Văn hóa

Gìn giữ vốn ca trù

Vừa qua, Liên hoan Ca trù Hà Nội 2012 đã được tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy vốn ca trù quý báu của thủ đô, từ đó, góp phần gìn giữ di sản văn hóa dân tộc.

Ca trù, hay còn gọi là hát Ả đào, là loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống của miền Bắc, thịnh hành từ khoảng thế kỷ 15, phổ biến trong đời sống sinh hoạt văn hóa ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 trở về trước. Mục đích của Liên hoan Ca trù Hà Nội 2012 là nhằm kiểm kê, bảo tồn các làn điệu ca trù cổ thuộc các loại hình hát thờ, hát cửa đình, hát cửa quyền và hát ca quán.

Tham gia Liên hoan Ca trù Hà Nội 2012 có các câu lạc bộ (CLB), giáo phường có tiếng của đất Hà thành như: Giáo phường Thăng Long, Giáo phường Thái Hà, Giáo phường Lỗ Khê, CLB ca trù Hà Nội, CLB ca trù Chanh Thôn. Liên hoan cũng là dịp khuyến khích, động viên các CLB, nhóm ca trù Hà Nội kiểm kê danh mục các làn điệu ca trù cổ, trình diễn những làn điệu ca trù đó nhằm tạo sắc thái nghệ thuật riêng. Liên hoan Ca trù Hà Nội 2012 còn là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ và những khán giả yêu ca trù trong, ngoài nước gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, đồng thời là hoạt động của ngành văn hóa Thủ đô góp phần thực hiện cam kết với UNESCO về công tác bảo tồn Ca trù - Di sản văn hóa thế giới .
 

Ca trù là loại hình nghệ thuật có từ lâu đời, có quá trình phát triển ít nhất từ thế kỷ 15 đến nay.

Tại liên hoan, các câu lạc bộ, các giáo phường đã biểu diễn và phục dựng nguyên bản các làn điệu
đang có nguy cơ mai một như Hát thờ, Hát cửa đình...

Cùng với biểu diễn các làn điệu,
Liên hoan Ca trù Hà Nội 2012 còn tổ chức tọa đàm về giải pháp bảo tồn ca trù Hà Nội.

Liên hoan ca trù Hà Nội 2012 thu hút sự tham gia của không ít ca nương trẻ
đến từ các câu lạc bộ, các giáo phường ca trù Hà Nội.

Tại liên hoan, người xem đã được thưởng thức giọng ca, tiếng đàn, tiếng phách của các thành viên CLB Ca trù Hà Nội như: Nghệ sĩ ưu tú Lê Thị Bạch Vân, ca nương Lê Ngọc Hân, Nghệ nhân dân gian Đỗ Thị Khuê (94 tuổi), Nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Sinh (90 tuổi)... Bên cạnh đó, CLB Ca trù Hà Nội còn có Nghệ nhân dân gian đàn đáy Vũ Văn Hồng, Nghệ nhân trống cái Vũ Văn Cốm cũng đã rất cao tuổi. Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Giáo sư-Tiến sỹ Khoa học Tô Ngọc Thanh khẳng định: “Họ là những “báu vật sống” của nghệ thuật ca trù”. Đó là những người còn giữ được kinh nghiệm quý giá, những làn điệu cổ của nghệ thuật ca trù Việt Nam. 

Nghệ sĩ ưu tú Bạch Vân, CLB Ca trù Hà Nội chia sẻ: “Là nghệ sĩ, một người trong nghề, Bạch Vân cảm thấy vô cùng phấn khởi vì Liên hoan Ca trù Hà Nội 2012 đã khẳng định sự quan tâm của lãnh đạo thành phố tới ca trù, một tín hiệu đáng mừng trong việc bảo tồn loại hình nghệ thuật này. Liên hoan Ca trù Hà Nội 2012 đã quy tụ được các nghệ nhân cao tuổi, những gạo cội trong làng ca trù. Đây cũng là dịp để kiểm kê những làn điệu ca trù cổ, thu hút các bạn trẻ quan tâm tới nghệ thuật ca trù, cùng nhau bảo tồn một loại hình nghệ thuật đặc sắc trong kho tàng văn hóa dân gian”.
 

Nghệ nhân dân gian đàn đáy Vũ Văn Hồng.
.

Nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Sinh.

 

Ca nương Lê Ngọc Hân (bên phải) trước giờ biểu diễn.

Ca trù độc đáo ở không gian nghệ thuật riêng, nhạc cụ và thể thơ riêng biệt.

Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hà Nội và Giáo sư Tô Ngọc Thanh,
Chủ tịch Hội Nghiên cứu Văn hóa Dân gian
trao Chứng nhận Nghệ nhân Dân gian cho các nghệ sĩ, ca nương.

Những nghệ nhân cao tuổi, "báu vật sống" của nghệ thuật ca trù.

Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Giáo sư-Tiến sỹ Khoa học Tô Ngọc Thanh còn cho rằng, việc gìn giữ và bảo tồn nghệ thuật ca trù là vấn đề cấp bách đang được quan tâm. Tuy nhiên, để công việc đó thật sự hiệu quả, rất cần những thế hệ nghệ sĩ trẻ kế nghiệp. Hiện nay, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam hàng năm đang cố gắng mở các lớp tập huấn về ca trù. Bên cạnh đó, việc truyền nghề trong hoạt động của các CLB ca trù đóng vai trò rất quan trọng, góp phần bảo tồn, gìn giữ loại hình nghệ thuật này.

Nghệ sĩ ưu tú Bạch Vân cho biết, hiện nay, CLB Ca trù Hà Nội đã có các sinh viên theo học với mong muốn trở thành ca nương trong tương lai. Tuy nhiên, Nghệ sĩ ưu tú Bạch Vân cũng nhấn mạnh, để đào tạo được một ca nương hát được không phải là chuyện “một sớm một chiều”. Một đào nương có thể hát trên sân khấu ca trù ít nhất phải mất 3 năm, 5 năm, thậm chí 10 năm và đòi hỏi sự nỗ lực lớn của cả người truyền nghề cũng như người học nghề. Vì vậy, việc tạo điều kiện để các CLB, các giáo phường ca trù hoạt động là việc làm cần được quan tâm nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Đây không chỉ là mong muốn của cộng đồng mà còn là của chính những nghệ nhân, những người đang ngày ngày truyền lại cho thế hệ trẻ những làn điệu, nhịp phách của ca trù.

Theo Ban tổ chức, mỗi câu lạc bộ ca trù hiện đang lưu giữ và thể hiện thành thạo trên 20 làn điệu ca trù, trong đó có những làn điệu cơ bản như: Gửi thư, Hát nói, Tỳ bà hành…. Tại lễ bế mạc, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã vinh danh 10 nghệ nhân dân gian. Một tín hiệu đáng mừng là, từ nay, Liên hoan Ca trù Hà Nội sẽ định kỳ diễn ra 2 năm một lần./.
Bài: Thục Hiền - Ảnh: Trịnh Văn Bộ

Bài: Thục Hiền - Ảnh: Trịnh Văn Bộ

Nhớ tranh Tết làng Sình

Nhớ tranh Tết làng Sình

Ngày xưa, những ngày áp Tết, khắp các khu chợ ở Huế đâu đâu cũng có bày bán tranh làng Sình, loại tranh thờ nổi tiếng của làng Lại Ân ở Huế, thành ra cứ nhắc đến tranh làng Sình là người Huế lại nôn nao nỗi nhớ Tết về.

Top