Khám phá

Học làm giấy dó ở Hòa Bình

Nghề làm giấy dó ở Hòa Bình đã có từ rất lâu. Theo bà con dân tộc Mường kể lại đây là nghề cha truyền con nối. Xưa kia, giấy dó ở đây làm ra để làm sắc phong, in sách, văn khấn… Hiện nay, du lịch về làng giấy dó Suối Cỏ, Hòa Bình là một trải nghiệm hoàn toàn mới giúp du khách hiểu rõ hơn về nghề thủ công truyền thống của người dân nơi đây.
Vào năm 2013, bắt nguồn từ tình yêu với giấy dó, sự tâm huyết đối với việc bảo tồn và gìn giữ văn hóa dân tộc cùng với thực trạng đáng buồn khi mà nghề làm giấy dó đang dần mai một do không có thị trường cho sản phẩm giấy dó thủ công đã thôi thúc chị Trần Hồng Nhung và nhóm cộng tác viên khởi dựng dự án Zó Project với mong muốn bảo tồn và phát triển làng nghề giấy thủ công truyền thống của Việt Nam theo hướng phát triển bền vững.

Trong Zó Project, việc cho mọi người tận mắt khám phá phương pháp làm giấy dó thủ công là một yếu tốt rất quan trọng để phát triển làng nghề bền vững. Ngay từ khi thành lập, Zó Project đã cho mở những hành trình du lịch về làng giấy dó Suối Cỏ, Hòa Bình (Chủ nhật hàng tuần) và thu hút rất đông du khách tới tham gia.



Cây Dướng nguyên liệu làm ra giấy dó của người Mường.


Những cây Dướng đến thời kỳ thu hoạch sẽ được loại bỏ lá và chỉ giữ lại phần thân cây để làm giấy dó.


Sau khi thu hoạch, cây Dướng sẽ được đem ra suối ngâm khoảng 3 ngày để giúp làm mềm thân cây.


Cây Dướng sau khi đun sẽ được mang ra đập nhuyễn để tạo thành bột giấy.


Chị Hoàng Thị Hậu hướng dẫn du khách cách xeo giấy.


Chị Stephanie Martinelli (du khách người Mỹ) trải nghiệm phương pháp xeo giấy thủ công.


Du khách được các nghệ nhân hướng dẫn làm ra sản phẩm giấy dó kết hợp hoa văn từ cỏ, cây, hoa, lá...
Đây là một sản phẩm giấy dó mới của tổ sản xuất giấy dó thủ công thôn Suối Cỏ, Hòa Bình.


Những khung xeo giấy nhỏ được chuẩn bị riêng để du khách dễ dàng thao tác những công đoạn làm giấy dó.


Những tờ giấy dó sau khi đã được xeo sẽ được đem phơi nắng để làm khô giấy.


Cây Cẩm Hồng là loại cây mọc tự nhiên, phát triển mạnh ở Hòa Bình.
Loại cây này được người làm giấy dó sử dụng để nhuộm giấy dó thành màu hồng.


Anh Javier Rodriguez (du khách người Mỹ) thích thú khi tự tay hoàn thành sản phẩm giấy dó.


Hai du khách người Mỹ thích thú với những sản phẩm giấy dó do chính tay mình làm ra.

Dừng xe ở đầu thôn, theo dòng suối trong lành và mát lạnh nằm ngay ven thôn Suối Cỏ, đi qua những ngôi nhà sàn của người Mường, chúng tôi đến thăm tổ sản xuất giấy dó thủ công thôn Suối Cỏ. Tại đây, có khoảng 10 người thợ thực hiện những công đoạn làm ra những tờ giấy dó thủ công. Với khuôn mặt tươi vui, niềm nở nghệ nhân Nguyễn Văn Chúc, tổ trưởng sản xuất giấy dó thủ công thôn Suối Cỏ đã nhiệt tình hướng dẫn cho chúng tôi những công đoạn làm ra tờ giấy dó truyền thống như: khai thác nguyên liệu, đun cây nguyên liệu, xeo giấy…

Sau khi đã khám phá những công đoạn làm giấy dó truyền thống đoàn chúng tôi tiếp tục được những thành viên trong dự án Zó Project giới thiệu, hướng dẫn cách làm ra những sản phẩm mới lạ từ giấy dó như: tạo hoa văn cho giấy dó khi xeo giấy, làm đồ trang trí… Đây là sáng kiến mới của dự án nhằm tạo thêm những sản phẩm hấp dẫn từ giấy dó.

Theo đoàn chúng tôi về làng nghề giấy dó Suối Cỏ, Hòa Bình có anh Javier Rodriguer người Mỹ. Anh cho biết mình chuyển tới sinh sống và làm việc ở Việt Nam đã được 5 năm. Trong thời gian này anh rất thích đi khám phá những nghề truyền thống của Việt Nam. Ở nước Mỹ không có nghề làm giấy thủ công như thế này. Sau khi tham gia hành trình này anh đã có những trải nghiệm bổ ích khi được khám phá đời sống của người dân nơi đây và  tự tay làm ra những tờ giấy dó độc đáo.

Hành trình 1 ngày về làng nghề làm giấy dó Suối Cỏ, Hòa Bình là một trải nghiệm đầy thú vị mà người dân nơi đây dành cho du khách. Với những đôi bàn tay khéo léo của những người thợ đã tạo nên những tờ giấy dó mang đậm bản sắc của người Việt./.



Với mục đích đẩy mạnh đầu ra cho sản phẩm giấy dó truyền thống, Dự án Zó Project
và tổ sản xuất giấy dó thủ công thôn Suối Cỏ, Hòa Bình đã tạo ra nhiều sản phẩm mới dựa trên chất liệu giấy dó truyền thống.


Sản phẩm bông tai được làm từ giấy dó truyền thống của tổ sản xuất giấy dó thủ công thôn Suối Cỏ, Hòa Bình.


Những cuốn sổ tay được làm từ giấy dó.


Sản phẩm tranh vẽ trên giấy dó.


Những chiếc quạt làm từ giấy dó.


Du khách khám phá khu trưng bày những sản phẩm từ giấy dó Hòa Bình trên phố Trần Phú, Hà Nội
của dự án Zó Project và bà con thôn Suối Cỏ.

Giấy dó ra đời vào thế kỉ 13, là một sản phẩm thủ công truyền thống nổi tiếng gắn liền với những làng nghề truyền thống ở Việt Nam như: Tranh Đông Hồ, Tranh Làng Sình…
Giấy dó có đặc tính sốp nhẹ, bền dai, không nhòe khi viết, vẽ, ít bị hỏng nát. Cây Dướng là nguyên liệu chính để làm giấy dó ở Suối Cỏ vì nó có nhựa và độ dai giúp giấy dó chắc và có độ bền.
Liên hệ du lịch: Lê Hồng Kỳ: 01684.329.379 - Email: zoproject.edu@gmail.com
Chi phí: 600.000đ/ người/ ngày
 
Bài và ảnh: Tất Sơn

Khám phá Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Khám phá Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Nằm khu vực Đại lộ Thăng Long (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là công trình trưng bày hơn 150.000 hiện vật, chứng tích lịch sử vô giá về những cuộc chiến tranh ở Việt Nam (đặc biệt là 2 cuộc chiến chống thực dân và đế quốc) nhằm giúp du khách tham quan tìm hiểu kỹ hơn về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc đầy tự hào của quân và dân ta.

Top