Thể thao

Độc đáo võ khăn rằn

Chiếc khăn rằn vốn rất quen thuộc đối với mỗi người dân Nam Bộ, thế nhưng trong những tình thế nhất định thì chiếc khăn bỗng chốc trở thành thứ binh khí phòng thân rất hữu hiệu.
Võ sư Hồ Tường (môn phái Võ lâm Tân Khánh Bà Trà - Takhado) xác nhận, khăn rằn là một loại vũ khí trong kho tàng võ thuật cổ truyền Việt Nam. Loại vũ khí này cũng có một bài võ riêng biệt như những món binh khí quen thuộc khác trong võ học như: Đao, kiếm, thương, côn… Nhiều môn phái có bài võ khăn rằn với nhiều cách đánh, cách sử dụng biến hóa khác nhau, trong đó, môn phái Thanh long võ đạo có bài “Nhung thuật”, môn phái Võ lâm Tân Khánh Bà Trà có bài “Đảo vũ thiên cân” (khăn trời quất làm mưa nghiêng ngả).
    
"Cũng như đòn gánh, liềm, loại binh khí khăn rằn cũng là vật dụng hằng ngày của người dân. Tuy nhiên, chính thực tế trong cuộc sống đã biến loại vật dụng này thành vũ khí chiến đấu để bảo toàn sinh mạng và tài sản của người sử dụng", võ sư Hồ Tường thông tin thêm.
    


Bài võ khăn rằn vô cùng độc đáo trong hệ thống Võ cổ truyền Việt Nam do cha ông ta sáng tạo nên.


Trong hệ thống võ thuật cổ truyền Việt Nam, nhiều môn phái có bài võ sáng tạo từ chiếc khăn rằn,
môn phái Thanh long võ đạo có bài “Nhung thuật” – bài võ thuật từ vải.


Môn phái Võ lâm Tân Khánh – Bà Trà (Takhado) có bài “Đảo vũ thiên cân” - khăn trời quất làm mưa nghiêng ngả.


Dùng lực phóng chiếc khăn tấn công.


Chiếc khăn rằn dùng làm binh khí thường được người sử dụng quấn lại nhằm tạo độ dày, độ nặng nhằm dễ sử dụng và tạo được độ sát thương cao.


Khăn được liệt vào loại binh khí mềm nên việc sử dụng chiếc khăn mềm, mỏng
và nhẹ trở thành một binh khí hiệu quả đòi hỏi người sử dụng nó phải có kỹ thuật căn bản và luyện tập thuần thục.

Thuộc bộ vũ khí mềm nên khăn rằn có những kỹ thuật riêng biệt đòi hỏi võ sinh phải có những kỹ năng nhất định. Cụ thể, uy lực của vũ khí khăn rằn nằm ở các kỹ thuật quật, móc, khóa, trói… Đặc tính mềm, dẻo dễ dàng phóng ra thu về một nên người giỏi sử dụng khăn rằn có thể tấn công dài, ngắn, xa, gần một cách linh hoạt.
    
Thông tin thêm về loại vũ khí nói trên, võ sư Hà Thị Yến Oanh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền Tp. Hồ Chí Minh cho biết, là một loại binh khí mềm, khăn rằn dễ quấn bắt, cột trói đối phương,… Sức mạnh của khăn rằn được phát huy đầy đủ nhờ vào việc người sử dụng vận dụng được sự linh hoạt của cánh tay, cổ tay và cơ bắp phối cùng bộ pháp, thân pháp.
    
Do đó, để thi triển được đầy đủ các tuyệt kỹ của món binh khí tưởng chừng xa lạ nhưng hết sức quen thuộc này, đòi hỏi võ sinh phải có sự nhịp nhàng, uyển chuyển, quyền biến, nhanh nhẹn, mạnh mẽ, thăng bằng... Ví dụ, khi võ sinh sử dụng khăn để quấn vũ khí của đối phương thì có thể giật rơi, khi đánh khăn vào đối phương có thể khiến đối phương rát mặt, tối mặt.
    
Cũng theo 
võ sư Hà Thị Yến Oanh, môn sinh trung cấp (đai xanh cũ, tức tập võ từ 1 năm trở lên) trở lên đều có thể tập bài võ Đảo vũ thiên cân. Tuy nhiên, để tập và thể hiện cho đúng bài võ đặc biệt này võ sinh phải đạt trình độ huấn luyện viên (hoàng đai, tức 3 năm trở lên).
    

Chiếc khăn rằn mang theo bên người dùng làm đồ trang sức nhưng khi cần thiết sẽ trở thành một binh khí lợi hại để phòng thân.


Dùng khăn rằn quấn cổ và hạ gục đối phương.


Dùng chiếc khăn khóa tay đối phương rất hữu hiệu.


Bung chiếc khăn ra tấn công vào mặt và mắt đối phương là một đòn đánh bất ngờ, hiệu quả.


Dùng khăn khóa chân đối phương và giật mạnh làm ngã đối thủ.


Dùng khăn rằn khóa tay đối phương.

Được biết, bài Đảo vũ thiên cân do huấn luyện viên Nguyễn Trung Nam biểu diễn đã đoạt 2 huy chương Bạc trong 2 kỳ Liên hoan võ thuật cổ truyền đất Phương nam do Liên đoàn Võ thuật cổ truyền TP.HCM tổ chức. Còn theo võ sư Hà Thị Yến Oanh, trong những lần liên hoan võ thuật cổ truyền quốc tế tổ chức tại nước ngoài, các môn sinh đại diện cho đoàn Việt Nam đã đem bài võ khăn rằn này ra biểu diễn. Tuy nhiên, thay vì sử dụng chiếc khăn rằn của người Nam Bộ, bà đã cho võ sinh biểu diễn với một chiếc khăn bình thường.
    
Giải thích về điều này, nữ võ sư Yến Oanh cho biết: “Tôi muốn bạn bè thế giới thấy được rằng, không phải chỉ chiếc khăn rằn của Việt Nam mới trở thành vũ khí trong võ thuật được mà tất cả các loại khăn của nhiều nước khác trên thế giới nếu được tập luyện bài bản đều trở thành vũ khí phòng thân. Hơn thế, việc sử dụng chiếc khăn bình thường khiến cho loại vũ khí và bài võ này trở nên gần gũi hơn, thân thuộc hơn với tất cả mọi người. Do đó, sau khi biểu diễn, bạn bè quốc tế hết sức thích thú với bài võ này”./.

 
Bài & ảnh: Sơn Nghĩa

Mãn nhãn Giải vô địch thế giới mô tô nước UIM-ABP Aquabike World Championship

Mãn nhãn Giải vô địch thế giới mô tô nước UIM-ABP Aquabike World Championship

Sau 2 ngày tranh tài diễn ra đầy kịch tính, Giải đua mô tô nước thế giới 2024 (UIM-ABP Aquabike World Championship) – chặng đua Grand Prix of Binh Dinh, đã lựa chọn được những gương mặt vận động viên xuất sắc nhất để vinh danh tại đầm Thị Nại (tp.Quy Nhơn, Bình Định).

Top