Chân dung

Gặp gỡ "bác sĩ" saxophone Nguyễn Duy Khang

Đã là nghệ sĩ kèn đồng saxophone thì gần như không ai là không biết đến anh Nguyễn Duy Khang vừa bước sang tuổi 40, sinh sống tại quận Tân Phú, TPHCM. Được mệnh danh là “bác sĩ" saxophone, người đàn ông này chính là vị cứu tinh cho nhiều cây kèn đồng của các nghệ sĩ saxophone nổi tiếng trong lẫn ngoài nước.
Sợi dây se duyên cho anh Nguyễn Duy Khang với nghề này chính là ông ngoại của anh. Năm học lớp ba, anh được chính ông ngoại truyền nghề với ước mong cháu mình sẽ nối nghiệp gia đình. Anh Duy Khang kể: “Ông ngoại tôi học được nghề sửa kèn đồng từ ngày còn đi lính. Sau khi giải ngũ, ông về nhà mở tiệm và truyền nghề lại cho con cháu”. Anh Nguyễn Duy Khang bắt đầu làm quen với kèn đồng saxophone từ lúc học lớp ba. Khi đó để tiện cho việc học nghề của ông ngoại, anh đã rời ba mẹ để chuyển qua ở hẳn cùng với ông bà. Ngoài ông ngoại, “bác sĩ" saxophone còn học hỏi thêm rất nhiều điều bổ ích từ cậu của mình. Từ bé đã dược tiếp xúc với kèn đồng, cộng thêm việc bản thân anh Duy Khang có đam mê, nghề dạy nghề nên càng làm thì anh lại càng có thêm nhiều kinh nghiệm quý báu.
 
Năm 17 tuổi anh Nguyễn Duy Khang một mình lên Sài Gòn lập nghiệp. Khi ấy, “bác sĩ" saxophone thuê nhà ở đường Đồng Đen và bắt đầu mở cửa tiệm để làm nghề. “Ba mẹ không hỗ trợ vốn hay gì hết, tôi cứ tự một mình làm hết. Thời đó, tôi thường vác đồ nghề đi sửa kèn trong các nhà thờ. Một đồn mười, từ từ nhiều người biết đến thế là tôi lập nghiệp luôn ở đất Sài Gòn cho đến lúc này”, anh nhớ lại thuở mới vào nghề.
 
Trong suốt hơn 20 năm làm "bác sĩ" saxophone, anh Nguyễn Duy Khang chưa từng một lần nào phải “bó tay” trước “bệnh nhân” kèn đồng. Chia sẻ về việc này, anh cho biết: “Tôi có thể chế tạo ra một cây kèn saxophone nên việc sửa chữa không phải là vấn đề lớn. Thời ông ngoại, gia đình chúng tôi đã đi mua đồng ở chợ Kim Biên để gò làm kèn saxophone rồi. Lúc đó tôi phụ ông và cậu làm cái này cái kia, cây kèn mất phụ kiện nào là mình lại làm cái đó. Không phải chỉ sửa chữa mà tôi còn có thể chế tạo kèn saxophone. Thế nên, khi cây kèn saxophone hư bất cứ bộ phận nào thì tôi cũng đều có thể sửa được. Tôi không ngại bất cứ điều gì!”.
 


Một góc làm việc của anh Nguyễn Duy Khang.


Có rất nhiều dụng cụ khác nhau phục vụ Nguyễn Duy Khang sửa chữa những cây kèn.



Từ bé anh đã có đam mê với những cây kèn đồng.



Trong suốt hơn 20 năm làm nghề, chưa bao giờ anh Nguyễn Duy Khang chịu bó tay trước bất cứ cây kèn nào.



Qua những năm làm nghề, anh đã sưu tập nhiều câu chuyện về kỉ niệm của khách hàng với chiếc kèn mà họ sỡ hữu.



Nhiều chiếc kèn hư hỏng trầm trọng mà khách hàng không thề nhờ ai khác ngoài anh Nguyễn Duy Khang.



Mỗi khi hoàn thành một sàn phẩm là mỗi lần anh cảm thấy mãn nguyện và càng thêm yêu nghề hơn.



Có những cây kèn đã mang sửa chỗ khác nhưng khách hàng vẫn không ưng ý mà phải nhờ đến anh Nguyễn Duy Khang.



Với "bác sĩ" saxophone, mỗi lần gặp ca hư hỏng nặng là một lần được học hỏi và thử thách tay nghề.

Kỷ niệm về những lần sửa kèn cho khách nhiều không đếm xuể. Có khi anh Nguyễn Duy Khang phải cấp cứu cho một cây kèn saxophone bị tai nạn giao thông – mà phần lớn các bộ phận trên thân kèn đều bị móp méo. Cũng có lúc anh lại cứu chữa cho những chiếc kèn có chủ nhân ở nước ngoài bị hư hại bởi nhiều lý do khác nhau. “Có những chiếc kèn saxophone quý và gắn bó với người sử dụng trong một thời gian dài nên hư hại thì họ tìm cách sửa lại chứ không thể thay thế được”, anh tâm sự thêm.
 
Càng gặp những ca kèn saxophone hư hại càng nặng, khó sửa chữa thì “bác sĩ" saxophone càng thấy thích thú. Bởi anh Nguyễn Duy Khang xem đó là cách để bản thân mình được học hỏi và thử thách tay nghề. Anh Khang cho biết, để cứu một cây kèn saxophone hư hỏng nặng, anh mất từ một tuần đến một tháng để hoàn thiện, đưa nó trở lại tình trạng ban đầu và giữ được âm thanh chuẩn xác.
 
“Bác sĩ" saxophone từng bôn ba qua nhiều nước trên thế giới để tìm linh kiện và kinh nghiệm mang về Việt Nam. Trong các chuyến đi đó, anh Nguyễn Duy Khang nhớ nhất là vào thời điểm năm 2014, anh kể: “Lúc đó, tôi tham gia khoá huấn luyện của Yamaha tại Nhật, mỗi ngày họ sẽ đưa cho mình một cây kèn để sửa. Khi sửa xong, họ vẽ 1 sơ đồ chỉ ra những điểm mình chưa làm được và những điểm mình hoàn thành tốt. Sau đó họ cấp cho mình giấy chứng nhận để mình có thể sửa chữa ở các nước khác trên thế giới”.
 
Anh Nguyễn Duy Khang gần như là một người duy nhất tại Việt Nam làm nghề này. Có một vài người khác cũng biết sửa chữa nhưng phần lớn họ không làm nghề chuyên nghiệp. Đứng ở vị trí như vậy, “bác sĩ" saxophone Nguyễn Duy Khang trăn trở: “Tôi muốn đào tạo cho thế hệ đàn em sau này làm nghề thật tốt. Có những cây kèn đã được sửa chữa ở một chỗ khác, sau đó mang đến chỗ tôi, tôi nhận ra cây kèn gần như chưa đạt được tình trạng hoàn hảo. Cuối cùng tôi phải làm lại hết. Nói ra thì sợ người ta buồn, nhưng tôi vẫn phải nói để mọi người cùng nhau phát triển”.
 
Ngày xưa, anh Khang từng học thổi kèn của nghệ sĩ Thanh Phước, bản thân anh Duy Khang từng sở hữu những cây kèn saxophone quý hiếm nhưng để chuyên tâm vào công việc sửa chữa anh đã khép lại những niềm đam mê ấy. Chia sẻ thêm về cách để phân biệt một cây kèn quý, anh Khang cho biết ngoài giấy chứng nhận, cây kèn quý nằm ở độ rơ, độ mòn của nó. Anh cho biết thêm về kinh nghiệm chọn kèn saxophone tốt: “Người nghệ sĩ càng thổi lâu năm, tiếng kèn lại càng hay. Một cây kèn mới sản xuất, vừa được người nghệ sĩ mang ra thổi thì không thể nào mang đến âm thanh hay bằng cây kèn đã được sử dụng lâu năm”.
 
Ước mơ đào tạo được những người thợ sửa kèn đồng giỏi hiện nay là mục tiêu của “bác sĩ" saxophone. Anh Nguyễn Duy Khang là người được Tổ chức Kỷ lục gia Việt Nam trao danh hiệu Người sửa chữa thành công cho nhiều chiếc kèn nhất. Nhiều nghệ sĩ kèn saxophone của Việt Nam như nghệ sĩ Quyền Văn Minh, Xuân Hiếu, Hoài Phương... đều là khách hàng của anh Nguyễn Duy Khang./.
Bài và ảnh: Nguyễn Luân


Top