Khám phá

Hoàng thành Thăng Long qua Mộc bản triều Nguyễn

Di sản Văn hóa thế giới – Hoàng thành Thăng Long mang trong mình giá trị nghệ thuật kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, tầm nhìn quy hoạch đô thị của các bậc đế vương. Những thông tin từ tư liệu Mộc bản triều Nguyễn cùng những dấu tích còn lại trong hoàng thành đã bổ trợ, tái hiện một phần về kinh thành Thăng Long xưa là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, của đất nước hơn 100 năm qua.
Tại Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 2, mặt khắc 2, năm 1010, vua Lý Công Uẩn chiếu rằng: “... Tháng 7, mùa thu, vua Lý Công Uẩn cho dời kinh đô Hoa Lư đến Đại La thành. Khi thuyền ngự đến bên thành, có con rồng hiện ra. Nhà vua sai đổi tên là thành Thăng Long”.

Sau khi dời đô về Thăng Long, vua Lý Công Uẩn cho khởi công xây dựng các cung điện như: điện Kiền Nguyên dùng làm chỗ coi chầu, điện Tập Hiền và điện Giảng Vũ  đều có thềm rồng, điện Long An và điện Long Thuỵ làm chỗ nhà vua nghỉ ngơi. Hai cung Thúy Hoa và Long Thuỵ để cho các phi tần ở, xây thành, đào hào.



Bản khắc ghi nội dung Trương Chu cho sửa lại thành Đại La vào năm Mậu Tý (808).


Di sản tư liệu thế giới, bản khắc Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ năm 1010.


Bản khắc ghi nội dung vua Lý Thái Tổ cho khởi công xây dựng các cung điện và các cửa thành Thăng Long, năm 1010.


Bản khắc ghi nội dung vua Lý Công Uẩn cho sửa chữa kinh thành Thăng Long vào năm Giáp Tý (1024).


Bản khắc ghi nội dung vua Lý Thánh Tông cho xây tháp Báo Thiên, năm Đinh Dậu (1057).


Bản khắc Vua Trần Thái Tông cho dựng cung, điện, lầu, các
và nhà lang vũ ở hai bên phía đông, tây thành Thăng Long, năm Canh Dần (1230).


Bản khắc ghi nội dung vua Trần Thái Tông cho xây thành Long Phượng, năm Quý Mão (1243).


Bản khắc vua Lê Thái Tổ cho đổi Đông Đô làm Đông Kinh (thành Thăng Long), năm Canh Tuất (1430).


Những chữ được khắc vẫn còn rất rõ nét trong Bản khắc vua Lê Thái Tổ
cho đổi Đông Đô làm Đông Kinh (thành Thăng Long), năm Canh Tuất (1430).


Bản khắc ghi nội dung vua Lê Thánh Tông cho sửa điện Kính Thiên, năm Ất Dậu (1465).


Bản khắc ghi nội dung vua Gia Long cho đổi tên thành Thăng Long (mang nghĩa rồng bay lên) năm Ất Sửu (1805).


Bản khắc ghi nội dung vua Minh Mệnh cho xây dựng lầu Tĩnh Bắc ở phía bắc hậu điện hành cung Bắc thành, năm Tân Tỵ (1821).

Tại Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 3, mặt khắc 1, 2, ghi chép về việc vua Lý Thánh Tông cho xây tháp Báo Thiên vào năm 1057 (hay còn gọi là tháp Đại Thắng Tự Thiên) như sau: “ Tháp cao vài chục trượng, theo kiểu 12 tầng”.

Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: “Đến năm Canh Dần (1230), vua Trần Thái Tông cho mở rộng phía ngoài thành Đại La, bốn cửa thành giao cho quân Tứ sương thay phiên nhau canh giữ. Năm 1243, Vua cho trùng tu Quốc Tử Giám”.

Tại Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên, quyển 2, mặt khắc 10, chép về việc nhà Trần cho đổi tên Thăng Long thành Đông Đô.


Di sản Văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long.


Sinh viên các trường đại học ở Hà Nội tìm hiểu về Hoàng thành Thăng Long qua mộc bản triều Nguyễn.


Quang cảnh triển lãm “Hoàng thành Thăng Long trong Mộc bản triều Nguyễn” diễn ra tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.


Một bạn trẻ Hà Nội say mê chiêm ngưỡng những mộc bản được trưng bày ở đây.


Có những bạn dừng lại rất lâu để ngắm nhìn bản khắc Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ năm 1010.


Nhiều du khách còn chụp lại ảnh những bản dập mộc bản để lưu trữ.



Một số dụng cụ để chế tác và in ấn mộc bản. 


Ván khắc bằng gỗ thị.


Một trong những bản dập mộc bản được Trung tâm Lưu trữ quốc gia 4 lưu giữ.



Một số dụng cụ dập in mộc bản lên giấy dó và mực in.


Những bộ sách chính sử được in ấn từ mộc bản triều Nguyễn như
Đại Việt Sử ký Toàn thư và Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục.

Dưới triều Lê - Mạc, Hoàng thành Thăng Long được xây dựng và tu sửa thêm, Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên, quyển 19, mặt khắc 32 ghi chép: “Vào 1428, vua Lê Thái Tổ cho xây dựng điện Vạn Thọ, điện Kính Thiên và điện Cần Chính”.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 24, mặt khắc 4 có ghi chép, “Năm 1819, vua Gia Long cho tu sửa thành Thăng Long, sai 5.300 người ở Ngũ quân và Tượng quân ở Bắc Thành sung vào làm việc”./.
 
Mộc bản triều Nguyễn được tạo ra trong quá trình hoạt động của Quốc sử quán triều Nguyễn gồm 34.618 tấm, là những văn bản chữ Hán-Nôm được khắc ngược trên gỗ để in ra các sách tại Việt Nam vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Mộc bản triều Nguyễn dùng để nhân bản tài liệu nhằm phổ biến rộng rãi ra công chúng các chuẩn mực xã hội, các điều luật bắt buộc thần dân tuân thủ, lưu truyền công danh, sự nghiệp của các bậc vua chúa, các sự kiện lịch sử, các biến cố thời cuộc, các cuộc tiểu trừ giặc dã... Mộc bản triều Nguyễn là Di sản tư liệu thế giới  được UNESCO công nhận năm 2009.

Bài và ảnh: Công Đạt

 

Am CàKê - không gian văn hóa làng quê Bắc Bộ giữa lòng Hà Nội

Am CàKê - không gian văn hóa làng quê Bắc Bộ giữa lòng Hà Nội

Nằm trong con ngõ nhỏ ở phố Lạc Long Quân (Hà Nội), Am CàKê được cô gái Lily Hoàng thiết kế với không gian mang đậm nét làng quê Bắc Bộ với mong muốn để nhiều người tìm được kỷ niệm tuổi thơ cũng như hiểu hơn về văn hóa mộc mạc và giàu tình người của Bắc Bộ xưa.

Top