Phóng sự chuyên đề

Gốm sứ Bình Dương – Tinh hoa gốm Việt

Các sản phẩm sứ cao cấp Bình Dương với thương hiệu gốm sứ Minh Long I được chọn làm quốc phẩm trong chuyến công du của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước trao tặng cho hơn 40 nguyên thủ các nước trên thế giới. 

Gốm sứ có xuất xứ từ Bình Dương trong thời gian qua đã gắn liền với nhiều sự kiện đối ngoại và đối nội quan trọng của quốc gia như làm quà tặng trong các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, APEC 2006 và 2017 được tổ chức tại Việt Nam, 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Hội nghị ASEAN 17…Đặc biệt, các sản phẩm sứ cao cấp Bình Dương với thương hiệu gốm sứ Minh Long I được chọn làm quốc phẩm trong chuyến công du của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước trao tặng cho hơn 40 nguyên thủ các nước trên thế giới. Chúng tôi đã về Bình Dương, sau đợt dịch Covid lần thứ 4 để tìm hiều về nghề gốm nổi danh trên “bản đồ gốm sứ thế giới” ở vùng đất này.

Đất Bình Dương bén duyên nghề làm gốm


Được biết, nghề làm gốm ở Bình Dương xuất hiện vào cuối thế kỉ 18 đầu thế kỷ 19 do các di dân người Hoa đến lập nghiệp ở vùng đất này. Ở Bình Dương có ba làng nghề làm gốm lâu đời và nổi tiếng, đó là Tân Phước Khánh, Lái Thiêu và Chánh Nghĩa. Đặc điểm chung của gốm Bình Dương chính là sử dụng nguồn nguyên liệu từ loại đất sét có độ dẻo, độ kết dính cao nằm dọc theo những con sông ở địa phương để nhào nặn, cùng với đó là kỹ thuật làm gốm gia truyền của những nghệ nhân gốc Hoa và bí quyết canh nung chín gốm bằng củi để ra được những mẻ gốm hoàn hảo.

Trong giai đoạn 1910-1930, ở Bình Dương chỉ có khoảng 40 lò gốm với khoảng 1.000 lao động, đến năm 1985 có 273 cơ sở gốm thu hút 6.700 lao động. Đến nay có gần 300 cơ sở sản xuất gốm với khoảng 500 lò gốm thu hút hơn 15.000 lao động, cung cấp cho thị trường từ 130 -150 triệu sản phẩm/năm.
Theo ông Quách Hữu, thợ làm gốm có kinh nghiệm hơn 40 năm ở làng gốm Tân Phước Khánh cho biết: “Nghề làm gốm là nghề cha truyền con nối, đến tôi đã là đời thứ ba. Nghề này thường được ví von là một công việc suốt ngày “chơi” với đất sét, từ các công đoạn lấy đất, chọn lọc, pha trộn và nhồi nặn…, đôi bàn tay lúc nào cũng bị bao phủ bởi lớp đất sét”.

Hiện nay, cơ sở của ông Quách Hữu chuyên về sản xuất chậu sứ, bán trong nước và một số công ty đặt hàng xuất khẩu. Ông cũng cho biết thêm đối với nghề làm gốm thủ công đòi hỏi người thợ phải cẩn thận, tỉ mỉ và khéo tay. Ở các giai đoạn tạo hình, tráng men cần phải cẩn trọng hơn nữa. Trong đó, giai đoạn nung một mẻ gốm khoảng 200 sản phẩm bằng củi tại cơ sở của ông có thời gian là 3 ngày, đòi hỏi người thợ phải có nhiều kinh nghiệm mới có thể canh đúng độ lửa, gốm mới chín đều và đẹp.



Nghệ nhân Hồ Văn Lớn cho đất vào khuân tại lò lu Đại Hưng. Ảnh: Lê Minh / VNP


Nghệ nhân có tay nghề cao mới tạo được những tác phẩm gốm sứ đẹp và bắt mắt tại làng gốm Tân Phước Khánh. Ảnh Thông Hải / VNP



Đổ nguyên liệu vào khuôn để tạo hình ban đầu cho gốm sứ tại làng gốm Tân Phước Khánh. Ảnh Thông Hải / VNP



Lấy các sản phẩm từ trong khuôn để khô trước khi đưa đi nung ở làng gốm Tân Phước Khánh. Ảnh Thông Hải / VNP


Phơi khô các sản phẩm trước khi nung tại làng gốm Tân Phước Khánh. Ảnh Thông Hải / VNP


Trong lò nung sản phẩm gốm thủ công ở lò lu Đại Hưng. Ảnh: Lê Minh / VNP


Tạo hình cho gốm nghệ thuật tại một cơ sở sản xuất ở Lái Thiêu. Ảnh Thông Hải / VNP




Các sản phẩm độc đáo có hoa văn bắt mắt với tay nghề cao của người thợ làm gốm Lái Thiêu. Ảnh Thông Hải / VNP

Nếu như trước đây, các sản phẩm của gốm Bình Dương chủ yếu là các sản phẩm gia dụng, như: tô,chén, đĩa, đôn ghế, tượng, chậu hoa… thì hiện nay việc nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng cũng như công nghiệp hóa một số công đoạn sản xuất đã cho ra số lượng lớn và đa dạng các dòng sản phẩm cơ bản cho đến cao cấp, phục vụ được đa dạng nhu cầu trong đời sống.…

Trong năm 2021, tỉnh Bình Dương vinh dự có thêm hai di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, gồm “Nghề thủ công truyền thống nghề gốm Bình Dương” và “Tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian võ lâm Tân Khánh Bà Trà”, dự kiến lễ công bố và trao bằng công nhận sẽ được tổ chức tại Bảo tàng tỉnh Bình Dương nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam sắp tới (23/11).
Ngoài ra, nghề làm heo đất ở Lái Thiêu với các sản phẩm heo đất thủ công và nghề làm lu, khạp, vại ở lò lu Đại Hưng (Tp. Thủ Dầu Một) là một hướng phát triển rất độc đáo của nghề gốm thủ công ở Bình Dương, đã khẳng định được thương hiệu và được người tiêu dùng xa gần biết đến.

Đặc trưng của gốm sứ Bình Dương nằm ở độ bền của sản phẩm, nước men tráng và các chủ đề trang trí đa dạng nhưng gần gũi như phong cảnh thiên nhiên vùng quê Nam bộ, các di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất nước. Hơn nữa, các sản phẩm gốm sứ đất Bình Dương hiện nay có thêm sự pha trộn giữa nét truyền thống Việt Nam và tính hiện đại của phương Tây nên rất được thị trường châu Âu ưa chuộng, mang lại nguồn kinh tế ổn định và phát triển tích cực cho nghề làm gốm. Trong đó, các sản phẩm của gốm sứ Minh Long 1 được xem là tiên phong trong việc mang các sản phẩm gốm sứ Bình Dương chất lượng cao ra thế giới.

Quốc phẩm gốm sứ Minh Long I

Để xây dựng được thương hiệu gốm sứ Bình Dương có được một vị trí vững chắc trong thị trường gốm sứ hiện nay là cả một quá trình học hỏi và cải tiến, trong đó có sự đóng góp của nhiều thế hệ nghệ nhân tài hoa, dành tâm huyết cả đời để quảng bá nghề gốm sứ truyền thống của quê hương mình. Tiêu biểu nhất có Nghệ nhân Nhân dân Lý Ngọc Minh, Tổng giám đốc công ty TNHH Minh Long I với thương hiệu gốm sứ Minh Long I nổi tiếng trong nước và trên thế giới.


Nghệ nhân Nhân dân Lý Ngọc Minh đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao Động vào năm 2007.
Kế thừa truyền thống làm gốm thủ công lâu đời của gia đình có 4 đời làm gốm gia truyền trên vùng đất Tân Phước Khánh – Bình Dương, Nghệ nhân Nhân dân Lý Ngọc Minh Lý Ngọc Minh thừa hưởng những kỹ thuật làm gốm điêu luyện cùng “bí kíp” làm gốm độc đáo, nhưng quan trọng hơn hết chính là khát vọng xây dựng nên một thương hiệu gốm sứ Việt Nam uy tín với chất lượng cao, khẳng định được vị trí của gốm Việt trên thị trường quốc tế.


 Công ty TNHH Minh Long I áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất gốm sứ. Ảnh: Tư liệu Minh Long I
 

Nghệ nhân Nhân dân Lý Ngọc Minh hướng dẫn chi tiết để người thợ hoàn thiện tác phẩm gốm sứ. Ảnh: Tư liệu Minh Long I


Các công đoạn vẽ hoa văn hoàn thiện sản phẩm gốm sứ Minh Long I. Ảnh: Tư liệu Minh Long I


Chiếc chén ngọc APEC là quà tặng chính thức cho lãnh đạo 21 nền kinh tế trong sự kiện APEC 2017 do Việt Nam tổ chức. Ảnh: Tư liệu Minh Long I



Bộ ấm chén có họa tiết được vẽ bằng vàng dùng phục vụ Tiệc chiêu đãi các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế 
trong sự kiện APEC 2017 được tổ chức tại Việt Nam. Ảnh: Tư liệu Minh Long I



Bộ bình được vẽ tinh xảo của thương hiệu gốm sứ Minh Long I. Ảnh: Tư liệu Minh Long I

 

Bộ trà hoàng gia là một sản phẩm đẳng cấp của các nghệ nhân gốm sứ Minh Long. Ảnh: Tư liệu Minh Long I

Gốm sứ Minh Long I do ông sáng lập chính là bước đột phá trong ngành gốm sứ Việt. Với hệ thống nhà xưởng quy mô cùng với thiết bị máy móc hiện đại và đội ngũ nhân sự có chuyên môn kỹ thuật cao, gốm sứ Minh Long I luôn giữ tiêu chí cao nhất về tiêu chuẩn chất lượng cho tất cả các sản phẩm lên hàng đầu. Các sản phẩm đều được sản xuất trên dây chuyền tiêu chuẩn châu Âu, cùng với kỹ thuật công nghệ nung ở nhiệt độ cao, công nghệ vẽ màu trên sứ, ứng dụng công nghệ nano vào sản xuất cùng quá trình kiểm định kỹ lưỡng của các chuyên gia đối với từng sản phẩm.

Với vai trò là nhà tài trợ đặc biệt của sự kiện APEC Việt Nam 2017, bộ sản phẩm Hoàng Liên của Minh Long vinh dự được chọn phục vụ tại tiệc chiêu đãi cấp Nhà nước và bộ sản phẩm “Chén ngọc” là quà tặng dành cho lãnh đạo 21 nền kinh tế tham dự.
Gốm sứ Minh Long I có sự sáng tạo đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, hoa văn trang trí với phong phú các dòng sản phẩm: sứ dùng cho gia đình, dòng sản phẩm chuyên dùng cho nhà hàng, khách sạn, sản phẩm dưỡng sinh, quà tặng lưu niệm, mỹ thuật, trang trí, bộ sưu tập linh vật… Gốm sứ Minh Long I không chỉ mang đến các sản phẩm với vẻ đẹp chân thật, tự nhiên, chất lượng cao mà còn tạo ra bước tiến mới trong lĩnh vực sản xuất gốm sứ công nghiệp hiện đại ở Việt Nam. Các dòng sản phẩm cao cấp chất lượng cao của Minh Long I hiện nay đã có mặt ở nhiều thị trường quốc tế khó tính như: Đức, Pháp, Hà Lan, Mỹ, Nhật…Còn tại Việt Nam, Minh Long I được biết tới là thương hiệu gốm sứ cao cấp hàng đầu Việt Nam với uy tín và chất lượng sản phẩm đặc trưng, cùng với hệ thống cửa hàng, nhà phân phối, đại lý trên cả nước.

Đặc biệt, trong nhiều năm qua, thương hiệu gốm sứ Minh Long I với uy tín, đặc trưng về chất lượng và sản phẩm, đã được tín nhiệm đại diện cho các sản phẩm hàng đầu Việt Nam gắn liền với nhiều sự kiện trọng đại và đối ngoại, như Đại hội Đảng toàn quốc, APEC 2006 - 2017, 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Hội nghị ASEAN 17… Đặc biệt, các sản phẩm sứ cao cấp được chọn làm quốc phẩm trong chuyến thăm của các vị lãnh đạo nhà nước, nguyên thủ quốc gia, và được trao tặng cho hơn 40 lãnh đạo của các nước trên thế giới./.

Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Lê Minh, Thông Hải  & Tư liệu

Có một Thành phố Hồ Chí Minh xanh bên sông Sài Gòn

Có một Thành phố Hồ Chí Minh xanh bên sông Sài Gòn

Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố sông nước bởi ở đây có ba con sông lớn là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Nhà Bè, cùng hệ thống kênh rạch lớn nhỏ lan tỏa khắp thành phố tạo nên những không gian đô thị độc đáo bên sông. Thành phố quy hoạch phát triển không gian đô thị dọc sông Sài Gòn nhằm tạo dựng một đô thị sông nước xanh và hiện đại. Đến nay, bức tranh về một đô thị xanh bên sông Sài Gòn đoạn khu vực trung tâm của thành phố đã dần định hình với diện mạo hiện đại, trẻ trung, năng động.

Top