Thể thao

Hung hiểm câu liêm

Trong số các loại binh khí của võ thuật cổ truyền Việt Nam xuất thân từ nông cụ không thể không nhắc đến câu liêm, đó chính là cây lưỡi liềm dùng để gặt lúa hay cắt cỏ mà hầu hết người nông dân nào cũng mang theo bên mình mỗi khi ra đồng ruộng. Với đặc thù về hình dáng và các đòn thế sử dụng đặc trưng, chiếc liềm trở thành một binh khí vô cùng hiểm hóc khi dùng để tấn công đối phương.
Câu liêm có hình cấu tạo về hình dáng rất đặc trưng đó là một lưỡi dao răng cưa cong như hình bán nguyệt hoặc hình trăng khuyết, một đầu có chuôi cầm, đầu còn lại có mũi nhọn. Câu liêm được xếp vào loại binh khí ngắn trong hệ thống võ thuật cổ truyền Việt Nam với chiều dài linh động từ 20-50cm. Khi người người nông dân ra đồng lao động, chiếc liềm dắt theo bên mình rất thuận tiện, và trở thành một binh khí để phòng thân khi gặp phải thú dữ, cướp giật. Nhiều bài võ được hình thành từ loại nông cụ này, có bài võ chỉ dụng một cái liềm (đơn liêm), có võ sư sử dụng hai cái liềm cầm ở hai tay (song liêm) đã tạo nên sự đa dạng và độc đáo cho bài võ từ binh khí này.
    
Theo võ sư Hà Thị Yến Oanh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền Tp. Hồ Chí Minh, do xuất thân từ cây liềm nên kỹ thuật của bài võ này được các võ sư sáng tạo, phát triển dựa trên các động tác cơ bản của người nông dân sử dụng trên đồng ruộng. Theo đó, những đòn thế đặc trưng của câu liêm bao gồm: móc, khóa, gặt, cứa, mổ, cắt. Là loại binh khí ngắn, gắn liền với cơ thể người sử dụng nên câu liêm tỏ ra hết sức hữu hiệu trong việc chiến đấu ở cự ly gần. Các võ sư nhận định, ở cự ly gần, câu liêm phát huy được tính linh hoạt trong cả tấn công lẫn phòng thủ. Khi áp sát đối phương, với cặp câu liêm trên tay, người võ sinh có thể sử dụng những đòn móc, khai thác thế mạnh của chiếc móc nhọn, sắc bén ở đầu câu liêm để hạ gục đối phương.
    


Từ chiếc liềm (câu liêm) gặt lúa vốn là một nông cụ quen thuộc của người nông dân đã trở thành một binh khí vô cùng độc đáo của Võ cổ truyền Việt Nam.


Để sử dụng binh khí câu liêm được thành thục đòi hỏi các võ sinh phải có võ công 
cơ bản, phải luyện tập từng bước từ đơn giản đến nâng cao.


Nữ võ sư Hà Thị Yến Oanh (môn phái Thanh Long võ đạo) hướng dẫn môn sinh tập luyện với binh khí câu liêm.


Vì binh khí lưỡi liềm có cấu tạo khá đặc biệt với hình dạng cong như vầng trăng khuyết,
một đầu có cán và lưỡi có răng cưa nên cách cầm nắm binh khí này cũng đặc biệt.


Có bài võ sử dụng tới 2 chiếc liềm, trong ảnh là bài “Nhật nguyệt song liêm” của môn phái Tân Khánh – Bà Trà (Takhado).


Động tác lật cổ tay móc lưỡi liềm từ trong ra ngoài vô cùng hiểm hóc.


Động tác kéo lưỡi liềm sang ngang mô phỏng theo động tác dùng liềm cắt lúa.


Dùng câu liêm tấn công vào phần thấp của đối phương, vừa tấn công vừa phòng thủ tránh sơ hở.


Động tác kéo câu liêm từ sau ra trước mô phỏng theo động tác của người nông dân dùng chiếc liềm trong lao động.


Với cấu tạo như vầng trăng khuyết có lưỡi răng cưa, câu liêm có động tác cứa vào chân đối phương để tấn công vô cùng hung hiểm.


Động tác tấn công vào cổ vô cùng lợi hại của chiếc liềm.

Cùng với sự uyển chuyển, linh hoạt trong thân pháp, võ sinh sử dụng câu liêm cũng dễ dàng gây sát thương lớn cho đối phương bằng những đòn gặt, móc vào phần chân, tay, thậm chí cổ... Hơn thế, dựa trên sự gọn gàng trong hình thể, câu liêm trở thành cánh tay nối dài của người sử dụng. Người võ sinh sử dụng câu liêm có thể thi triển các đòn khóa tay, chân, cổ, rồi nhanh chóng hạ gục đối phương bằng đòn cứa rất linh hoạt tại những vị trí hiểm yếu trên cơ thể. Trong phòng thủ, câu liêm cũng sử dụng những kỹ thuật trên để hóa giải đòn đánh của đối thủ rồi bất ngờ nhập nội tấn công chớp nhoáng.
    
Tuy nhiên, để có thể sử dụng thành thạo, thi triển được hết tinh túy của câu liêm, võ sinh phải trải qua quá trình luyện tập nghiêm túc từ những bước cơ bản. Hiện nay, nhiều môn phái võ thuật cổ truyền Việt Nam cũng đang luyện tập, phát triển bài võ sử dụng câu liêm.
    
Môn phái Thanh Long võ đạo, Võ lâm Tân Khánh Bà Trà (Tp. Hồ Chí Minh) là những môn phái có nhiều môn sinh sử dụng chiếc câu liêm trong bài võ của mình một cách thuần thục và đẹp mắt. Trong số đó, không ít người đã biểu diễn bài võ câu liêm trên sân khấu, lễ hội văn hóa – thể thao, võ đường ngoại quốc tại các dịp liên hoan võ thuật quốc tế hay giao lưu võ thuật cổ truyền..., tất thảy đều nhận được sự tán dương xen lẫn bất ngờ của người xem.
    
Theo thời gian, lưỡi liềm từ hình thức đến chất liệu được biến thể để phù hợp với mục đích sử dụng như: tập luyện, biểu diễn,…. Tuy nhiên, về cơ bản, hình thức của chiếc câu liêm trong bài võ của hệ thống võ thuật cổ truyền Việt Nam vẫn giữ nguyên nét cơ bản của lưỡi liềm gặt lúa lẫn sự hiểm hóc mà nông cụ này mang lại./.

 
Bài & ảnh: Sơn Nghĩa


Top