Chân dung

GS.TTND Nguyễn Việt Tiến phát triển ngành vi phẫu thuật Việt Nam

Ca phẫu thuật mà GS.TS.TTND (giáo sư, tiến sỹ, thầy thuốc nhân dân) Nguyễn Việt Tiến vẫn nhớ rất rõ đó là ca phẫu thuật cho một bệnh nhân người Nhật bị cửa kính khứa vào làm đứt lìa các ngón tay và được đưa đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (TƯ QĐ 108) trong tình trạng mất máu quá nhiều, phần ngón tay đứt lìa bị dập nát và được bỏ trong túi nylon lẫn nhiều mảnh thủy tinh vụn. Sau khi được GS.Tiến nối lại các ngón tay và nằm điều trị khoảng 3 – 4 tuần, ông đã xin ra viện và về Nhật để kiểm tra, điều trị. Khi được chính Chủ tịch Hội phẫu thuật tạo hình của Nhật kiểm tra lại bàn tay và kết luận “excellent” (vết mổ tuyệt vời), ông này đã quay trở lại Việt Nam để tiếp tục nhiệm kỳ và kể lại câu chuyện này với GS.Tiến.

Gần 30 năm kế tục và phát triển ngành vi phẫu thuật (Phẫu thuật có sử dụng kỹ thuật vi phẫu, đây là kỹ thuật khâu nói mạch máu có đường kính < 1mm và khâu nối bao bó sợi thần kinh) từ người thầy, cố GS.TSKH Nguyễn Huy Phan, GS.TS.TTND Nguyễn Việt Tiến đã tiến hành hàng nghìn trường hợp vi phẫu thuật, trong đó có hàng trăm trường hợp ghép nối chi thể đứt lìa, trong đó hơn 40 trường hợp chuyển ngón chân thành ngón tay bị cút mất với tỷ lệ chi sống đều đạt trên 95%, chức năng chi thể được phục hồi đạt trên 85%.


GS.TS.TTND Nguyễn Việt Tiến tháng 2 năm 2017. Ảnh: Tất Sơn


GS.TS.TTND Nguyễn Việt Tiến chia sẻ kinh nghiệm trong một hội nghị khoa học
về ngành vi phẫu tại Indonesia (tháng 7/2016). Ảnh: Tư liệu


GS.TS.TTND Nguyễn Việt Tiến chia sẻ chuyên môn với các bác sỹ trẻ khoa Chấn thương Chỉnh hình
Bệnh viên 19-8 Bộ Công an. Ảnh: Tất Sơn


Một ca vi phẫu được thực hiện dưới bàn tay GS.TS.TTND Nguyễn Việt Tiến. Ảnh: Tất Sơn


GS.TS.TTND Nguyễn Việt Tiến tiến hành một ca phẫu thuật vi phẫu nối chi thể bệnh nhân
tại Khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện 19-8 Bộ Công an. Ảnh: Tất Sơn



Hiện nay, GS.TS.TTND Nguyễn Việt Tiến tiến hành chuyển giao kỹ thuật nối chi 
cho các y bác sỹ Khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện 19-8 Bộ Công an. Ảnh: Tất Sơn



GS.TS.TTND Nguyễn Việt Tiến kiểm tra bệnh nhân chữa bệnh Goat bằng liệu pháp VAC
(liệu pháp hút áp lực âm) tại Bệnh viện 19-8 Bộ Công An. Ảnh: Tất Sơn

Cũng theo GS. Nguyễn Việt Tiến, về ý nghĩa xã hội, kỹ thuật vi phẫu không chỉ trả lại chức năng chi thể mà còn trả lại cho người bệnh một cuộc sống mới đầy ý nghĩa, điều họ không dám hy vọng sau khi gặp tai nạn. Vì khi gặp tai nạn, nếu không được điều trị kịp thời hay không tìm đến đúng nơi có thể thực hiện kỹ thuật vi phẫu, chi thể đó có thể bị mất vận động và cảm giác, người bệnh trở thành người tàn tật, do đó sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong lao động và sinh hoạt.
Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, mỗi năm Việt Nam có trung bình từ 160.000 - 170.000 người bị tai nạn lao động. Trong số đó tỷ lệ người bị di chứng sau tai nạn (mất một phần bộ phận cơ thể) và ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt và tâm lý của họ chiếm tỷ lệ khá cao. Thậm chí trong nhiều trường hợp còn ảnh hưởng đến sinh mạng, tương lai cuộc đời và số phận của một con người. Đây chính là lý do mà theo GS.TTND Nguyễn Việt Tiến phải phát triển ngành vi phẫu thuật ở Việt Nam.

Từ năm 1988 đến nay, GS.TS.TTND Nguyễn Việt Tiến cùng đội ngũ y, bác sỹ của Viện Chấn thương Chỉnh hình - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã kể thừa và xây dựng bệnh viện là “cái nôi’ của ngành Vi phẫu Việt Nam, xứng tầm là chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình  tuyến cuối của Quân đội, nằm trong đội hình của các bệnh viện hạng đặc biệt quốc gia. Song song với đó, GS Nguyễn Viết Tiến cùng các đồng nghiệp còn tiến hành chuyển giao kỹ thuật vi phẫu đến một số bệnh viện, trung tâm y tế lớn trên cả nước, trong đó có cả các đồng nghiệp nước ngoài.

Từ năm 2006 đến nay, GS.Tiến đã tiến hành phẫu thuật hàng trăm ca bệnh nhân bị tổn thương đám rối thần kinh cánh tay với kết quả rất khả quan. Đây là một trong những kỹ thuật vi phẫu khó nhất mà hiện nay vẫn không nhiều bệnh viện ở Việt Nam có thể triển khai được. Thành công này đã đưa ngành Vi phẫu của Việt Nam có thêm nhiều bước tiến “thần kỳ”, giúp cứu sống cuộc đời của nhiều bệnh nhân đã dường như mất mọi hy vọng sau tai nạn.

Hiện nay, GS.Tiến vẫn đang tiếp tục tiến hành chuyển giao kỹ thuật nối chi thể đứt rời, chuyển vạt tổ chức tự do (da, cơ, xương và phức hợp của những tổ chức này) để điều trị những khuyết hổng phức tạp ở chi thể, trong đó có những khuyết hổng làm chi thể đứng trước nguy cơ bị cắt cụt, chuyển ngón chân thành ngón tay cái và kỹ thuật ghép dây thần kinh chéo ngực cho các y bác sỹ Khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện 19-8 Bộ Công an.


Vai trò của GS.Tiến trong nghành kỹ thuật vi phẫu Việt Nam đã được TS.Craig Merrell (Hoa Kỳ) và GS.Sheng Feng Jeng (Đài Loan), những người nổi tiếng thế giới về vi phẫu thuật, phát biểu tại Hội thảo quốc tế về Vi phẫu thuật tại bệnh viện Trung ương Quân đội 108:  “Chúng tôi đã đi nhiều nơi, phối hợp với tổ chức Operation Smile chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ cho các quốc gia khác nhau trên thế giới trong kỹ thuật vi phẫu, nhưng Việt Nam là nơi học hỏi và phát triển kỹ thuật này nhanh và hiệu quả nhất. Các bạn đã làm được những điều kỳ diệu. Kỹ thuật của các bạn có thể sánh ngang với các quốc gia phát triển hiện nay”./.

Bài: Thảo Vy - Ảnh: Tất Sơn & Tư liệu

Nữ sĩ quan hai lần tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Châu Phi

Nữ sĩ quan hai lần tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Châu Phi

Trong số khoảng 100 nữ quân nhân được Việt Nam cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Thượng tá Nguyễn Thị Liên là người hai lần được cử đến Châu Phi. Không chỉ giỏi về chuyên môn, chị còn nhiệt tình, sáng tạo trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người dân nên đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng các đồng nghiệp quốc tế và người dân địa phương.

Top