xử lý chúng trên máy tính bằng "Alma". Sau đó, các âm thanh đã xử lý này được phát ra loa như một nguồn âm thanh mới. 

Nghệ sĩ Lương Huệ Trinh chia sẻ:  Joachim là một nhạc sỹ và nghệ sỹ biểu diễn có bề dày kinh nghiệm và là một người nội tâm, thích quan sát. Bởi thế, âm nhạc của ông chứa đầy sự tinh tế. Ông tinh lọc các âm thanh và chơi nhạc một cách tiết chế, không lan man. Ông lắng nghe các bạn diễn một cách cẩn trọng và đưa ra "tiếng nói" của mình bằng âm thanh ở những thời khắc đắt giá. Các nghệ sỹ Việt Nam tham gia đêm nhạc "Tích Tịch Tình Tang..." đã rất thích thú và được gây cảm hứng bởi phần biểu diễn của ông.

Âm nhạc ứng tác trong chương trình là một chuyến đi đầy háo hức bởi cả nghệ sỹ lẫn thính giả đều khó có thể tiên đoán một cách chính xác điều gì sẽ diễn ra tiếp theo. Ảnh: Tư liệu
Buổi hòa nhạc "Tích tịch tình tang" với không gian là sự kết hợp hài hòa giữa âm thanh và ánh sáng. Ảnh: Tư liệu
Buổi biểu diễn hòa nhạc "Tích tịch tình tang" thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả. Ảnh: Tư liệu

Trong buổi hòa nhạc "Tích Tịch Tình Tang", Joachim đã mang lại cho các nghệ sỹ và khán giả ở Việt Nam một cái nhìn khác về âm nhạc điện tử. Âm nhạc điện tử không đồng nghĩa với việc chơi nhạc một cách ồn ã mà nó còn có thể mang lại một không gian tĩnh thông qua những âm thanh li ti và tinh tế. Nhạc điện tử cũng không phải chỉ sử dụng các đoạn nhạc thu sẵn hay các âm thanh máy móc, khô cứng mà thông qua góc nhìn và thẩm mỹ của từng nghệ sỹ, nó còn có thể đưa ra nhiều màu sắc và tính chất âm nhạc khác nhau từ nguồn tín hiệu nhận được của các nhạc cụ.

Nhạc sĩ Joachim Heintz cho biết, năm 2022, ông chọn Việt Nam để thực hiện dự án TRAIECT- hướng đến sự gặp gỡ giữa nhạc đương đại (bao gồm nhạc điện tử) và các nhạc cụ truyền thống Việt Nam với mong muốn được lan tỏa giá trị văn hóa của âm nhạc truyền thống Việt cùng với tài năng của các nghệ sĩ Việt Nam. Đây cũng là sân chơi âm nhạc để các nghệ sĩ Việt Nam và Đức cùng thăng hoa trên sân khấu với những tìm hiểu, thẩm thấu của nhạc sĩ hai quốc gia Việt Nam- Đức để cùng nhau sáng tác và tìm ra những trải nghiệm âm nhạc thú vị và độc đáo khi kết hợp âm nhạc điện tử với các nhạc cụ truyền thống Đông Nam Á.

Joachim Heintz đã cùng với dự án TRAIECT thực hiện tại nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Iran và hi vọng sắp tới thực hiện tại Việt Nam nhạc sĩ người Đức này cũng sẽ cùng các nghệ sĩ Việt Nam tạo nên một dấu ấn văn hóa của âm nhạc hai quốc gia Việt Nam-Đức./.

Bài: Bích Vân - Ảnh: Thanh Giang, Tư liệu


Top