Văn hóa

Đức vua Chao Anouvong trong trái tim nhân dân Lào

(BAVN Online) Đất nước Lào, đất nước của hội hè, năm nay người dân lại được đón thêm một sự kiện lớn khơi dậy lòng tự hào dân tộc. Đó là việc dựng tượng vua Chao Anouvong, vị anh hùng dân tộc, người đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm vì độc lập của đất nước Triệu voi.
Chao Anouvong là vị vua cuối cùng của vương triều đất nước Lạn Xạng – Viêng Chăn (1804-1828). Trong thời gian trị vì đất nước, nhà vua đã làm được nhiều việc cho Vương quốc  Lạn Xạng – Viêng Chăn như bình ổn xã hội, xây dựng nhiều công trình văn hóa, có mối quan hệ rất tốt đẹp với Việt Nam và các nước láng giềng. Đặc biệt, nhà Vua rất coi trọng xây dựng khối đoàn kết, khơi dậy lòng yêu nước chống quân xâm lược trong nhân dân, chờ thời cơ giành lại đất đai, độc lập cho nước nhà.


Lễ khánh thành tượng đài vua Chao Anouvong, vị anh hùng đáng kính của dân tộc Lào.

Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Lào Chummaly Saynhasone gióng lên những hồi chiêng
theo nghi lễ truyền thống trong lễ khánh thành tượng đài vua Chao Anouvong.

Thủ tướng Chính phủ Lào Bousone Bouphavanh trong ngày lễ trọng đại.

Nghi thức rước tượng Phật trong lễ khánh thành tượng đài vua Chao Anouvong.

Niềm tự hào và phấn khởi thể hiện rõ trên từng khuôn mặt của người dân Lào.

Đây cũng chính là sự kiện đặc biệt khơi dậy tinh thần yêu nước của đông đảo tầng lớp thanh niên Lào.

Trong  hai năm (1826 đến 1828) nhà vua Chao Anouvong đã lãnh đạo nhân dân đứng lên chiến đấu chống lại ách thống trị của phong kiến Xiêm (Siam), giải phóng được một số tỉnh, nhưng sau đó bị quân Xiêm dưới sự  hỗ trợ của quân đội Anh và Bồ Đào Nha đánh bại. Mặc dù bị bắt và chịu nhiều nhục hình nhưng nhà vua không khuất phục trước sức mạnh bạo tàn của kẻ thù và đã chết trong ngục tù ở tuổi 61.
Từ đó, tên tuổi nhà vua đã trở thành huyền thoại trong lòng người dân Lào. Nhiều con đường, nhiều công trình, bài hát… đã được đặt tên ông như một niềm tôn kính vị anh hùng dân tộc đã chiến đấu và hy sinh để bảo toàn phẩm giá và danh dự của nước Lào.
Để tỏ lòng tôn kính nhà vua, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, hướng tới kỷ niệm 450 năm thành lập Viêng Chăn và 35 năm Quốc khánh nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào, Đảng và Nhà nước Lào đã cho dựng tượng nhà vua Chao Anouvong.
Tượng vua Chao Anouvong được dựng tại công viên mang tên ông  “Chao Anouvong” nằm bên bờ sông Mê Kông, dọc đường Pha Ngum ở thủ đô Viêng Chăn. Tượng hướng ra sông Mê Kông trong tư thế tay trái cầm gươm, tay phải giơ ra phía trước ra lệnh tấn công. Ngang lưng có dây thắt lưng chạm hình rắn Naga, tượng trưng cho hoà bình và đạo đức. Bức tượng bằng đồng, cao hơn 8 mét, rộng hơn 3 mét và nặng trên 10 tấn, sừng sững hiên ngang đầy khí phách.
Ngày khánh thành tượng đài có đầy đủ các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Lào như Tổng Bí thư Đảng NDCM Lào kiêm Chủ tịch nước CHDCND Lào Choummaly Sayasone; Thủ tướng Chính phủ Bouasone Bouphavanh; Chủ tịch Quốc hội Thongsinh Thammavong, cùng nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ… và hàng ngàn người dân Lào từ các tỉnh và thủ đô Viêng Chăn đã đến dự. 
Phát biểu nhân sự kiện trọng đại này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Lào Somsavad Lengsavath đã nêu bật tinh thần yêu nước, dũng cảm, bất khuất, kiên cường của nhà vua Chao Anuvong; đánh giá cao cuộc đấu tranh giải phóng đất nước của vua Chao Anouvong, mặc dù cuộc đấu tranh đó không giành được thắng lợi nhưng tinh thần bất khuất của ông vẫn còn sống mãi trong trái tim người Lào. Phó Thủ tướng Somsavad Lengsavath cũng nhấn mạnh, tượng đài Chao Anouvong không chỉ nhằm tưởng nhớ công lao và sự hy sinh của vua Chao Anouvong mà còn là nơi để giáo dục cho các thế hệ con cháu mai sau về tinh thần yêu nước thương nòi, ý chí kiên cường bất khuất trước mọi kẻ thù xâm lược.
Khi Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Choummaly Sayasone đánh hồi chiêng khánh thành cũng là lúc hàng vạn người dân Lào theo tiếng cầu kinh của các nhà sư đã cúi rạp người cầu nguyện cho nhà vua, cùng với đó là dàn đồng ca của nam nữ thanh niên Viêng Chăn hát vang bài ca ca ngợi công đức nhà vua đối với đất nước.
Keobunphan, sinh viên khoa ngôn ngữ, trường Đại học Quốc gia Lào phấn khởi nói: “Chúng em tự hào về vua Chao Anouvong, người đã dũng cảm đấu tranh chống lại quân Xiêm xâm lược. Ông thà chết trong sự giam cầm, bạc đãi của người Xiêm nhưng không khuất phục quân xâm lược. Bài học về lòng dũng cảm và tinh thần đấu tranh bất khuất cũng như lòng tự tôn dân tộc của nhà vua đã tác động mạnh đến thế hệ trẻ như em.”
Còn bà Khoonphet Vongdara thì không giấu được niềm xúc động, bà nói: “Vua Chao Anuvong là niềm tự hào của dân tộc Lào, tinh thần yêu nước của ông đã thôi thúc bao thế hệ tiến lên để có được hạnh phúc hôm nay. Vì vậy, tôi sẽ dạy cho con cháu hiểu tinh thần yêu nước của nhà vua, động viên con cháu học hành, có lòng tự tôn dân tộc, phấn đấu xây dựng một nước Lào tự do, hạnh phúc.”
Lễ khánh thành tượng đài vua Chao Anouvong được tiến hành từ 4 giờ chiều ngày 7/11 đến 7 giờ sáng 8/11 theo nghi lễ và phong tục của Phật giáo. Khi màn đêm vừa buông xuống, những màn pháo hoa rực sáng bầu trời Viêng Chăn trong điệu nhạc Lăm Tơi ngày hội rộn ràng vang lên chào đón vị anh hùng dân tộc Chao Anouvong đáng kính của nhân dân các bộ tộc Lào./.
 
Thực hiện: Hoàng Chương - Phạm Kiên (từ Viêng Chăn)

Thực hiện: Hoàng Chương - Phạm Kiên (từ Viêng Chăn)

Thời khắc lịch sử - Huế chính thức thành thành phố trực thuộc Trung ương

Thời khắc lịch sử - Huế chính thức thành thành phố trực thuộc Trung ương

Sáng nay, ngày 30/11/2024 đã trở thành thời khắc mang dấu ấn lịch sử đối với hơn 1,2 triệu người dân Thừa Thiên Huế khi Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương với số phiếu tán thành rất cao, 458/461 phiếu, chiếm 95,62% tổng số đại biểu tham gia phiên họp.

Top