Triển lãm “Đồng tiền muôn mặt” như một biên niên sử Việt Nam xuyên đã gợi mở nhiều giá trị về tiền tệ, các văn bản, giấy tờ có giá trị tương đương, giúp công chúng hiểu được nền kinh tế, thương mại của Việt Nam trong quá trình 10 thế kỷ phát triển.
Không gian trưng bày triển lãm như một chiếc đồng hồ hình bát giác mà các hiện vật có niên đại lâu đời trở về sau được xếp theo chiều kim đồng hồ. Có khách tham quan còn tưởng tượng, triển lãm như một chiếc bánh xe lịch sử đang quay chầm chậm theo bước chân của mỗi công chúng khi lặng lẽ tìm hiểu từng món hiện vật.
“Em tìm được ở triển lãm này rất nhiều thông tin quý giá về lịch sử tiền tệ Việt Nam. Như các thời điểm đổi tiền được thông báo bằng văn bản, hay được đăng tải trên báo chí, từ đó giúp thế hệ sau như chúng em biết được hoàn cảnh kinh tế Việt Nam ở từng thời điểm nhất định”, bạn Nguyễn Minh Phương, sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.

Khách tham quan tìm hiểu các loại tiền tệ từ thế kỷ 10 đến đầu thế 20 tại triển lãm.

Các bạn trẻ đến tham quan và tìm hiểu các loại tiền tệ Việt Nam qua các thời kì.

Du khách ghi hình lại những loại tiền có màu sắc sỡ và kiểu dáng bắt mắt.

Công chúng sẽ có một cái nhìn tổng quan về lịch sử tiền tệ Việt Nam khi bước vào không gian triển lãm
được thiết kế đặc biệt. “Đồng tiền muôn mặt” với đủ loại tiền tệ, từ tiền đồng, tiền kẽm,
tiền vàng, tiền thưởng (đại tiền) đến các loại tiền giấy, tiền polymer…
từ thế kỷ 10 đến đầu thế 20 đều “hội tụ” trong triển lãm. |
Triển lãm “Đồng tiền muôn mặt” do Bảo tàng Lịch sử Tp. Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ và các nhà sưu tập phối hợp tổ chức với hơn 700 hiện vật gồm nhiều tài liệu, mẫu tiền tệ quý chưa công bố. Đó là các loại tiền tệ qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Hồ, Lê sơ, Mạc, Tây Sơn, tiền đúc ở Đàng Trong thời các chúa Nguyễn, tiền Đông Dương thuộc Pháp, tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tiền Việt Nam Cộng hòa, tiền của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam và tiền của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. |
Nhiều đoàn khách quốc tế cũng rất ấn tượng trước lịch sử tiền tệ Việt Nam, với một nền tài chính độc lập từ lâu đời qua các triều đại phong kiến cho đến thời hiện đại. Ông Brian Smith, du khách người Anh cho rằng: “Tôi rất trân trọng tất cả các hiện vật, tài liệu có liên quan đến tiền tệ mà các bạn đã gìn giữ được một cách có hệ thống qua hàng thiên niên kỷ. Triển lãm giúp tôi có thêm hiểu biết về tiền tệ, hay lịch sử tài chính của một nước phương Đông như Việt Nam. Đất nước của các bạn thật sự có một lịch sử đầy tự hào, thể hiện ở đây là các loại tiền tệ của mỗi giai đoạn đều mang những giá trị văn hóa của thời đại với những bản sắc riêng…”.

Hũ đựng tiền đồng TK 18.

Xâu tiền – Đồng TK 19.

Tiền thưởng (Đại tiền) thời Nhà Nguyễn (1802-1945), hay còn gọi là “Minh Mạng thông bảo”.

Tiền thưởng (Đại tiền) thời Nhà Nguyễn (1802-1945) hay còn gọi là “Thiệu Trị thông bảo”.

Đồng tiền "Đoan Khánh thông bảo" thời Lê (1428 -1527)

Tiễn kẽm Đàng trong TK 18.

Tiền tệ Việt Nam thời Pháp thuộc (1875 - 1954).

Tiền tệ Việt Nam, được đúc bằng kim loại thời quân chủ (968 - 1945).

Tiền tệ Việt Nam thời Pháp thuộc (1875 - 1954) do ngân hàng Đông Dương phát hành.

Tiền tài chính 1945 – 1950 (Miền Bắc).

Tín phiếu Trung Bộ (1952 - 1954).

Tiền của Ngân hàng Nhân dân Nam bộ.

Tiền của thời Việt Nam Cộng Hòa (1955 - 1975).

Tiền tệ Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa (1951 - 1976).

Khuôn in tiền loại 20 đồng.

Máy tính tiền kim loại đầu TK 20.

Máy in biên lai kim loại đầu TK 20. |
Không chỉ được tìm hiểu các loại tiền, tham quan “Đồng tiền muôn mặt” công chúng còn biết được quy trình sản xuất tiền thời quân chủ được thể hiện bằng các hình vẽ minh họa; hay được xem lại các văn bản về việc in ấn, phát hành và lưu thông tiền tệ, giấy tờ mua bán đất, văn bản thuế từ thời nhà Nguyễn, thời Việt Nam Cộng hòa…; các vật dụng liên quan đến tiền như xâu tiền, thước đếm, hũ đựng; phiếu tiếp tế, phiếu đổi chác, tiền địa phương, công phiếu nuôi quân… sử dụng trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ./.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Thông Hải