Phóng sự chuyên đề

Đồng Tháp Mười hôm nay

Đồng Tháp Mười, vùng đất từng được mệnh danh là “túi phèn”, là “rốn lũ” của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, mảnh đất từng làm nản lòng nhiều nhà khoa học quốc tế khi muốn chinh phục nó để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, chỉ sau bốn thập niên (1975 – 2015), cuộc trường chinh khai phá, cải tạo đất phèn và khắc chế lũ của người dân Nam Bộ đã làm nên kì tích, biến nơi đây thành vựa lúa lớn của đất nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và biến Việt Nam thành một cường quốc về xuất khẩu lúa gạo trên thế giới.
Cuộc trường chinh khai phá
Theo sử liệu ghi lại, tên gọi Đồng Tháp Mười xuất hiện từ đầu thế kỉ XIX. Đây là vùng đất nằm ở hạ lưu sông Tiền. Đồng Tháp Mười có địa hình trũng như lòng chảo, đất đai nhiễm phèn, chỉ có cỏ lác mọc thành đồng. Mỗi năm nơi đây phải hứng chịu 6 tháng nước lũ tràn về biến thành rốn lũ, rồi đến 6 tháng nắng hạn khiến cho đồng ruộng cạn kiệt nước đến độ không thể trồng được cây gì nên đất đành phải bỏ đất hoang. Ngay cả khi thực dân Pháp xâm chiếm miền Nam, đưa chuyên gia xuống nghiên cứu để thực hiện ý đồ khai thác, nhưng rồi phải trở về trong bất lực vì cho rằng Đồng Tháp Mười không thể trồng được lúa.
 
Đất nhiễm phèn gây ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng đất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của những người di cư đến khẩn hoang. Gia đình anh Nguyễn Thành Tài (xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) vẫn còn lưu giữ những kí ức khó phai về sự vất vả khi vào Đồng Tháp Mười lập nghiệp. Anh Tài nhớ lại: “Lúc đó ở nơi đây rất hoang vắng, đi khoảng cây số mới gặp được một nóc nhà. Nguồn nước bị nhiễm phèn nặng đến nỗi có thể nhìn thấy phèn từ trên xuống tận đáy. Bà con muốn uống phải dùng cái khăn rằn cột hai đầu lại, bỏ tro bếp lên rồi đổ nước vô cho nước nhiễu qua, lọc lấy nước đó để uống!”.

Sau ngày thống nhất đất nước, trước nhu cầu giải quyết cấp bách về vấn đề thiếu lương thực trong cả nước, các tỉnh vùng này đã tổ chức các cuộc di dân về Đồng Tháp Mười để khai hoang trồng lúa với quy mô lớn và tập trung.



Cán bộ ở Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Đồng Tháp Mười nghiên cứu mẫu đất phèn tại ruộng lúa.
Ảnh: Lê Minh



Hoạt động nghiên cứu địa chất của các nhà khoa học ở vùng Đồng Tháp Mười. Ảnh: Tư liệu


Công cuộc khẩn hoang, cải tạo Đồng Tháp Mười được xem là một kỳ tích của người dân Nam Bộ.
Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Việt Nam



Cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Đồng Tháp Mười
nghiên cứu các giống lúa chịu phèn được trồng trong  nhà lưới của trung tâm. Ảnh: Lê Minh





Nghiên cứu mẫu lúa tại phòng thí nghiệm và các giống lúa thích hợp cho vùng Đồng Tháp Mười
tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Đồng Tháp Mười. Ảnh: Thông Hải



Vùng trồng cây chanh không hạt trên đất phèn xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Ảnh: Thông Hải


Cây khóm rất thích hợp trồng ở vùng đất phèn ở Đồng Tháp Mười. Ảnh: Thông Hải


Tuyến dân cư vượt lũ bên cạnh những con kênh đào ở huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Ảnh: Lê Minh


Toàn cảnh Thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An. Ảnh: Thông Hải
 
Đồng Tháp Mười là tên gọi của một vùng đất trũng rộng 697.000ha, chiếm gần 18% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, trải rộng trên ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp. Trong đó, Long An chiếm gần khoảng 50% diện tích.
Hàng nghìn người từ khắp các địa phương như: Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau, Long An… đến Đồng Tháp Mười lập thành các nông trường trồng lúa. Sau 6 năm (1976 – 1982), toàn vùng Đồng Tháp Mười đã xây dựng được 27 nông trường quốc doanh, tạo thành ba vùng trồng lúa là Vĩnh Hưng, Đồng Tháp, Mộc Hóa với tổng diện tích 222.369ha. Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất lúc này vẫn chưa cao do vẫn chỉ canh tác được một vụ lúa mùa nổi.
 
Nói về công lao khai phá, chinh phục, cải tạo vùng đất này, người dân Đồng Tháp Mười luôn nhắc đến cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Còn nhớ, vào những năm 80 của thế kỉ trước, ông Võ Văn Kiệt lúc bấy giờ đang là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp để bàn biện pháp cải tạo vùng đất này. Từ đó ông quyết tâm chỉ đạo thực hiện thành công chương trình “sống chung với lũ” và “thoát lũ ra biển Tây”, giúp thoát lũ, dẫn ngọt, tháo chua, rửa phèn, khai hoang, phục hóa hàng trăm ngàn hecta đất.
 
Và cũng từ đây, rất nhiều đoàn nghiên cứu, nhà khoa học đã xung phong xuống vùng Đồng Tháp Mười băng đồng, lội nước nghiên cứu. Trong đó, những nghiên cứu quan trọng của nhóm PGS.TS Hồ Văn Chín đến từ Viện Địa lý - Tài nguyên Tp. Hồ Chí Minh đã trở thành kim chỉ nam để Đồng Tháp Mười áp dụng thực hiện.
 
Qua nghiên cứu, PGS.TS Hồ Văn Chín đúc kết, cái khó nhất trong việc khai phá Đồng Tháp Mười là phải chỉ ra cho người dân biết được họ phải trồng cây gì trên vùng đất nào là thích hợp, và thủy lợi đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong sản xuất.
 
Áp dụng vào thực tiễn, các tuyến kênh nguồn như: Hồng Ngự, Vĩnh Hưng, hay các kênh cấp 1 phía dưới như: kênh 28, 79, 12,… được gấp rút đào mới để dẫn nước vào đồng ruộng.
 
Nước ngọt từ các con sông Tiền, sông Vàm Cỏ theo các dòng kênh đổ về Đồng Tháp Mười không chỉ giúp tiêu độc, rửa phèn, mà còn giúp thoát lũ ra Biển Đông, làm giảm áp lực của nước khi mưa lũ tràn về, đồng thời cung cấp nước ngọt cho cây trồng, cho cuộc sống sinh hoạt của người dân. Nước ngọt đi tới đâu diện tích trồng lúa tăng theo tới đó, còn diện tích hoang hóa thì ngày càng được thu hẹp.
 
Năm 1983 Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Đồng Tháp Mười được thành lập tại huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An với nhiệm vụ nghiên cứu các giải pháp thiết thực để trồng lúa thành công trên đất phèn.
 
Trong thời gian này, các giải pháp sạ ngầm, sử dụng phân lân nung chảy để ém phèn trồng lúa do Trung tâm nghiên cứu đã từng bước được đưa vào ứng dụng. Ngoài ra, Trung tâm còn đưa vào trồng đại trà hai giống lúa Quốc gia QR 50404 và IR 59606 có đặc tính chịu phèn, năng suất cao, ổn định cả 2 vụ, kháng được sau bệnh, phù hợp với nhu cầu sản xuất lúa gạo.
 
Thạc sĩ Nguyễn Viết Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Đồng Tháp Mười cho rằng, việc cải tạo hệ thống thủy lợi, tìm ra các giống lúa chịu phèn, áp dụng kỹ thuật trồng lúa, phân bón và cách trị phèn hiệu quả là khâu đột phá quan trong trong việc làm đổi thay Đồng Tháp Mười.
 
Vựa lúa lớn của Đồng bằng sông Cửu Long

“Vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An có giá trị sản xuất ngành trồng trọt chiếm trên 85% giá trị, trong đó cây lúa chiếm gần 80%. Sản lượng lúa gạo của tỉnh Long An hiện đạt khoảng 2,85 triệu tấn/năm. Diện tích đất trồng lúa gần 150.000ha, cây khoai mỡ trên 3.000 ha, năng suất bình quân 85 tạ/ha, sản lượng trên 27.000 tấn; cây dưa hấu trên 2.000 ha, năng suất trên 200 tạ/ha, sản lượng trên 42.000 tấn; cây mè trên 1.500 ha, năng suất 6,6 tạ/ha, sản lượng gần 1.000 tấn”.
Nếu như sau giải phóng, Đồng Tháp Mười chủ yếu trồng lúa một vụ với sản lượng khiêm tốn chỉ khoảng 700 – 800 ngàn tấn/năm, thì đến nay diện tích đất trồng tăng khoảng 350.000ha, canh tác được 2 đến 3 vụ trong năm với sản lượng lúa đạt khoảng 3,5triệu tấn/năm (số liệu năm 2014). Hàng năm, vựa lúa Đồng Tháp Mười đóng góp khoảng 20% tổng sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
 
Những ngày đầu tháng 9 vừa qua, chúng tôi đến Đồng Tháp Mười trong lúc vụ lúa hè thu đang vào độ thu hoạch. Hai bên các tuyến đường nối nhau xuyên qua Đồng Tháp Mười là những cánh đồng lúa vàng ươm kéo dài tận chân trời. Những con đường nhựa lớn đã trải dài tới tận các huyện, xã vùng biên giới, mạng lưới điện và nước sạch theo sau. Những ngôi nhà được thiết kế chắc chắn ở những vùng lũ, những tuyến dân cư vượt lũ đã được quy hoạch phù hợp, giúp bà con an cư, yên ổn làm ăn.
 
Thị xã Kiến Tường của tỉnh Long An vừa được nâng cấp vào năm 2013, là một trong những bộ mặt nông thôn mới của địa phương ở vùng gần biên giới, thể hiện sự phát triển vượt bật của vùng Đồng Tháp Mười sau 40 năm.

 
Hơn 40 năm gắn bó với nghề trồng lúa trên vùng đất Đồng Tháp Mười, bà Võ Thị Hồng (xã Tuyên Thạnh, Thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An) đã biến 30ha đồng cỏ ngập nước trước kia thành đồng lúa tốt tươi. Từ việc chỉ làm được 1 vụ/năm với năng suất khoảng 1 - 2 tấn/ha thì bây giờ bà Hồng cùng rất nhiều bà con nông dân khác đã làm được 3 vụ lúa một năm, với năng suất trung bình khoảng 7 - 8 tấn/ha, thậm chí có năm lên tới 10 -11 tấn.
 
 

Những cánh đồng lúa bạt ngàn ở vùng Đồng Tháp Mười vào vụ thu hoạch. Ảnh: Thông Hải


Nông dân vùng Đồng Tháp Mười áp dụng các loại máy móc nông nghiệp hiện đại vào hoạt động sản xuất,
thu hoạch giúp tăng năng suất và tiết kiệm chi phí cho người dân nơi đây. Ảnh: Lê Minh



Dây chuyền gặt, đập liên hoàn và vận chuyển lúa được đưa vào sử dụng trên những cánh đồng lúa vùng Đồng Tháp Mười.
Ảnh: Thông Hải



Ghe xuồng vận chuyển lúa gạo trên vùng kênh rạch Đồng Tháp Mười. Ảnh: Lê Minh


Vận chuyển lúa bằng đường thủy trên các dòng kênh, rạch đến các nhà máy chế biến lúa gạo trong vùng Đồng Tháp Mười.
Ảnh: Lê Minh

 
 Với sản lượng lúa đạt khoảng 3,5 triệu tấn/năm (số liệu năm 2014). Hàng năm, vựa lúa Đồng Tháp Mười đóng góp khoảng 20% tổng sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Hiện nay, ngoài những vùng trồng lúa truyền thống, Đồng Tháp Mười đã đưa vào thêm nhiều loại cây trồng phù hợp với từng khu vực. Những vùng đất nhiễm phèn, đất xấu như các huyện Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng thuộc tỉnh Long An ngoài hai vụ lúa còn trồng xen được vụ dưa hấu vào cuối năm. Khoai mỡ được trồng nhiều trên đất nhiễm phèn nặng ở huyện Tân Phước (Tiền Giang); cây khóm (dứa), chanh, thanh long được trồng nhiều ở Thạnh Hóa (Long An); cây mè (vừng), dưa hấu được trồng nhiều ở Vĩnh Hững, Tân Hưng (Long An). Một số vùng ngập nước, nhiễm phèn nặng được phủ đầy bởi rừng tràm, súng, sen.
 
Theo ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng hiện nay ở Đồng Tháp Mười nhằm giúp gia tăng sản lượng và đa dạng hóa cây trồng, hướng đến sản xuất đa canh là hướng đi bền vững cho Đồng Tháp Mười. Tuy nhiên, cây lúa vẫn là loài cây tiên phong, bền vững, chủ lực của nơi đây.

 
Dù còn những khó khăn nhất định nhưng với những hướng đi đúng đắn và phù hợp với thực tiễn của địa phương, Đồng Tháp Mười đang mở ra những cơ để hội phát triển kinh tế, xã hội bền vững, cho hôm nay và cho mai sau./.
 

Toàn cảnh dây chuyền sản xuất lúa gạo tại Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (VINAFOOD2). Ảnh: Lê Minh




Quy trình đóng gói sản xuất gạo sạch theo công nghệ Nhật Bản tại Nhà máy VINAFOOD2. Ảnh: Lê Minh


Kiểm tra chất lượng gạo tại Nhà máy của VINAFOOD2. Ảnh: Lê Minh

Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Lê Minh, Thông Hải & Tư liệu


Top