Khám phá

Hiếu Lăng – nơi an nghỉ của vị hoàng đế thứ hai nhà Nguyễn

Vua Minh Mạng là vị hoàng đế thứ hai của nhà Nguyễn. Ông là người có công lớn trong việc mở mang bờ cõi, phát triển thủy binh, khẳng định chủ quyền biển đảo của nước ta. Sau khi băng hà, thi hài ông được an táng tại Hiếu Lăng, một công trình bề thế có giá trị đặc biệt về mặt kiến trúc, mĩ thuật, văn hóa và lịch sử của thời nhà Nguyễn.
Vẻ đẹp cổ kính của Bi Đình (nhà bia) trong Hiếu Lăng. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Vua Minh Mạng tên thật là Nguyễn Phúc Đảm, con thứ tư của vua Gia Long (vị vua sáng lập nhà Nguyễn, triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam). Ông sinh năm 1791, mất năm 1841, thọ 49 tuổi; lên ngôi năm 1820, tại vị được 20 năm 341 ngày.

 

Kiến trúc và cảnh quan của cụm Bi Đình và sân Bái Đình ở Hiếu Lăng. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Theo ghi chép của Tôn Nhơn Phủ, cơ quan chuyên trách việc ghi chép sổ sách ngày sinh, tháng mất cũng như việc thờ cúng, đền miếu, gia phả trong hoàng tộc, thì vua Minh Mạng có 142 người con, trong đó có 78 hoàng nam, 64 hoàng nữ. Ông cũng là vị vua có nhiều phi tần và đông con nhất trong số 13 vua triều Nguyễn.

Cũng theo sử sách, Minh Mệnh được xem là vị vua năng động, quyết đoán, tinh thông Nho học và là nhà chính trị, quân sự tài ba. Những năm ở ngôi, ông có nhiều quyết sách trong việc cải cách hành chính, khai hoang mở cõi.

 

Cụm công trình Hiển Đức Môn, điện Sùng Ân và sân triều lễ của Hiếu Lăng. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Đặc biệt, hoàng đế Minh Mạng chính là người đặt quốc hiệu nước ta thời ấy là Đại Nam, là người có công lớn trong việc khẳng định chủ quyền của nước ta ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng cách sai các đội Thủy quân và Vệ giám thành đi kiểm tra, kiểm soát, vẽ bản đồ, khai thác hải sản, hóa vật, tổ chức thu thuế và cứu hộ tàu thuyền bị nạn, dựng miếu thờ, dựng bia chủ quyền, trồng cây để thuyền bè qua lại dễ nhận biết...

Chính nhờ những công lao to lớn ấy mà vua Minh Mạng được đánh giá là người có nhiều đóng góp đối với công việc mở mang đất nước, đưa nước Đại Nam ta trở thành quốc gia hùng mạnh ở Đông Nam Á lúc bấy giờ.

Trở lại với việc xây dựng lăng vua Minh Mạng, công trình có tên chữ là Hiếu Lăng. Sau khi lên ngôi được 7 năm thì vua Minh Mạng bắt đầu cho người đi tìm đất để xây dựng lăng cho mình. Mặc dù quan địa lí Lê Văn Đức đã chọn được một chỗ đất tốt ở địa phận núi Cẩm Kê, cách kinh thành Huế khoảng 14 cây số, là nơi gần ngã ba Bằng Lãng, hợp lưu của hai nguồn Tả Trạch và Hữu Trạch để tạo nên con sông Hương thơ mộng, nhưng phải 14 năm sau nhà vua mới quyết định cho xây dựng lăng tẩm của mình ở nơi này. Sau khi đích thân xem xét, phê chuẩn bản thiết kế do các quan Bùi Công Huyên, Trương Đăng Quế và Giám thành vệ dâng lên, tháng 4 năm 1840, nhà vua ra lệnh khởi công xây dựng Hiếu Lăng. Đến tháng 1 năm 1841, khi công cuộc xây lăng đang tiến hành thì nhà vua lâm bệnh và đột ngột băng hà. Vua Thiệu Trị lên nối ngôi, chỉ một tháng sau, tức tháng 2/1841, đã sai các quan đại thần Tạ Quang Cự, Hà Duy Phiên, Nguyễn Tri Phương chỉ huy gần 10.000 lính và thợ thi công tiếp công trình theo đúng bản thiết kế của vua cha để lại và đến đầu năm 1843 thì hoàn tất.

 

Bên trong điện Sùng Ân, nơi đặt án thờ vua Minh Mạng và hoàng hậu, được sơn son thếp vàng lộng lẫy. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Từ một vùng núi đồi hoang vu, qua bàn tay lao động và óc sáng tạo của con người đã hình thành một khu lăng tẩm uy nghiêm, vừa rực rỡ về kiến trúc, vừa hài hòa với thiên nhiên lại vừa sâu sắc bởi giá trị tư tưởng.

Toàn bộ quần thể Hiếu Lăng được bao bọc bởi vòng La thành dài 1.750m. Bên trong La thành là một quần thể kiến trúc gồm nhiều cung điện, lâu đài, đình tạ được bố trí đăng đối trên một trục dọc theo đường Thần đạo dài 700m, bắt đầu từ cổng chính Đại Hồng Môn kéo dài đến tận mộ vua ở phía sau cùng. Từ trên cao nhìn xuống, hình thế lăng trông tựa như dáng một người nằm nghỉ trong tư thế vô cùng thoải mái với đầu gối lên núi Kim Phụng, chân duỗi ra ngã ba sông ở trước mặt, hai nửa hồ Trừng Minh ở hai bên như đôi cánh tay buông xuôi tự nhiên.

 

Sự hòa quyện giữa các công trình kiến trúc lộng lẫy và cảnh sắc nên thơ tạo nên vẻ đẹp riêng có của Hiếu Lăng. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Từ ngoài vào trong, xen giữa khoảng hơn 25 công trình kiến trúc lớn nhỏ là hồ nước và những quả đồi phủ mát bóng thông xanh tạo nên khung cảnh nên thơ hữu tình. Trong đó có thể kể đến những công trình tiêu biểu như cổng chính vào lăng là Đại Hồng Môn; sau Đại Hồng Môn là Bái Đình, hai bên sân Bái Đình có hai hàng tượng quan văn võ, voi ngựa bằng đá đứng chầu; cuối sân Bái Đình là Bi Đình, bên trong có bia “Thánh đức thần công” bằng đá Thanh ghi bài văn bia của vua Thiệu Trị viết về tiểu sử và công đức của vua cha Minh Mạng. Sau Bi Đình là sân triều lễ rộng lớn được chia thành 4 cấp; cuối sân triều lễ là Hiển Đức Môn mở đầu cho khu vực tẩm điện, tức nơi thờ tự chính. Sau Hiển Đức Môn có điện Sùng Ân là một ngôi điện lớn nằm ở trung tâm quần thể lăng, trong điện có bài vị vua và hoàng hậu. Sau điện Sùng Ân, đi qua một cây cầu là tới Minh Lâu, nơi có ý nghĩa là điểm dừng chân chuyển tiếp giữa cõi dương gian và thế giới cõi âm. Tiếp theo sau Minh Lâu, cách một khu hồ bán nguyện là tới Bửu Thành, nơi đặt thi hài nhà vua.

 

Hiếu Lăng mang vẻ đẹp thơ mộng, hữu tình. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Nét nổi bật trong quy hoạch xây dựng Hiếu Lăng là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiến trúc (yếu tố nhân tạo) và cảnh quan thiên nhiên (yếu tố thiên tạo), tạo nên sự hoà quyện giữa không gian tâm linh và không gian cảnh quan sinh thái. Lăng vua Minh Mạng hoàn chỉnh trong sự đăng đối uy nghi, là sự cụ thể hoá ý chỉ của hoàng đế và tiềm lực quốc gia bằng một đồ án xây dựng lăng tẩm quy mô, hoành tráng nhất trong các triều đại phong kiến và quân chủ Việt Nam từ thời lập quốc cho đến khi có quốc hiệu Đại Nam dưới thời Minh Mạng.

Với những giá trị đặc biệt về mặt kiến trúc, phong cảnh, văn hóa, lịch sử… năm 1997 Hiếu Lăng được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, góp phần quan trọng để Quần thể Di tích Cố đô Huế (trong đó có Hiếu Lăng) được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào tháng 12/1993./.

 

  •  
  • Bài, ảnh:  Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Đèo Ô Quy Hồ - Nơi gặp gỡ đất trời

Đèo Ô Quy Hồ - Nơi gặp gỡ đất trời

Nằm trên quốc lộ 4D ở vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, đèo Ô Quy Hồ dài khoảng 50 km là cung đường đèo dài bậc nhất Việt Nam. Con đèo đã được người Mông, Dao, Giấy… trong vùng truyền thuyết hóa về một câu chuyện tình buồn và ngày nay, nơi đây là địa điểm du lịch ưa thích với các đăc sản ngắm mây, chinh phục cung đường hiểm trở và ngằm nhìn cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ.

Top