Ngôi nhà của những đứa trẻ đặc biệt nhưng khác biệt

Ngôi nhà của những đứa trẻ đặc biệt nhưng khác biệt

Dự án hướng nghiệp dành cho trẻ tự kỷ và chậm phát triển của chị Phan Thị Lan Hương đã giúp cho những đứa trẻ tuy đặc biệt nhưng lại có thể tạo ra sự khác biệt.

Dự án hướng nghiệp dành cho trẻ tự kỷ và chậm phát triển được chị Phan Thị Lan Hương bắt đầu thực hiện từ tháng 10/2018.

Chúng tôi đến ngôi nhà dành cho những đứa trẻ tự kỷ và chậm phát triển nằm ở phố Yên Hòa (Hà Nội) của mẹ Hương, cách gọi của mỗi đứa trẻ đang học và làm tại đây vào một buổi chiều tháng 7. Khi bọn trẻ bắt đầu giờ tập thể dục đầu giờ trước khi vào học với không khí rất vui vẻ và đùa nhau như những người bạn, chúng tôi khá ngạc nhiên bởi không nghĩ những gương mặt đáng yêu, hồn nhiên và đã hơn 10 tuổi, thậm chí 24 tuổi nhưng lại chỉ có trí tuệ chỉ giống như đứa trẻ tầm 6,7 tuổi.

Chị Hương chia sẻ: “Đến đây tất cả mọi người đều nhận thấy một đặc điểm khác những nơi khác đó chính là không khí vui vẻ, hòa đồng giống như một gia đình. Và bố mẹ cũng nhận rõ rằng sau một thời gian theo học và làm nghề, các con đều tốt hơn về giao tiếp và hành vi”.

Khi những đứa trẻ nhận thức gần giống nhau sẽ được cho học chung để tạo không khí lớp học.

Từng công tác với vai trò Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quyền trẻ em thuộc Liên hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam- Bộ Khoa học Công nghệ, cùng việc thích đi làm từ thiện và học thêm về giáo dục đặc biệt, chị Hương đã mở ra dự án hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ và chậm phát triển tháng 10 năm 2018. Ban đầu chị cùng cộng sự của mình là các giáo viên thuộc ngành công tác xã hội, tâm lý và mỹ thuật bắt đầu lên chương trình giáo án phù hợp với những đứa trẻ đặc biệt.

Khi những đứa trẻ nhận thức gần giống nhau sẽ được cho học chung để tạo không khí lớp học.

Hầu hết các em đến đây đều có ở đây đều nhận thức ở con số 0 nên khi vào đây sẽ học lại kiến thức căn bản từ việc học nhận biết màu, đến việc cầm bút để tô màu. Rồi dạy pha trộn màu sắc với nhau như nào, sử dụng bao nhiêu loại màu trong một bức tranh để có thể pha màu phù hợp cho bức tranh định làm.

Chị Hương chia sẻ: “Mỗi đứa trẻ ở mỗi mức độ nhận thức khác nhau nên thông thường các cô sẽ dành thời gian dạy kèm 1-1, khi các bạn đã nhận thức được gần bằng nhau sẽ cho học lớp chung với nhau cho có không khí bạn bè cùng học. Trong quá trình học các bạn sẽ mất tiền học phí, nhưng sau thời gian học các cô sẽ quan sát biểu hiện cũng như nhận thức của mỗi bạn để đưa lên phòng làm sản phẩm và tùy vào số lượng để trả lương mỗi tháng dao động từ 1.500.000 đồng đến 2.700.000/tháng.”.

Tùy vào mức độ nhận thức của mỗi đứa trẻ mà có thể sau 2 hoặc 3 năm, những đứa con của chị Hương sẽ có thể tự tay vẽ những bức tranh sen đẹp đến mê lòng người, hay tạo ra được màu sắc bắt mắt trên những chiếc túi cói khá thời trang. Ngoài ra, các em còn có thể tạo ra những quyển sổ tay từ việc tái chế những tờ lịch bỏ đi hay tự móc được những chiếc túi len.


Minh (24 tuổi) tay vừa làm sổ tay vừa bảo với chúng tôi với giọng nói không được rõ lắm: “Con theo học ở chỗ mẹ Hương được 3 năm rồi được mẹ Hương cho lên làm sổ. Mỗi tháng mẹ Hương sẽ trả cho tầm 1.500.000 tiền lương. Học ở đây với các bạn rất vui nên hàng ngày con vẫn đi xe bus từ nhà con ở ngoại thành đến, chứ không muốn ở nhà.”.

Hay cô bé Ngọc được chị Hương nhận nuôi toàn diện 4 năm nay từ một cô bé chậm phát triển và tự tin giao tiếp đã mạnh dạn giao tiếp hơn chia sẻ: “Con được mẹ Hương và các cô ở đây dạy 2 năm thì con đã tự móc được những chiếc túi len, mẹ Hương sẽ định hướng về màu sắc rồi con sẽ tự đan thành chiếc túi để có thể bán được.”.


Từ những cô bé, cậu bé tự kỷ và chậm phát triển mà nhiều người nghĩ rằng khó có thể có được một công việc cho bản thân, bằng tình yêu thương, sự trách nhiệm cùng sự kiên nhẫn của chị Hương và các cô giáo, các em đã tạo ra khác biệt trong sự đặc biệt của bản thân với sáng tạo ra nhiều sản phẩm có tích hữu ích cho cuộc sống thường ngày./.

Bài: Ngân Hà- Ảnh: Khánh Long/Báo ảnh Việt Nam

 

 

 

 

 

 


Top