Lễ Mạng Ma của người Xinh Mun

Lễ Mạng Ma của người Xinh Mun

Mỗi độ xuân sang, khi hoa rừng bung nở trắng xóa khắp núi đồi, cũng là lúc người Xinh Mun ở Sơn La rộn ràng chuẩn bị cho Lễ Mạng Ma. Đây là nghi lễ truyền thống đậm sắc màu tín ngưỡng và cũng là dịp cả bản cùng quây quần, dâng lễ cầu an, gửi gắm mong ước về sức khỏe, sự bình yên, đồng thời tưởng nhớ tổ tiên, kết nối sự thiêng liêng giữa các thế hệ của người Xinh Mun.

Người Xinh Mun uyển chuyển trong điệu múa rộn ràng mừng Lễ Mạng Ma.

Người Xinh Mun tin rằng sức khỏe của mỗi con người phụ thuộc vào sự hòa hợp trọn vẹn của các linh hồn trong cơ thể. Khi một phần linh hồn lạc mất, cơ thể sẽ suy yếu, dễ mắc bệnh. Chính vì vậy, khi có người ốm kéo dài không rõ lý do, gặp dịch bệnh hoặc khi thầy mo cảm nhận sự đứt gãy trong mối liên hệ với thế giới tâm linh, cộng đồng sẽ cùng nhau tổ chức Lễ Mạng Ma nhằm triệu hồi linh hồn, xua đuổi vận rủi và cầu mong bình an cho mọi người trong bản.

Chính giữa không gian thực hiện Lễ Mạng Ma là cây nêu (Xặng bok - biểu tượng của vũ trụ và sự sống) làm từ tre già, được trang trí bằng nhiều vật phẩm tượng trưng như hoa ban, ve sầu, dây rau rừng, cá gỗ, bông lúa… Dưới gốc cây là các vật dụng quen thuộc gắn liền với đời sống sản xuất như mô hình nhà, cày bừa, vật nuôi… Tất cả tái hiện một thế giới thu nhỏ, nơi con người và thiên nhiên sinh sống hài hòa.

Nghi thức cúng chính trong lễ cầu sức khỏe do hai thầy mo chủ trì trang nghiêm.

Phần lễ cúng chính do hai thầy mo đồng chủ trì, gồm một thầy mo cao niên (người giữ vai trò bảo tồn truyền thống) và một thầy mo trẻ hơn (người kế tục được đỡ đầu). Theo truyền thống, mỗi thầy mo khi bắt đầu hành nghề đều phải trải qua nghi lễ đỡ đầu do một thầy mo khác “hợp tuổi, hợp hồn” thực hiện. Khoảng 5 đến 10 năm một lần, thầy mo cao niên sẽ tổ chức nghi lễ này để truyền lại kiến thức, đạo đức và trách nhiệm cho người kế thừa. Trong Lễ Mạng Ma, hai thầy mo cùng tiến hành các nghi thức cúng tế, dâng lễ vật, mời thần linh và tổ tiên về dự lễ, chứng giám, ban phước, đồng thời kêu gọi phần linh hồn lưu lạc trở về để mọi người được khỏe mạnh, mùa màng bội thu, đàn gia súc phát triển, bản làng an lành, hạnh phúc.

Thầy mo hành lễ trước cây nêu được trang trí cầu kỳ với nhiều biểu tượng tâm linh.

Sau nghi thức trang nghiêm của phần lễ, không khí nhanh chóng chuyển sang phần hội đầy sôi động và náo nhiệt. Tiếng trống, tiếng chiêng vang vọng khắp bản, hòa quyện cùng những bước múa xòe mềm mại, nhịp nhàng. Các trò chơi, điệu múa dân gian như kéo thuyền, gieo mạ, đấu kiếm, bắt tổ ong… lần lượt được diễn ra phản ánh nét sinh hoạt và lao động đặc trưng của cộng đồng người Xinh Mun.

Năm 2020, Lễ Mạng Ma được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sự kiện này không chỉ là niềm tự hào của đồng bào Xinh Mun, mà còn là lời nhắc nhở mạnh mẽ về trách nhiệm bảo tồn, phát huy di sản.


Mọi người cùng múa hát, hò reo cầu chúc sức khỏe, mùa màng bội thu, hạnh phúc no ấm.

Giữa dòng chảy hiện đại, khi nhiều giá trị truyền thống đang dần phai nhạt, Lễ Mạng Ma vẫn được gìn giữ, duy trì, trở thành một hoạt động không thể tách rời của cộng đồng người Xinh Mun. Là một nghi thức tâm linh, Lễ Mạng Ma là sợi dây kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, thắt chặt mối quan hệ giữa con người với tổ tiên, thiên nhiên và cộng đồng.

  • Bài và ảnh: Việt Cường/Báo ảnh Việt Nam 

 



Top