Chân dung

GS.TS Trần Bình Giang: “người tiên phong” của kỹ thuật mổ nội soi Việt Nam

Là người Việt Nam đầu tiên học về phẫu thuật nội soi (PTNS), GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức là người đã thay đổi quan điểm của y học phương Tây trong việc triển khai kỹ thuật mổ nội soi, được ví như “phẫu thuật quý tộc” ở các nước thứ ba.
Ngoài cương vị Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, GS.TS Trần Bình Giang hiện cũng là Chủ tịch Hội phẫu thuật nội soi Việt Nam, Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam và nguyên là Phó Chủ tịch Hội phẫu thuật nội soi châu Á - Thái Bình Dương. Là người Việt Nam đầu tiên học về phẫu thuật nội soi, ông đồng thời cũng là người chứng kiến sự phát triển của kỹ thuật mổ nội soi ngay từ những ngày đầu tiên khi kỹ thuật này được phát minh trên thế giới. Nhớ lại những ngày đầu tiếp cận chuyên ngành mới này, GS.TS Trần Bình Giang chia sẻ: “Khi xem ca mổ nội soi đầu tiên, tôi thấy hay lắm. Nhưng tôi nghĩ thật xa vời, không biết bao giờ mình mới làm được như thế ở Việt Nam”.
 
Đó là thời điểm năm 1987, ca mổ nội soi đầu tiên trên thế giới được thực hiện bởi GS. Philipe Mouret. Đến năm 1990, kỹ thuật mổ nội soi mới bắt đầu được triển khai ở một số bệnh viện của Pháp. Cũng năm đó, GS.TS Trần Bình Giang được cử đến Bệnh viện Đại học Cochin, một trong những bệnh viện lớn của Pháp, nơi có những bậc thầy trong của y học thế giới để học về ghép tạng. Khi đó, ngay GS. Delaitre (Deux Litre) làm việc tại bệnh viện nơi ông theo học cũng chỉ mới bắt đầu thực hiện mổ những ca nội soi đầu tiên. Theo 
GS.TS Trần Bình Giang, thế giới khi đó đang rất say mê với phẫu thuật nội soi nhưng giới y học phương Tây cũng nhận định đây là “phẫu thuật quý tộc”, chi phí quá đắt đỏ nên không có chủ trương phát triển nó ở các nước thế giới thứ 3.
 
Năm 1992, khi từ Pháp về Việt Nam, 
GS.TS Trần Bình Giang mang theo một niềm trăn trở: “Làm thế nào để triển khai được ở Việt Nam phẫu thuận nội soi cũng như lấy tiền ở đâu để có thể mua dàn máy đắt đỏ như vậy”. Cũng theo GS.TS Trần Bình Giang GS Giang, có hai người không làm kỹ thuật nội soi nhưng có công rất lớn trong việc giúp tôi phát triển kỹ thuật nội soi ở Việt Nam. Người thứ nhất ông nhắc đến là cố GS. Nguyễn Dương Quang, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức. GS. Nguyễn Dương Quang là người đã đưa số tiền 500 triệu đồng, số tiền theo tiêu chuẩn nhà nước cấp để mua xe ôtô cho bệnh viện sau khi lắng nghe GS.TS Trần Bình Giang trình bày nguyện vọng về dàn máy mổ nội soi. Huy động thêm kinh phí từ các đồng nghiệp, ông đã mua bộ máy nội soi đầu tiên cho bệnh viện Việt Đức với giá 650 triệu đồng (thời điểm năm 1992).
 

GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Chủ tịch Hội phẫu thuật nội soi Việt Nam, Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam
 và nguyên là Phó Chủ tịch Hội phẫu thuật nội soi châu Á -Thái Bình Dương. Ảnh Việt Cường


GS.TS Trần Bình Giang thực hiện ca mổ nội soi tại phòng mổ hiện đại tiêu chuẩn thế giới của Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: Tư liệu


GS.TS Trần Bình Giang cùng Trung ương Hội Chữ thập đỏ tặng quà cho các bệnh nhân nhi đang nằm tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: Tư liệu

Nhưng ông tiếp tục phải đối mặt với sự nghi ngờ của các giáo sư đầu ngành và các đồng nghiệp về kỹ thuật bởi nó quá mới mẻ, quá "Tây" khi áp dụng ở Việt Nam: “Mổ mở còn khó, nói gì đến mổ nội soi”, ông chia sẻ. Tuy nhiên, đến đầu năm 1993, GS.TS Trần Bình Giang vẫn quyết định mời GS Delaitre (Deux Litre) sang Việt Nam để thực hiện mổ nội soi. Ông giáo sư người Bỉ khi sang Việt Nam đã mang theo một máy quay phim cầm tay để quay tư liệu cho bộ phim ngắn về “phẫu thuật nội soi ở các nước thứ ba”.
 
Bộ phim sau này của vị giáo sư người Bỉ đã đạt giải nhất trong Đại hội Phẫu thuật nội soi thế giới. 
GS.TS Trần Bình Giang vẫn nhớ như in lời bình trong cảnh quay vết đốt của một con muỗi, cạnh vết mổ nội soi của một bệnh nhân tại chính bệnh viện của mình: “Với phẫu thuật nội soi, kể từ nay những con côn trùng ở các nước nhiệt đới sẽ không bao giờ có cơ hội làm nhiễm trùng vết mổ của các bệnh nhân nữa”. Chuyến đi Việt Nam của GS. Delaitre cũng đã làm thay đổi toàn bộ quan niệm của giới y học phương Tây về việc triển khai kỹ thuật mổ nội soi ở các nước thế giới thứ ba.
 
Hiện kỹ thuật mổ nội soi đã được triển khai ở hầu hết các tuyến y tế cơ sở trên 63 tỉnh thành của Việt Nam, từ tuyến trung ương, đến tuyến tỉnh, tuyến huyện. Đây là thành tích mà ít nước trên thế giới đạt được.
Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên trong nhóm các nước thế giới thứ ba triển khai kỹ thuật mổ nọi soi này. Sự thành công trong việc thực hiện kỹ thuật này ở Việt Nam, sau đó là nguồn cảm hứng để tổ chức bác sỹ không biên giới tăng cường truyền bá, nhân rộng kỹ thuật mới này đến các nước đang phát triển.
 
Người thứ hai có công lớn trong việc giúp 
GS.TS Trần Bình Giang triển khai kỹ thuật mổ nội soi ở Việt Nam chính là cố Giáo sư, Viện sỹ Tôn Thất Bách. “GS.VS. Tôn Thất Bách là người hiểu tâm lý của những người mới làm nên đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để tôi triển khai mổ nội soi” GS.TS Trần Bình Giang chia sẻ. Một trong những ca mổ nội soi đầu tiên của GS.TS Trần Bình Giang chính là người thân của GS.VS. Tôn Thất Bách.
 
Năm 2004, Bệnh viện Việt - Pháp mời GS. Philipe Mouret sang Việt Nam. Nhân cơ hội này, 
GS.TS Trần Bình Giang đã mời người phát minh ra kỹ thuật mổ nội soi đầu tiên trên thế giới này hợp tác để mở những lớp đào tạo phẫu thuật nội soi đầu tiên tại Việt Nam. Sự hợp tác này cũng đã giúp thiết lập một tình bạn thân thiết giữa hai vị Giáo sư đầu ngành nội soi. Và từ khóa học đầu tiên có 30 học viên ấy, đến nay đã có hàng trăm lớp học với hàng nghìn học viên đã được đào tạo kỹ thuật mổ nội soi.
 

GS.TS Trần Bình Giang (thứ nhất bên trái) chụp ảnh cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tưởng Nhật Bản Shinzo Abe
và Chủ tịch Tập đoàn Kitahara, ông Shigemi Kitahara. Ảnh: Tư liệu


GS.TS Trần Bình Giang (thứ 4 từ bên trái) nhận Giải thưởng Nhân tài đất Việt năm 2019. Ảnh: Tư liệu


GS.TS Trần Bình Giang và ông Shigemi Kitahara, Chủ tịch tập đoàn Kitahra kí bản thỏa thuận hợp tác
về Phục hồi chức năng chất lượng cao tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức 1. Ảnh: Tư liệu


GS.TS Trần Bình Giang ký kết hợp tác với tập đoàn Medtronic (Mỹ). Ảnh: Tư liệu

 

Sinh ra ở vùng quê nghèo Thái Bình trong một gia đình đông con, nhưng như lời GS.TS Trần Bình Giang thì: “ Bố mẹ tôi là những người coi trọng việc học, luôn tạo môi trường học tập tích cực cho các anh chị em trong nhà”. Đó cũng chính là động lực giúp cậu bé Trần Bình Giang luôn có thành tích cao trong học tập.
 
Sau khi học hết THPT, trước ngưỡng cửa chọn nghề theo học, gia đình 
GS.TS Trần Bình Giang có người thân mắc bệnh nhưng không chữa được,  ông nhớ lại: “Ngày đó y học còn rất thô sơ, tôi quyết định thi vào ngành y với suy nghĩ đơn giản của một cậu bé muốn tìm ra cách chữa bệnh cho người thân”.
 
Năm 1982, sau khi trở về từ chuyến đi báo cáo khoa học ở Massachusetts (Mỹ),  GS. Tôn Thất Tùng được mời đến nói chuyện với sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội.
 

Hiện theo con số thống kê mới nhất, các bệnh viện Việt Nam đã triển khai kỹ thuật mổ nội soi là 92% miền Bắc, 91% miền Nam, 88% miền Trung.
GS.TS Trần Bình Giang khi đó đang là sinh viên năm thứ hai và là một trong những sinh viên ngồi dưới hội trường hôm đó nhớ lại cảm giác khi được nghe, được nhìn “tượng đài” của ngành Ngoại khoa Việt Nam nói chuyện: “Tác phong nhanh nhẹn, phóng khoáng, mái tóc bạc bồng bềnh, sáng rực như tỏa ra hào quang khiến sinh viên chúng tôi ngưỡng mộ vô cùng”, ông chia sẻ.
 
Và đó cũng là lý do khiến cậu sinh viên Trần Bình Giang quyết định đi nội trú ngoại khoa, mặc cho các thầy nói: “một cậu sinh viên 47 kí lô thì không đủ tiêu chuẩn sức khỏe để theo ngành ngoại khoa”. Từ cuộc gặp gỡ đầu tiên và duy nhất của cậu học trò nghèo với GS. Tôn Thất Tùng trong hội trường năm đó như một sự sắp đặt của số phận. Cậu học trò đó sau này là người mang kỹ thuật mới, tiến bộ của phương Tây cập nhật ở Việt Nam, tiếp nối hào quang và nhiệt huyết của cố GS. Tôn Thất Tùng, trở thành “người thuyền trưởng” tiếp tục dẫn dắt “con thuyền” ngoại khoa ở bệnh viện đầu ngành của Việt Nam phát triển vượt bậc và xứng tầm trong thời đại mới. “Hiện nay, tất cả các kỹ thuật mới trên thế giới đều đang được triển khai tại bệnh viện Việt Đức. Những trung tâm lớn trên thế giới mổ cái gì, Việt Nam đều có thể làm được”, 
GS.TS Trần Bình Giang khẳng định./.
 
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Việt Cường & Tư liệu

Lương y Cao Văn Minh - Bàn tay vàng trong trị liệu xương khớp

Lương y Cao Văn Minh - Bàn tay vàng trong trị liệu xương khớp

Với bàn tay tài hoa và cái tâm của người thầy thuốc, Lương y Cao Văn Minh - người được kế thừa các bài thuốc quý gia truyền của dòng tộc Cao và được đào tạo bài bản tại trường Trung cấp Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội, đã và đang điều trị các bệnh lý về xương khớp, đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ và bại liệt cho hàng chục ngàn bệnh nhân ở Việt Nam và nước ngoài.

Top