Văn hóa

Giữ gìn bản sắc văn hóa Việt

Nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian truyền thống trong xã hội đương đại, Lễ hội văn hoá dân gian trong đời sống đương đại Hà Nội 2020 đã thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách. Đây là hoạt động thực hiện cam kết của thành phố Hà Nội khi tham gia Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO.
Năm nay, mặc dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng các quận, huyện và thị xã nơi có các làng nghề truyền thống vẫn nỗ lực để mang đến Lễ hội những nét văn hóa đặc sắc, riêng biệt với những cách thể hiện sáng tạo về không gian làng nghề. Đặc biệt, các nghệ nhân đã mang đến Lễ hội các màn trình diễn các sản phẩm nghề thủ công truyền thống đang được giữ gìn, phát huy giá trị trong đời sống đương đại.

Đến với lễ hội du khách được thăm quan khu vực trưng bày và giới thiệu sản phẩm thủ công, mỹ nghệ có tính thiết kế sáng tạo gồm: Nghề đúc đồng Ngũ Xã (quận Ba Đình), Dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), Đậu bạc Định Công (quận Hoàng Mai), Dệt tơ tằm, tơ sen Phùng Xá (huyện Mỹ Đức)...

Tiếp đó là không gian mỹ thuật dân gian trong đời sống đương đại giới thiệu các loại hình văn hoá dân gian giàu giá trị về lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, đồng thời thể hiện những nỗ lực của chính quyền và người dân trong việc bảo tồn, phục hồi các giá trị văn hoá truyền thống như nghệ thuật nặn tò he Xuân La; các sản phẩm thủ công như: mây tre đan, làm quạt giấy, làm nón lá; các sản phẩm mang đậm yếu tố đương đại như dòng tranh mới được ghép từ các mảnh lụa, vải...

Khu vực giới thiệu hoạt động của Trung tâm hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống Đình Làng Việt, Khu vực giới thiệu không gian giao lưu, trải nghiệm văn hóa về Làng... Toàn bộ không gian được thiết kế sáng tạo giúp du khách trải nghiệm và thực hành cùng các nghệ nhân.



Không gian lễ hội được bài trí rực rỡ sắc màu.


Các gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm thủ công, mỹ nghệ thu hút sự quan tâm của du khách.


Du khách thăm gian hàng Mộc Chàng Sơn.


Các sản phẩm khảm trai tinh tế thu hút sự quan tâm của du khách.


Sản phẩm chuồn chuồn tre Thạch Xá thu hút các bạn trẻ.


Quạt giấy Chàng Sơn cũng góp mặt trong Lễ hội lần này.


Các chiếc khăn được làm từ tơ sen ở Phùng Xá là một sản phẩm không thể bỏ qua.


Du khách nước ngoài bị thu hút bởi chiếc nón lá Việt Nam với những họa tiết trên nón.


Các nghệ nhân nhân thôn Xuân La (Phú Xuyên) thực hiện trực tiếp các sản phẩm tò he tại Lễ hội.


Gian hàng áo dài Trạch Xá được các chị em phụ nữ quan tâm.


Các sản phẩm mây, tre, giang đan Bình Phú (Thạch Xá).


Các sản phẩm sơn mài của làng Hạ Thái (Thường Tín).


Các sản phẩm đậu bạc Định Công (Hoàng Mai).


Các sản phẩm đúc đồng Trường Tâm (Thanh Trì).


Tiết mục nghệ thuật hát Xẩm được trình diễn tại Lễ hội.

Trong khuôn khổ Lễ hội, các loại hình di sản văn hoá phi vật thể của Thủ đô lần lượt được các nghệ nhân tại Hà Nội trình diễn như: Hát ca trù, Hát ví, hát dô (huyện Quốc Oai), Hát chèo tàu (huyện Đan Phượng)…

“Hà Nội là nơi lưu giữ trong mình rất nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu quý giá, mang nét đặc trưng riêng của văn hóa Tràng An, văn hóa xứ Đoài. Đây chính là nguồn lực nội sinh giàu năng lượng, ngày càng hội tụ, lan tỏa, góp phần xây dựng 'Thủ đô Anh hùng', 'Thành phố Vì hòa bình', 'Thành phố Sáng tạo' ", ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu tại Lễ khai mạc.

Văn hóa dân gian lưu truyền qua nhiều thế hệ, các giá trị đó liên tục được tái cấu trúc, tạo nên bộ mặt văn hóa của xã hội đương đại. Việc phát huy các di sản văn hóa dân gian trong đời sống đương đại không chỉ là bảo tồn cho đúng các giá trị nguyên bản, mà còn phải phát triển thêm các giá trị tốt đẹp để văn hóa ấy không chỉ mang lại giá trị tinh thần cho người dân mà còn góp phần phát triển kinh tế xã hội, là cơ hội khởi nghiệp sáng tạo cho giới trẻ và là nền tảng cho chúng ta khi hội nhập thế giới.

Lễ hội Văn hoá dân gian trong đời sống đương đại nhằm tôn vinh và giới thiệu tới người dân Hà Nội và du khách về văn hoá dân gian, di sản văn hoá thủ đô trong đời sống đương đại. Đây là hoạt động thiết thực góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá dân gian truyền thống trong xã hội đương đại, nhằm thực hiện cam kết của thành phố Hà Nội tham gia mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO./.

 
Bài và ảnh: Trần Thanh Giang


Top