Chân dung

Hiệp sĩ cứu người trên sông Sài Gòn

Trên khúc sông Sài Gòn, đoạn giữa hai cầu Bình Lợi cũ và mới (phường 13, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh) là nơi neo đậu chiếc ghe nhỏ của ông Ba Chúc, người đàn ông đã dành hơn nửa đời người cứu người, vớt xác và được người dân xóm chài đặt cho cái biệt danh rùng rợn “kẻ cướp cơm của tử thần”.
Men theo con đường, chúng tôi tìm đến căn lán nhỏ, nơi vợ chồng ông Ba Chúc sinh sống. Bà Nguyễn Thị Hinh, vợ ông Ba Chúc cho biết, ông đang trên sông, chưa kịp về. Bữa nào cũng vậy, lúc thì có khách thuê đi đò, lúc đi cứu người, vớt xác, lúc thì xử lý giùm các thuyền bè khi gặp sự cố trên sông.

Sinh năm 1957, ông Nguyễn Văn Chúc (Ba Chúc) sinh sống trên chiếc ghe nhỏ đậu ở mé sông. Đây cũng là nơi trú ngụ của vợ chồng ông cùng đứa cháu ngoại với các vật dụng sinh hoạt hầu hết được các nhà hảo tâm gửi tặng. Trước đây, gia đình gồm vợ chồng ông và năm người con đều sinh sống trên ghe nhưng giờ bầy con đã lớn, lập gia đình và ra riêng.

Hỏi chuyện gia đình, bà Nguyễn Thị Hinh cho biết, ông bà về ở với nhau đã hơn 40 năm và cũng từng ấy năm ông bà lênh đênh trên sông Sài Gòn, sống dựa vào con tôm, con cá. Năm đứa con gái lần lượt ra đời, cuộc sống ngày càng khốn khó. Ðã có lúc ông bà tính chuyện lên bờ, tìm kế sinh nhai mới, nhưng dường như sứ mệnh cứu người trên sông đã ngăn đôi vợ chồng lại, bà Hinh chia sẻ.

Theo ông Ba Chúc, người rơi xuống sông cũng do nhiều nguyên nhân. Có người đi trên cầu không may rơi xuống. Có những người đi tắm sông bị dòng nước cuốn ra xa. Cũng có người trong một phút nghĩ quẩn đã gieo mình xuống sông tìm cái chết. Không biết bao nhiêu bận, đang ngồi ăn, nghe tiếng người thất thanh kêu cứu, ông vội buông đũa, chạy ra ghe tìm đến chỗ người bị nạn rồi lao ngay xuống sông cứu người. Nhiều đêm, đang nằm trên ghe, ông giật mình tỉnh giấc khi nghe tiếng có người rơi xuống nước. Không chút đắn đo, ông lao xuống dòng sông lạnh lẽo.



Ông Nguyễn Văn Chúc, người đã cứu  hơn 40 người trên sông Sài Gòn.


Công việc mỗi ngày của ông Ba Chúc đều liên quan tới sông nước...


... và ông được ví như rái cá sông Sài Gòn.


Điện thoại của ông Ba Chúc luôn thường trực và chỉ cần nghe tin có người đuối sông là ông có mặt ngay.


Ngoài cứu người, công việc chài lưới trên sông Sài Gòn cũng giúp cuộc sống ông bớt khó khăn hơn.


Phút giây bình dị của vợ chồng ông Ba Chúc trên chiếc ghe nhỏ của gia đình.


Với những đóng góp của mình, ông Ba Chúc nhận được rất nhiều bằng khen của các tổ chức xã hội như
danh hiệu Hiệp sĩ giao thông...

Hành trang cứu người của ông Chúc chỉ là chiếc xuồng gỗ và một sợi dây thừng dài. Mỗi khi biết có người đang bị chìm, ông nhanh chóng xác định vị trí rồi lao xuồng ra. Khi ra đến nơi, ông nhảy xuống sông, rồi cố sức đưa người bị đuối nước lên xuồng. Có những trường hợp nạn nhân do quá hoảng loạn, đã giãy giụa rồi bám chặt lấy người ông, gỡ mãi không ra được. Những lúc đó, ông phải cố giằng ra, rồi cột dây thừng vào chân, thít chặt lại để kéo lên.

Khi lên bờ, việc đầu tiên của ông Ba Chúc là sơ cứu, làm động tác hô hấp nhân tạo để nạn nhân hồi tỉnh. Nếu nạn nhân không nguy hiểm đến tính mạng, ông thường đưa lên ghe, lấy quần áo của vợ chồng mình thay cho người ta rồi hỏi han nguyên nhân. Rất nhiều người sau khi được cứu, thú nhận do nghĩ quẩn. Những lần như thế, vợ chồng ông Ba Chúc lại trở thành những "nhà tâm lý", khuyên giải người ta đừng vì một phút thiếu suy nghĩ mà coi rẻ tính mạng, rồi ảnh hưởng đến gia đình, người thân.

Dù đã hơn 40 năm cứu người trên sông, với khả năng bơi lội điêu luyện, sự am tường về từng đoạn sông đến độ người ta nói vui: "Ông Ba Chúc có nhắm mắt cũng cứu được người", nhưng nhiều khi, bản thân ông Ba Chúc cũng phải đối mặt với những hiểm nguy đến cả tính mạng mình.

Ông kể, hôm đó trời tối đen như mực. Những cơn mưa lớn khiến nước sông dâng cao, chảy xiết. Ðang ở trên ghe, ông nghe tiếng người kêu cứu thảm thiết. Ðưa xuồng ra dòng sông, ông không khỏi hốt hoảng khi chiếc xuồng nghiêng lắc dữ dội, chỉ chờ lật úp xuống (Trong khi người bị nạn còn cách một quãng xa, đang chới với giữa dòng nước dữ). Vừa ráng sức chèo, ông vừa lẩm nhẩm cầu nguyện và xác định phải đưa được người bị nạn lên bờ. Ra đến nơi, ông lao mình xuống dòng nước dữ cũng là lúc nạn nhân đã bất động vì kiệt sức.

Khi cả hai lên xuồng, dù đã hết sức mệt mỏi, không kịp thở, nhưng ông vẫn phải nhanh chóng làm động tác sơ cứu vì biết rằng chậm giây nào, tính mạng nạn nhân lâm nguy giây đấy. Sau một hồi sơ cứu, nạn nhân mới mở mắt nhìn ông lí nhí cảm ơn mà không biết rằng trước đó ít phút, tính mạng cả hai người đã có lúc mong manh, khó giữ.

Những người được ông Ba Chúc cứu, có người quay lại cảm ơn, trong đó có anh Trần Đình Đức (quê Nghệ An) cách đây 15 năm, anh và một nhóm công nhân đang sửa cầu Bình Lợi thì bị sập giàn giáo rơi xuống sông, giữa dòng nước cuốn anh được chú Ba Chúc cứu lên bờ. Cảm kích ơn cứu mạng anh Đức nhận vợ chồng ông là bố mẹ nuôi.

Mấy chục năm lênh đênh trên sông nước, ông Ba Chúc không còn nhớ đã vớt được bao nhiêu thi thể người, hay cứu sống bao nhiêu người sa cơ gặp nạn, bao nhiêu người có ý định tìm đến cái chết để giải thoát. Chính vì nghĩa cử cao đẹp đó, ông được người dân xóm chài đặt cho cái biệt danh rùng rợn “kẻ cướp cơm của tử thần”./.

 
Thực hiện: Thông Hải

Nữ sĩ quan hai lần tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Châu Phi

Nữ sĩ quan hai lần tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Châu Phi

Trong số khoảng 100 nữ quân nhân được Việt Nam cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Thượng tá Nguyễn Thị Liên là người hai lần được cử đến Châu Phi. Không chỉ giỏi về chuyên môn, chị còn nhiệt tình, sáng tạo trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người dân nên đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng các đồng nghiệp quốc tế và người dân địa phương.

Top