Năm 2011, TS Trần Đăng Khánh của Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam được giao làm Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp Nhà nước "Nghiên cứu ứng dụng chỉ thị phần tử liên kết với các tình trạng cấu thành năng suất, tạo giống lúa thuần siêu năng suất". Thời gian được giao thực hiện đề tài trong 04 năm nhằm tạo ra giống lúa siêu trội có năng suất 10 tấn - 12 tấn/ha/vụ.
Điều gây ngạc nhiên là chỉ trong một năm, TS Trần Đăng Khánh đã tạo được 03 dòng lúa siêu trội mới nhờ phương pháp gây đột biến trên giống lúa gốc. Dòng lúa siêu trội thuần Việt mang tên BN Mới ra đời. Mỗi bông lúa BN Mới dài trung bình 35cm, có từ 800 hạt đến 1000 hạt, số lượng hạt nhiều gấp 3 - 5 lần so với những giống lúa mới hiện tại; năng suất 10 - 12 tấn/ha/vụ. TS Trần Đăng Khánh gửi giống lúa BN Mới trồng khảo nghiệm tại Đại học Nagoya - Nhật Bản, kết quả thu được bông lúa có 1.100 hạt. Sau đó, Giáo sư Makoto và Giáo sư Hidera thuộc trường Đại học Nagoya - Nhật Bản, hai chuyên gia hàng đầu về ứng dụng sinh học phân tử, gây đột biến và nghiên cứu gen lúa tăng năng suất đã tỏ ra rất ngạc nhiên khi thăm ruộng lúa trồng thí nghiệm giống BN Mới ở Thanh Trì - Hà Nội. Họ cho biết, hiện trên thế giới chỉ có 3 nơi tạo được giống lúa mỗi bông có hơn 600 hạt là Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam.
TS Trần Đăng Khánh tại Phòng thí nghiệm của Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam.
Công việc hàng ngày của anh là cùng với các cộng sự làm thí nghiệm về lai tạo giống lúa nghìn hạt.
Kiểm tra các mẫu thí nghiệm.
Làm việc với máy nhân gen PCR.
Ở nhà anh cũng dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu khoa học.
Và cùng cha là thấy giáo Trần Đăng Đạt làm thêm những thí nghiệm về giống lúa lai tại nhà. |
Để hiểu thêm về thành công này, chúng tôi đã tới Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam tìm gặp TS Trần Đăng Khánh, chủ nhân giống lúa BN Mới. Tiếp chúng tôi, TS Trần Đăng Khánh không ai khác chính là chàng trai có vóc dáng thấp nhỏ và bình dị trong chiếc áo khoác ngày đông màu đen. Anh vừa trải qua những năm tháng học tập nghiên cứu ở Nhật Bản và về làm việc tại Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam hồi đầu năm 2011.
Một điều khá thú vị là công trình dòng lúa siêu trội BN Mới của TS Trần Đăng Khánh được anh kế thừa, áp dụng từ công nghệ tạo lúa lùn năng suất cao theo hướng lai kép, từ 4 tổ hợp giống ban đầu tạo thành giống lai rồi gây đột biến của chính cha mình là ông Trần Đăng Đạt, một nhà giáo đam mê khoa học.
Ông Trần Đăng Đạt, thân sinh của TS Trần Đăng Khánh, năm nay đã 71 tuổi những xem ra vẫn còn nhanh nhẹn, khỏe mạnh và sôi nổi trong những câu chuyện về giống cây, thời vụ, công nghệ sinh học... Ông Đạt quê gốc làng hoa Ngọc Hà - Hà Nội, theo gia đình tản cư lên Phú Thọ năm 1946. Học hết cấp 3, ông vào học Khoa Sinh vật, Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Phú Thọ rồi đi dạy ở Lào Cai. Ra trường, ông dạy học cấp 2 ở Yên Bái, làm cộng tác viên nghiên cứu khoa học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái. Năm 1975, thầy giáo Trần Đăng Đạt thành công trong việc đem giống ngô hạt to ở vùng cao Sapa - Lào Cai xuống trồng ở vùng thấp cho năng suất cao. Năm 1985, ông tình cờ phát hiện ra một hiện hết sức thú vị, đó là khi ông để giống lúa NN-27 bảo quản chung với ngô, lúc đem gieo thấy cây lùn lùn đi, chỉ cao 90cm, nhưng sau 120 ngày lúa đã chín, năng suất cao hơn. Lúa NN-27 bình thường cao 130cm có thời gian sinh trưởng 165 ngày. Từ hiện tượng khoa học tình cờ này, thầy giáo Trần Đăng Đạt quyết định dồn công sức nghiên cứu để tạo ra giống lúa lùn năng suất cao. Năm 1990, sau khi nghỉ hưu, ông tiếp tục nghiên cứu "lùn hóa" cây lúa bằng cách gây đột biến hô hấp. Ba mươi quyển vở học sinh kín đặc chữ viết tay ghi chép chi tiết từng công đoạn thực hiện. Năm 1995, ông Trần Đăng Đạt tạo ra giống lúa lùn lai kép 4 giống, trong đó mỗi bông cho 350 hạt lúa chắc. Qua thử nghiệm tại Yên Bái, giống lúa đạt năng suất vượt tội so với giống đối chứng.
Trần Đăng Khánh, sinh năm 1977, là con trai út của thầy giáo Trần Đăng Đạt. Năm 1999, anh tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Năm 2001, Trần Đăng Khánh qua học cao học công nghệ sinh học ở Đại học Miyaziki - Nhật Bản. Năm 2004 tiếp tục sang Hàn Quốc làm nghiên cứu sinh. Năm 2008 bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở Đại học Kon Kuk - Seoul - Hàn Quốc. Năm 2007, Trần Đăng Khánh được Hiệp hội Khoa học Cây trồng Hàn Quốc bình chọn là nhà nghiên cứu điển hình. Thông qua học bổng do Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ của Chính phủ Nhật Bản (Quỹ JSPS - Japan of Science Promotion Sociaty) cấp, Trần Đăng Khánh hoàn thành chương trình học sau tiến sĩ tại Đại học Ryukyu (Okinawa - Nhật Bản) vào tháng 10 năm 2010. Trong thời gian học tập nghiên cứu ở nước ngoài, Tiến sĩ Trần Đăng Khánh có 18 công trình nghiên cứu độc lập và 03 công trình đồng tác giả được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế. Trần Đăng Khánh còn là thành viên Ban biên tập hai tạp chí khoa học quốc tế là The Scientific World Journal và Datasets International Paper Journal in Agriculture. Và điều đáng trân trọng ở nhà khoa học trẻ Trần Đăng Khánh là dẫu được mời ở lại nghiên cứu, làm việc tại Nhật Bản nhưng anh vẫn trở về Việt Nam để cống hiến và tiếp tục với công trình tạo giống lúa lùn năng suất cao từng được cha mình khai phá với những thành quả ban đầu.
Trần Đăng Khánh (hàng đầu, bên trái) trong chuyến tham quan khu vực trồng thử nghiệm
giống lúa BN Mới tại trường ĐH Nagoya, Nhật Bản (tháng 10/2012).
TS Trần Đăng Khánh (thứ hai, bên phải) trong một lần làm việc với các giáo sư Nhật Bản.
Giống lúa lai BN Mới trồng thử nghiệm trên cánh đồng cho năng suất vượt trội.
Bông lúa lai nhiều hạt OM (bên trái) cho nhiều hạt hơn so với giống đối chứng (bên phải). |
Câu chuyện về thầy giáo Trần Đăng Đạt và con trai là TS Trần Đăng Khánh cùng chung sức dày công nghiên cứu tạo ra giống lúa "siêu cao sản BN Mới" năng suất khảo nghiệm 10 - 12 tấn/ha/vụ giàu prôtein, số hạt trên bông tăng 30% - 90%, tính di truyền ổn định, hạt gạo thơm ngon đã tạo nên một kỳ tích của ngành khoa học nông nghiệp Việt Nam. Thành công mới của họ có ý nghĩa rất lớn, góp phần vào việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và thế giới./.
Bài: Vĩnh Hưng - Ảnh: Trịnh Văn Bộ