Harold Browning, mọi người vẫn thường gọi anh là Harry, là một chuyên gia về động vật hoang dã đang phối hợp làm việc với các cơ sở cứu hộ động vật hoang dã của Việt Nam, mà chủ yếu là tại Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã Hà Nội (HWRC). Harry đến từ xứ sở sương mù (Anh) mang theo những kiến thức, kỹ năng, và kinh nghiệm làm việc với động vật hoang dã đến Việt Nam với mong muốn chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép và đồng thời phục hồi cũng như bảo tồn thiên nhiên, hệ sinh thái của Việt Nam.
Harry được Tổ chức Four Paws cử đến Việt Nam làm việc vào năm 2015. Tại đây, anh cùng các đồng nghiệp thành lập Tổ chức Four Paws Việt, thiết kế và xây dựng Trung tâm Bảo tồn Gấu Ninh Bình có tổng diện tích khoảng hơn 900m2 bao gồm khu nhà cho gấu ở và một khu sân chơi ngoài trời cho gấu vận động.
Trong ba năm làm việc tại Trung tâm Bảo tồn Gấu Ninh Bình thuộc Tổ chức Four Paws Việt, Harry cùng cộng sự đã cứu hộ và chăm sóc cho 46 cá thể gấu từng là nạn nhân của hoạt động khai thác trái phép mật gấu và các bộ phận cơ thể từ gấu. Qua thời gian, anh dần “quen hơi bén tiếng” với từng cá thể gấu trong quá trình phục hồi sức khỏe cho chúng. Anh từng chia sẻ rằng, chỉ cần ngắm nhìn các cá thể gấu ngựa sau khi được cứu hộ về đây và được thấy vẻ đẹp của sự kiên cường cùng với khả năng hồi sinh mãnh liệt từng ngày của chúng mà tôi thấy mình như có thêm niềm vui, động lực làm việc và sự tự hào trong cuộc sống.
Harold Browning là một chuyên gia động vật hoang dã đặc biệt
đang làm việc tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội. Ảnh: Trần Thanh Giang
Trong 7 năm làm việc tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Harold Browning đã có nhiều cống hiến cho nơi này.
Ảnh: Trần Thanh Giang
Harold Browning đang thiết kế khu vận động ngoài trời cho Hổ. Ảnh: Trần Thanh Giang
Hàng ngày Harold Browning tiếp xúc và tìm hiểu các thói quen của động vật
để đưa ra được thiết kề chuồng trại phù hợp với chúng. Ảnh: Trần Thanh Giang
Hổ là loài động vật được Harold Browning đặc biệt quan tâm bởi tập tính sinh hoạt của chúng. Ảnh: Trần Thanh Giang
Harold Browning đang trấn an một con gấu trong quá trình chuyển địa điểm sinh sống. Ảnh: Tư liệu
Harold Browning đã từng có 3 năm (2011 -2014) làm Quản lý chăm sóc Tê giác và động vật móng guốc tại Longleat Safari Park, Anh. Từ 2014 - 2017, anh làm Quản lý động vật cho tổ chức FOUR PAWS Kosovo, Phó giám đốc, FOUR PAWS Việt Nam. Từ năm 2018 đến nay: Harold Browning là Quản lý phúc lợi động vật, tổ chức Animal Asia, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội.
Năm 2018, Harry sang HWRC làm việc với vị trí là Cố vấn Phúc lợi động vật của Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia). Mỗi năm Trung tâmCứu hộ động vật hoang dã Hà Nội tiếp nhận cứu hộ khoảng 1000-1700 cá thể động vật , nhưng điều kiện chuồng nuôi khi đó còn nhiều hạn chế và quy mô diện tích của Trung tâm thì quá nhỏ - chỉ vỏn vẹn khoảng 1ha.Có thể khẳng định rằng, không một cơ sở cứu hộ nào trên thế giới có khả năng chăm sóc tất cả động vật một cách hoàn hảo trong điều kiện này. Harry đã tổng hợp, chắt lọc, thiết kế và biên soạn nhiều tài liệu dựa trên các nghiên cứu khoa học và nhu cầu thực tế tại Trung tâm về chăm sóc cho động vật trên nhiều khía cạnh như quy trình cách ly - kiểm dịch, khuyến nghị về chế độ ăn, chăm sóc thú y, thiết kế chuồng nuôi phù hợp với tập tính và đặc điểm tự nhiên của nhiều loài động vật, chế tạo đồ làm giàu cho động vật, quy trình tái thả, kế hoạch ngắn hạn và dài hạn, v.v.
Các tài liệu này sau đó đều được dịch ra tiếng Việt. Harry hy vọng một ngày nào đó Việt Nam sẽ dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực cứu hộ, bảo tồn với nhiều mô hình chuồng nuôi tiên tiến, thông minh phù hợp với đặc điểm sinh học tiến hóa của các loài động vật hoang dã, là hình mẫu cho các quốc gia khác học hỏi không chỉ ở Đông Nam Á mà còn trên toàn thế giới. Góp phần tạo nên mạng lưới các cơ sở cứu hộ động vật hoang dã trên khắp Việt Nam để cùng nhau tối ưu hóa hiệu quả trong công tác cứu hộ động vật hoang dã và rộng hơn nữa là vì lợi ích cao nhất trong việc bảo tồn hệ sinh thái và tài nguyên sinh vật của Việt Nam.
Anh Lương Xuân Hồng ( áo vest xanh) Giám đốc Trung tâm đang trao đổi với Harold Browning về thiết kế khu chuồng hổ.
Ảnh: Trần Thanh Giang
Harold Browning trao đổi cùng chị Thùy ( nhân viên chăm sóc hổ) tại khu vận động ngoài trời cho hổ tại trung tâm.
Ảnh: Trần Thanh Giang
Harold Browning luôn vui vẻ chia sẻ những câu chuyện trong quá trình làm nghề với cán bộ công nhân viên tại Trung tâm.
Ảnh: Trần Thanh Giang
Harold Browning hướng dẫn làm chuồng cho động vật từ nguyên liệu là những thân tre của Việt Nam . Ảnh: Tư liệu
Ngoài ra, Harry còn làm việc trực tiếp với Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) và Vườn quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai) để cải thiện phúc lợi cho động vật được cứu hộ và là chuyên gia tư vấn cho các cơ sở cứu hộ tại Vườn quốc gia Yok Don (Dak Lak) và Cát Tiên (Đồng Nai). Trong năm 2022, HWRC có kế hoạch tái thả một số loài chim như hạc cổ trắng và hồng hoàng về tự nhiên, Harry đã làm việc với các chuyên gia về chim trên thế giới để cùng hỗ trợ cho quá trình tái thả với phương pháp phù hợp với mỗi loài theo tiêu chuẩn quốc tế, khảo sát địa điểm tái thả đảm bảo có đủ nguồn thức ăn tự nhiên, quần thể loài và tính an ninh trong khu vực, thiết lập quy trình theo dõi sau khi tái thả bằng các thiết bị định vị từ xa, v.v. để tối đa hóa tỷ lệ sinh tồn của chim sau khi tái thả.
Đầu năm 2022, nhân kỷ niệm 25 năm thành lập HWRC, anh vinh dự được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội tặng giấy khen ghi nhận những đóng góp của anh trong công tác cứu hộ động vật hoang dã”.