Gỏi lá là món đặc sản mang đậm hương vị núi rừng Tây Nguyên từ lâu đã quyến rũ du khách bốn phương khi đến với thành phố xinh đẹp Kon Tum bên dòng Đắk Blah thơ mộng.
Suốt một tháng rong ruổi trong chuyến công tác tại khu vực Bắc Tây Nguyên, chúng tôi thực sự ấn tượng khi thưởng thức món đặc sản gỏi lá khi dừng chân ở thành phố Kon Tum thuộc tỉnh Kon Tum. Chỉ cần nghe qua tên đã thấy sự đặc biệt và đúng chất đặc sản của núi rừng với nguyên liệu chính là… lá của hơn 60 cây, củ các loại.
Điều may mắn là chúng tôi đã được thưởng thức món đặc sản này đúng vào mùa khô Tây Nguyên khi mà hơn 60 loại lá đó được tập hợp đầy đủ. Có thể kể ra các loại lá quen thuộc sau đây: mơ lông, đinh lăng, sung, cải, tía tô, lá bứa, hồng ngọc, ổi, chùm ruột, lê rừng, xoài...
Ngoài ra, có nhiều loại lá chỉ ở Tây Nguyên mới có để mang đến hương vị núi rừng cho món gỏi lá như: ngành ngạnh tím, trâm, lá chua, lá con khỉ, vừng…
Bì trộn thính, thịt ba chỉ và tôm thuộc loại nhỏ tạo thêm hương vị cho món gỏi lá độc đáo.
Nước chấm gỏi lá thực sự là một bí quyết gia truyền.
Mỗi loại lá trong món gỏi lá còn được biết đến như một vị thuốc.
Gỏi lá thường được cuốn lại thành hình chiếc phễu trước khi ăn.
Mâm gỏi lá này được dùng cho khoảng 5 người ăn.
Thưởng thức gỏi lá như một bữa tiệc với hơn 60 loại lá khác nhau. |
Nguyên liệu làm nước chấm cho món gỏi lá là tôm, thịt nạc băm nhỏ trộn đều với mẻ và đun chín. Một tô nước chấm hoàn chỉnh phải ở dạng sền sệt, không đặc quá để tiện múc úp lên gỏi lá.
Để làm nhân cho món gỏi lá còn có thêm đĩa thịt luộc thái mỏng, đĩa tôm luộc loại nhỏ, đĩa bì trộn thính, chút hạt tiêu, muối hạt và ớt chỉ thiên (loại ớt trái nhỏ chổng ngọn lên trời của đồng bào dân tộc).
Người đến Kom Tum thưởng thức món gỏi lá vẫn truyền tai nhau, ăn món gỏi lá như tận hưởng khá trọn vẹn một bữa tiệc mang hương vị núi rừng Tây Nguyên. Bắt đầu ăn, ta lấy một lá to xếp thành hình chiếc phễu để ngoài cùng. Bên trong là những loại lá nhỏ hơn. Thêm tôm, bì, thịt, mỗi thứ một ít. Trong cùng bỏ chút tiêu, muối, ớt chỉ thiên, rồi múc một muỗng nhỏ nước chấm sền sệt trước khi cuộn các thứ lại thành một gói nhỏ và đưa vào miệng…
Hỗn hợp các loại rau rừng cùng với nước chấm sẽ tạo cho món gỏi lá vừa có vị ngọt của thịt, tôm, lại có thêm vị cay, thơm nồng của tiêu hạt, ớt chỉ thiên; hương men của mẻ; cay, chát thơm của lá…
Đến đoạn này thì người viết tự nhiên trở nên nhạt miệng, nhớ lại chút dư vị của món đặc sản gỏi lá Kon Tum như đang đọng lại nơi cuống lưỡi mà nghe thòm thèm…/.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Nguyễn Luân