Lần đầu tiên Di sản Hát Xoan thuyết phục được UNESCO ra một quyết định đặc cách và chưa có tiền lệ, chuyển đổi đặc biệt từ danh sách Di sản văn hóa Phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp sang danh sách Di sản văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại. Di sản Hát Xoan của Việt Nam đang trở thành một hiện tượng Di sản được cả thế giới quan tâm, nghiên cứu và bình xét.
Tháng 11/2011, UNESCO đã chính thức công nhận Hát Xoan Phú là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Sau 4 năm được công nhận, tháng 10/2015 Ông Nguyễn Đắc Thủy, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Phú Thọ được tỉnh cử Sang Pháp báo cáo UNESCO về kết quả bảo tồn Di sản này.
Bản báo cáo của ông Thủy với những thông tin đầy thuyết phục, bà Cécile Duvelle, Trưởng Ban thư ký Ủy ban Di sản Phi vật thể UNESCO, người thẩm định hồ sơ đã kết luận: “Tôi ghi nhận kết quả bảo tồn của Hát Xoan là rất tốt. Với kết quả này, tôi khẳng định Hát Xoan đã ra khỏi danh sách Di sản cần bảo vệ khẩn cấp”.
Cảm xúc và niềm vui lúc đó đang trào dâng, ông Thủy bất chợt ngừng lại và thắc mắc: “Hát Xoan không còn ở trong danh sách Di sản cần bảo vệ khẩn cấp. Vậy Hát Xoan sẽ nằm ở danh sách nào?”.
Năm 2011, Hát Xoan được UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Ảnh: Tư liệu Trang phục chính thức của đào, kép Xoan được trưng bày tại nhà hát Miếu Lãi Lèn (Tp.Việt Trì, Phú Thọ). Ảnh: Công Đạt Nhạc cụ trong Hát Xoan chỉ dùng một chiếc trống nhỏ và đôi ba cặp phách tre. Ảnh: Công Đạt Trong Hát Xoan ngoài các điệu múa còn kết hợp với việc sử dụng các đạo cụ, như quạt, phách tre, nậm rượu... Ảnh: Công Đạt Đền Hùng Lô là nơi được chọn để biểu diễn Hát Xoan phục vụ cho các đoàn khách du lịch. Ảnh: Tất Sơn |
Công ước năm 2003 của UNESCO có ghi rõ: “Một di sản thì không đồng thời ở hai danh sách” và không có hướng dẫn gì khác. Bà Cécile đã không có câu trả lời trước câu hỏi bất ngờ của ông Thủy. Ngẫm nghĩ một hồi lâu, bà nói: “Thì nó vẫn là một Di sản”.
Ông Thủy không tâm phục với câu trả lời đó và tiếp tục thắc mắc. Đến lúc này, bà Cécile mới công nhận: “Ừ, đúng rồi! Đây là một hiện tượng, có rất nhiều di sản cũng tương tự như Hát Xoan Việt Nam, vậy cần phải có cách ghi nhận nào đó”. Câu nói của bà Cecile vừa dứt, ông Thủy đã ngay lập tức tiếp lời: “Vậy nên, Tỉnh Phú Thọ chúng tôi đề xuất đưa Hát Xoan vào danh sách Di sản đại diện của nhân loại”. Một lời đề nghị chưa có tiền lệ!
Sau lời nói này, bà Cécile đã hứa với ông Thủy rằng sẽ đưa vấn đề này ra phiên họp Ủy ban Liên chính phủ kế tiếp, để Ủy ban thống nhất và có câu trả lời về trường hợp của Hát Xoan.
Tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 10 tổ chức tại nước Cộng hòa Namibia vào tháng 12 năm đó, UNESCO đã ban hành hẳn một nghị quyết từ trường hợp của Hát Xoan. Cụ thể, UNESCO sẽ xem xét lại mục tiêu của Công ước để đưa ra những điều chỉnh, hướng dẫn thực hiện, và cần thiết phải thành lập ngay một Ban liên Chính phủ mới để nghiên cứu lộ trình chuyển đổi di sản.
Đến tháng 12/2017, lời đề nghị của tỉnh Phú Thọ đã thành hiện thực, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 diễn ra tại đảo Jeju (Hàn Quốc) đã công nhận Di sản Hát Xoan chuyển đổi đặc biệt từ Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp sang Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hát Xoan đúng là một hiện tượng đã làm UNESCO phải “đau đầu” nghiên cứu và ban hành quy chế trong vòng hơn 2 năm trời./.
"Báu vật" nhân văn sống và một tiền lệ thứ hai
Khi Hát Xoan trở thành hiện tượng chưa có tiền lệ trên nghị trường UNESCO, thì tại Phú Thọ, nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch cũng là một hiện tượng chưa có tiền lệ trong hơn 4000 năm tồn tại và phát triển của vùng Xoan đất Tổ.
Giải mã người đàn bà tạo lên tiền lệ sau hơn 4000 năm
Có một sự trùng hợp lạ lùng! Hồ sơ phong Chùm phường Xoan của bà Lịch cũng đã làm “đau đầu” các vị cao niên và cả hệ thống chính quyền địa phương.
Theo quy chế đã tồn tại bốn nghìn năm năm của phường Xoan, chỉ người đàn ông mới được kế thừa chức Chùm phường. Và việc xem xét một người phụ nữ cho vị trí kế thừa đầy cao quý và tôn kính này, chưa hề có tiền lệ.
“Các Vua Hùng đã giao sứ mệnh này cho bà” cụ Nguyễn Văn Toàn, một cao niên trong phường Xoan An Thái thủ thỉ vào tai tôi.
Đó là về mặt tâm linh, nhưng tôi tin rằng, trường hợp của bà Lịch còn có những lý do thuyết phục khác.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch vừa làm giảng viên tham gia đào tạo lớp nghệ nhân kế cận của tỉnh Phú Thọ trong khi đó vẫn duy trì lịch sinh hoạt đều đặn tại phường Xoan An Thái. Ảnh: Tất Sơn Phường Xoan An Thái của nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch có đầy đủ 3 thế hệ với gần 100 thành viên chính thức. Ảnh: Tất Sơn Những ca từ, điệu múa trong các bài hát Xoan thường mô tả chân thực gắn với cuộc sống lao động của người nông dân vùng đất Tổ Phú Thọ. Ảnh: Công Đạt |
Cha của bà Lịch là nghệ nhân Nguyễn Tất Thắng, một Chùm phường Xoan nổi tiếng đất Tổ. Trước khi qua đời, ông đã đặt vào tay bà Lịch quyển sách có ghi chép đầy đủ 31 bài Xoan cổ, với di nguyện bà sẽ là người tiếp tục gìn giữ truyền thống của gia đình.
Khi đó, với một cô bé nhỏ tuổi, đó quả là một di nguyện khó hoàn thành. Nhưng người ông nội của bà đã âm thầm bên cạnh dạy cô cháu gái hát Xoan. Đến năm 13 tuổi, cô bé Lịch đã thực hành được tất cả các bài trong cuốn sách cha trao.
Năm 1997, cô bé Lịch đã trở thành một thôn nữ xinh đẹp và mở lớp học Hát Xoan đầu tiên dạy miễn phí cho bất kể ai muốn học. Lớp Xoan ngày đó vẫn tồn tại cho đến tận bây giờ và bà Lịch có học trò ở khắp các địa phương trong tỉnh Phú Thọ.
Người học trò “cưng” của bà là nghệ nhân Nguyễn Thị Nga, hiện cũng trở thành Chùm phường Xoan Kim Đức, nữ Chùm phường Xoan thứ hai ở Phú Thọ.
Lớp nguồn chủ nhân Di sản
Năm 2011, khi Hát Xoan được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, bà Lịch là 1 trong 7 nghệ nhân ít ỏi còn lại có khả năng thực hành nguyên bản tất cả những điệu Xoan cổ.
Đây là nguy cơ cấp bách mà Phú Thọ phải đối diện. Bởi vậy, rất nhanh sau đó, chính quyền địa phương đã khởi động chương trình “Bảo vệ và phát triển những báu vật nhân văn sống”.
Nghệ nhân Lịch là nữ trùm phường Xoan đầu tiên, một hiện tượng chưa có tiền lệ trong hơn 4000 năm của vùng đất Tổ. Ảnh: Tất Sơn Hơn 4 năm, đều đặn vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, Phường Xoan An Thái của nghệ nhân Lịch sinh hoạt đều đặn không thiếu một buổi nào. Ảnh: Tất Sơn Hiện nay, tại bốn phường Xoan cổ của Phú Thọ, việc đào tạo các lớp nghệ nhân kế cận luôn được thực hiện rất chặt chẽ và có kế hoạch. Ảnh: Tất Sơn Trong Hát Xoan, các điệu múa luôn được kết hợp hài hòa giữa nhạc, thơ và giọng điệu. Ảnh: Tất Sơn Những đào Xoan nhí của CLB Xoan An Thái tập luyện tại đình làng. Ảnh: Tất Sơn |
7 nghệ nhân này phải đồng thời gánh vác 2 trách nhiệm: Một là, họ phải tiếp tục duy trì hoạt động tại 4 phường Xoan cổ nơi họ quản lý, hai là, họ sẽ trở thành giảng viên đứng lớp trực tiếp đào tạo các thế hệ nghệ nhân kế cận. “Chúng tôi gọi đây là lớp nguồn chủ nhân di sản”, ông Thủy cho biết.
Hơn 4 năm, đều đặn vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, bà Lịch lên lớp dạy hát Xoan không thiếu buổi nào. Đã có 68 nghệ nhân kế cận có khả năng đi truyền dạy như bà Lịch được đào tạo trong quãng thời gian này. Hiện nay, Phú Thọ có hẳn một quy chế phong tặng nghệ nhân Hát Xoan, để khuyến khích và ghi nhận sự đóng góp của họ với cộng đồng./.
Tục truyền, trên đường hành quân trở về sau khi đánh thắng giặc ngoại xâm, Vua Hùng đã gặp một lũ trẻ chăn trâu đang hát đồng dao. Vua cho gọi chúng đến truyền dạy cho lũ trẻ những điệu hát múa của người Lạc Việt trên đất Văn Lang. Người đời sau lập nên Miếu Lãi Lèn (xã Kim Đưc, Tp.Phú Thọ) để làm tổ đình của Hát Xoan. Theo các tài liệu cổ, Miếu Lãi Lèn chính là nhà hát đầu tiên của người Việt. |
“Gieo mầm di sản” trong cộng đồng
Người dân đất Tổ Phú Thọ tin rằng: “Vua Hùng vẫn luôn dõi theo để nghe con cháu của ngài biểu diễn điệu Hát Xoan - điệu hát của người Lạc Việt trên đất Văn Lang”.
Những vòng tròn Di sản nối tiếp
CLB Hát Xoan khu 5, phường Vân Phú, TP.Việt Trì, nơi mà bà Nguyễn Thị Thứ làm chủ nhiệm, trước đây chưa có khái niệm gì về Hát Xoan.
Năm 2003, trong một lần đi Lễ giỗ tổ tại Đền Hùng, bà Thứ đã tình cờ được nghe các nghệ nhân biểu diễn hát Xoan. Từ ngày hôm đó, theo lời miêu tả của bà Thứ “các điệu Xoan cứ vo ve ở trong đầu”.
Đặc biệt, khi biết ngôi đình cổ ở khu phố nơi bà đang sinh sống là một trong 18 ngôi đình cổ thờ vua Hùng (người Việt có truyền thuyết về dựng nước gắn với 18 đời vua Hùng) thì kế hoạch thành lập một CLB Hát Xoan cũng được hình thành.
Phong trào Hát Xoan ở Phú Thọ đã được nhân rộng với nhiều CLB Hát Xoan cộng đồng ra đời. Ảnh: Công Đạt Một buổi sinh hoạt của CLB Hát Xoan Khu 5, phường Vân Phú, Tp. Việt Trì. Ảnh: Công Đạt Năm 2011, trang phục của đào Xoan được lựa trọn với chiếc áo dài đỏ kết hợp với chiếc khăn mỏ quạ. Ảnh: Công Đạt Trong Hát Xoan những điệu múa thường mô tả chân thực gắn với cuộc sống lao động của người nông dân vùng đất Tổ. Ảnh: Công Đạt Cô Hán Thị Thu Lan cho biết, Hát Xoan được trường Tiểu học Kim Đức lựa chọn dạy cho học sinh vào các tiết âm nhạc, lịch sử, địa lý. Ảnh: Công Đạt |
Việc làm đầu tiên trong kế hoạch của bà đó là tìm đến nhà nghệ nhân biểu diễn tại Lễ hội Đền Hùng năm đó để “tầm sư học đạo”. Và thật trùng hợp, đó lại là nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch.
Hiện nay, 100% các trường từ cấp tiểu học đến đại học trên địa bàn Tp.Việt Trì đã được phổ cập Hát Xoan trong chính khóa và ngoại khóa. |
Nếu những “mầm di sản” này đang phát triển trong cộng đồng với một tốc độ ấn tượng, thì dưới sự trợ giúp của chính quyền Phú Thọ, chương trình “tạo mầm di sản” lại tiếp tục được khởi động trên mảnh đất của ngành giáo dục.
Trường Tiểu học Kim Đức (xã Kim Đức, Tp. Việt Trì), ngôi trường nơi chúng tôi đặt chân đến có một khẩu hiệu như thế này: “Đã về đến Kim Đức, là phải biết Hát Xoan”. Cô Hán Thị Thu Lan, Hiệu Phó nhà trường cho biết, năm 1993, Nhà trường đã dạy Xoan cho học sinh vào các tiết âm nhạc tự chọn, tiết học ngoại khóa tìm hiểu về văn hóa địa phương.
Năm 2011, sau khi Hát Xoan được UNUESCO công nhận, sẵn nền tảng, Nhà trường là đơn vị giáo dục đầu tiên của Tp. Việt Trì phổ cập hát Xoan bằng cách đưa vào các tiết lịch sử, địa lý, đạo đức để giáo dục học sinh yêu và giữ gìn văn hóa truyền thống của quê hương.
Hát Xoan – “Cây cầu” phát triển Du lịch
Năm 2015, Tỉnh Phú Thọ đã đưa Hát Xoan trở thành sản phẩm du lịch đặc thù trong đề án phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2015 – 2020 với hai sản phẩm đó là Hát Xoan làng cổ và City Tour.
Với Hát Xoan làng cổ, du khách được trải nghiệm các điệu Xoan tại các ngôi đình cổ của Phú Thọ, do chính các nghệ nhân dân gian cùng phường Xoan trực tiếp biểu diễn.
Anh Mạc Văn Vũ, hướng dẫn viên du lịch của Công ty Du lịch trải nghiệm Châu Á nhớ lại cảm nhận của Andren Smith một du khách, đồng thời là nhà nghiên cứu văn hóa người Canada sau khi thưởng thức tour Hát Xoan làng cổ: “Các nghệ nhân của các bạn chỉ với âm thanh phát ra từ hai vật dụng thô sơ, đã tạo ra những giai điệu mộc mạc, hòa quyện và tao nhã cuốn hút kỳ lạ đối với tôi”.
Vào năm 2015, Tỉnh Phú Thọ đã đưa Hát Xoan trở thành sản phẩm du lịch đặc thù trong đề án phát triển du lịch của tỉnh. Ảnh: Tất Sơn Đình Hùng Lô, Phú Thọ là một trong nhiều ngôi đình cổ đưa Hát Xoan vào phục vụ khách du lịch. Ảnh: Công Đạt |
Còn với City Tour, du khách xem biểu diễn Hát Xoan gắn với đi thăm quan các điểm du lịch khác trên địa bàn như: Miếu Lãi Lèn, đền Hùng, Đền Tam Giang…
Theo phong tục của người Việt khi đặt chân đến vùng đất Tổ, chúng tôi đã đến Khu di tích đền Hùng dâng hương. Trong đầu tôi cứ văng vẳng câu nói của vị cao niên nọ đã thủ thỉ: “Vua Hùng đã chọn họ để thực hiện sứ mệnh này…”./.
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Công Đạt - Tất Sơn & Tư liệu